Các doanh nghiệp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) đang tích cực tính đến chuyện tăng cường đầu tư vào các công nghệ mạng dựa trên nền tảng công nghệ lưu trữ đám mây.
Một nghiên cứu thực hiện bởi công ty phân tích công nghệ IDC khẳng định rằng cơ sở hạ tầng và doanh thu dịch vụ từ công nghệ SD-WAN (mạng diện rộng được điều khiển bởi phần mềm) sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) ở mức 69,6%, lên tới con số 8,05 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021. Đây quả là một con số ấn tượng.
IDC cho biết, tại Đông Nam Á (ĐNA), khoảng 56% các tổ chức doanh nghiệp đã tiến hành hoặc đang có kế hoạch triển khai công nghệ SD-WAN. Khoảng 30% trong tổng số những nơi được khảo sát đã chỉ ra rằng khả năng điều khiển truy cập trên cơ sở lệnh (PBAC) và khả năng tối ưu hóa mạng diện rộng (WAN) của công nghệ SD-WAN là động lực chính thúc đẩy họ triển khai công nghệ này.
Chi nhánh khu vực CA-TBD của IDC cho rằng hầu hết lưu lượng truy cập của mạng WAN ngày nay (theo chiều đến và đi từ các chi nhánh và ở khoảng cách xa) là để dành cho công nghệ điện toán đám mây hay các ứng dụng lưu trữ hoặc hệ thống lưu trữ đám mây công cộng (public cloud).
Việc này cũng không có gì bất ngờ, bởi vì mạng WAN kiểu cũ được thiết kế để khởi đầu từ cấp chi nhánh và kết thúc ở trung tâm dữ liệu, và không hỗ trợ nhiều cho việc truy cập của điện toán đám mây vốn dĩ phức tạp. Trong khảo sát của mình, IDC chỉ ra các tổ chức dùng hệ thống mạng kiểu cũ đang gặp phải những thách thức lớn về hiệu suất và những khó khăn khác trong quá trình vận hành. Hệ thống mạng này phải hỗ trợ thêm nhiều ứng dụng mới cùng số lượng đơn vị kinh doanh ngày càng lớn khi doanh nghiệp mở rộng hoạt động, cũng như cần đa dạng hóa và giải quyết những vấn đề mới, chẳng hạn như Internet vạn vật (IoT).
Tuy vậy, hầu hết các giám đốc hệ thống thông tin (CIO) và giám đốc công nghệ (CTO) ở CA-TBD cảm thấy công nghệ SD-WAN hình như đang bị thổi phồng quá đáng và công nghệ này cũng chưa giải quyết được những vấn đề lớn nhất về mạng kết nối như triển khai các ứng dụng trên điện toán đám mây, thiết lập điện toán đám mây lai, và Internet vạn vật phục vụ trong công nghiệp, sao cho trơn tru và không phát sinh lỗi ngoài ý muốn.
Trong khi thị trường cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng điện toán đám mây (IaaS) đang tăng trưởng nhờ vào khả năng cung cấp tài nguyên một cách nhanh chóng thì hệ thống mạng mà chúng ta từng biết đang ngày càng lạc hậu. Netfoundry giải quyết vấn đề này bằng cách giúp các doanh nghiệp triển khai các mạng đặc thù, áp dụng bảo mật “Zero-Trust” (không dựa trên niềm tin) trên các môi trường điện toán đa đám mây và đa ranh giới.
NetFoundry đã có thể vượt ra ngoài công thức từ trước đến nay của công nghệ SD-WAN và đã đổi mới nền tảng dựa trên điện toán đám mây, cho phép khách hàng có khả năng kết nối ngay các mạng dựa trên ứng dụng, hoàn toàn điều khiển bằng phần mềm, vào trong điện toán đám mây và các hệ sinh thái Internet vạn vật. Không những vậy, nền tảng này còn giúp khách hàng đạt hiệu suất cao hơn từ 3-5 lần trên hệ thống mạng vật lý cũ của họ. Ví dụ, NetFoundry có thể cung ứng mạng internet với 5 lớp bảo mật được tích hợp để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp khỏi những vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) khi kết nối bới bất kỳ nhà cung cấp nào, chẳng hạn như AWS của Amazon hay AZURE của Microsoft, từ bất kỳ đâu, trong mọi thời điểm, và từ bất kỳ nhà cung cấp hệ thống hạ tầng mạng vật lý nào.
Nhiều tổ chức doanh nghiệp vẫn còn có niềm tin ngây thơ vào công nghệ họ có từ trước đến nay và nỗi sợ thất bai, hoặc việc thiếu đi viễn kiến khiến họ né tránh chuyện áp dụng công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm. Những người lãnh ấn tiên phong luôn là số ít và rải rác ở nhiều nơi nhưng lại đang gặt hái những lợi ích của mô hình mạng mới. Chính họ sẽ định hình tương lai hệ thống mạng ở CA-TBD, đúng theo cách thức của những thay đổi trong lĩnh vực điện toán đám mây diễn ra trong 10 năm trở lại đây.
Dave Ulmer, Trưởng phòng kỹ thuật số của MD Pictures, công ty sản xuất phim hàng đầu của Indonesia, đã nói: “Là một trong những nhà sản xuất phim ảnh hàng đầu châu Á, MD Pictures đang tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng và mạnh mẽ để dịch chuyển những ứng dụng và tệp dữ liệu lớn lên dịch vụ AWS. NetFoundry đã giúp chúng tôi có thể thực hiện công việc này nhanh chóng và an toàn mà không cần phải nhờ đến các mạng riêng ảo (VPN) rắc rối hay các mạch kết nối trực tiếp dạng /MPL đắt đỏ. Loại hình mạng kết nối mới dựa trên nền tảng đám mây với hiệu suất cao và tốc độ tức thời này đã giúp tăng cường năng suất nội bộ của chúng tôi, tăng tốc thời gian tiếp thị, giúp chúng tôi cạnh tranh như một doanh nghiệp kỹ thuật số hiện đại”.
Do sự gia tăng đột biến các vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào các trang mạng của chính phủ, gần hai phần ba những nhà làm chính sách cũng đã lên kế hoạch ưu tiên đưa giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng thành trọng tâm chính trong vòng một năm tới. Khả năng bảo vệ dữ liệu di động sử dụng phương pháp zero-trust của NetFoundry đã giúp bảo vệ nhiều doanh nghiệp ở khu vực CA-TBD.
Chuyện loại bỏ các mạng WAN chuẩn Legacy
Các ứng dụng và ảo hóa dựa trên điện toán đám mây đã chuyển dịch nhu cầu kết nối mạng ra khỏi các thiết bị và hướng đến những giải pháp mạng dựa trên ứng dụng gốc. Trong một thế giới nơi mà mọi thứ diễn ra nhanh chóng và linh hoạt hơn, việc tận dụng một mạng dành riêng cho ứng dụng (ASN) có thể thay cho nhu cầu phải sử dụng những mạch kết nối riêng, những phần cứng độc quyền và những giải pháp viễn thông lỗi thời. Tất cả mọi thứ giờ đều chỉ cần kết nối internet là đủ. Những mạng dành riêng cho ứng dụng giúp loại bỏ gánh nặng về cơ sở hạ tầng và giúp vươn đến các ứng dụng, thiết bị dành cho cá nhân, các văn phòng chi nhánh, và/hoặc người dùng cuối, bất kể các thiết bị, ứng dụng và văn phòng cụ thể là cái gì và hiện nằm ở đâu. Điều này giúp đơn giản hóa quy mô kết nối trong khi cho phép bảo mật một cách chi tiết và không cần tín nhiệm - “Zero-Trust”, vốn đáp ứng được và thậm chí còn vượt trên những tiêu chuẩn về thích ứng khắc khe nhất.
Chakit Abi Saab, Giám đốc công nghệ của Tập đoàn OSM Maritime, một tập đoàn có kinh nghiệm kinh doanh hơn 20 năm trong ngành hàng hải, tóm gọn nhu cầu về sự đơn giản trong kết nối và bảo mật như sau: “Không thể coi nhẹ mức độ hiệu quả công việc mà tập đoàn OSM Maritime sẽ đạt được khi làm việc với một tổ chức sáng tạo như NetFoundry. Trong kinh doanh ngày nay, tất cả các ngành đều có một điểm chung và điều quan trọng là phải cung cấp cho mọi người trong tổ chức doanh nghiệp khả năng truy cập tất cả các ứng dụng bất kỳ lúc nào họ cần cho dù họ đang ở đâu trên thế giới, và việc truy cập an toàn không còn là một tùy chọn mà là thứ bắt buộc phải có. Vì lý do như vậy, chúng tôi quyết định làm việc cùng với NetFoundry với tư cách là đối tác toàn cầu”.
Praveen Sengar, Trưởng phòng Hoạt động CNTT & Kinh doanh tại Dimension Data CA-TBD, một trong số những nhà cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống lớn nhất toàn thế giới và là một thành viên trực thuộc tập đoàn NTT Group của Nhật Bản, đã nói: “Một trong những thách thức chủ yếu khi bạn thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số là làm sao xây dựng được môi trường lấy điện toán đám mây làm trung tâm, nơi mà việc di dời ứng dụng trong phạm vi sử dụng của điện toán đám mây cần phải được quản lý bằng cách vận hành và sự kết nối liên tục. Hiệu suất cao và độ tin cậy của mạng lưới điện toán đám mây, với tính an toàn và tương thích, là một vấn đề nhức đầu khác khi mà các ứng dụng sẽ bắt nguồn từ công nghệ đám mây và cần quyền truy cập cụ thể. NetFoundry tựa như ánh sáng cuối đường hầm vạ là nơi chúng tôi tìm được cho mình mạng kết nối dựa trên nền tảng đám mây có độ an toàn và linh hoạt.
Kết nối này giúp chúng tôi dịch chuyển dữ liệu trên đám mây chỉ trong vài phút và còn xây dựng thêm kết nối riêng cho ứng dụng để phục vụ những nhà bán lẻ bên ngoài của chúng tôi, những người cần truy cập vào các dự án của chúng tôi theo thời gian thực trong ngắn hạn. Quản lý nhiều nhà bán lẻ chỉ trên một màn hình duy nhất với mạng kết nối dựa trên đa ứng dụng trên nền tảng của NetFoundry làm cho mọi việc trở nên dễ dàng cho chúng tôi hơn trong làn sóng chuyển đổi sắp tới đây”.
Một khảo sát gần đây của Futuriom với các nhà quản lý CNTT liên quan đến quan điểm của họ về xu hướng mạng ứng dụng cho thấy nhu cầu về một loại mạng kết nối mới dành riêng cho ứng dụng (ASN) có bao gồm bảo mật tích hợp và kết nối đám mây. Các mạng ASN, hay còn gọi là mạng AppWAN, kiểu mới này sẽ có thể kết nối và bảo mật các ứng dụng đám mây mà không yêu cầu nhiều đến cấu hình phần cứng cụ thể của máy chủ VPN. Futuriom đã khảo sát 200 nhà quản lý CNTT trong phát triển ứng dụng, kết nối mạng, bảo mật và văn hóa làm việc DevOps để tìm hiểu quan điểm của họ về những thách thức chủ yếu và cách giải quyết chúng.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng người dùng doanh nghiệp không muốn xem SD-WAN là một giải pháp cho tất cả các thách thức bảo mật mạng. Chẳng hạn, SD-WAN có thể phù hợp với kết nối các chi nhánh với nhau nhưng không phải lúc nào cũng hỗ trợ các ứng dụng vượt lên trên khuôn khổ của mạng kết nối, bao gồm các thiết bị Internet vạn vật. Rất nhiều nhà quản lý CNTT tham gia khảo sát không coi SD-WAN là một giải pháp cho Internet vạn vật khi 43,5% người dùng doanh nghiệp đồng ý với nhận định rằng SD-WAN không phải là giải pháp lý tưởng cho việc hòa mạng các thiết bị Internet vạn vật phục vụ công nghiệp.
Dựa vào kết quả của cuộc khảo sát Futuriom, có thể thấy các nhà quản lý CNTT đang tìm kiếm một giải pháp mạng dựa trên phần mềm linh hoạt và an toàn hơn cho điện toán đám mây. Các mạng dành riêng cho ứng dụng (ASN) có thể phục vụ nhu cầu trong tương lai để kết nối các ứng dụng phân tán trong môi trường SaaS, IaaS và PaaS, cho dù đó là môi trường đơn đám mây, đám mây lai hay đa đám mây. Không còn nghi ngờ gì nữa, các doanh nghiệp thông minh ở CA-TBD dường như đang nắm bắt xu hướng này một cách nhanh chóng hơn và nắm lấy nhiều lợi ích của các mạng nhanh, an toàn và tương thích hơn các khu vực khác trên thế giới. Hãy cùng dõi theo khu vực này nhé.
Vũ Hoàng dịch