ThS.BS. Đinh Thạc – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM -
Những thiết bị như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng đang trở thành “đồ chơi” phổ biến của trẻ em và là “công cụ” hữu dụng của nhiều bậc phụ huynh dùng để dỗ dành con. Tuy nhiên, việc này ẩn chứa nhiều tác hại không đáng có cho trẻ.
Những tác hại khôn lường
Do công việc bận rộn nên nhiều cha mẹ thường để con tự chơi với các sản phẩm công nghệ như xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử thỏa thích. Nhiều phụ huynh cho rằng việc tiếp cận sớm các thiết bị thông minh như vậy sẽ giúp trẻ nhanh hiểu biết. Tuy nhiên, hành động này không mang lại kết quả tích cực như mong đợi, mà còn có thể khiến các em gặp nhiều rắc rối về sức khỏe như:
- Tổn thương ở tay: Những tổn thương này phát sinh khi trẻ lặp đi lặp lại động tác ấn ngón tay vào bàn phím hoặc nút điều khiển của thiết bị. Ví dụ, trò chơi đòi hỏi người chơi ấn nút điều khiển bằng ngón cái liên tục sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị tổn thương gân duỗi ngón cái. Các trò chơi khác nhau có những phương tiện điều khiển khác nhau như bàn phím, chuột, cần điều khiển… Vì vậy, việc chơi một trò chơi quá lâu có thể gây ra thương tổn, đau đớn cho các vị trí khác nhau trên tay các bé. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chơi xen kẽ các trò chơi vận động để có sự phối hợp hài hòa các nhóm cơ.
- Tăng nguy cơ bị béo phì: Tỷ lệ trẻ em béo phì ngày càng gia tăng, nhất là ở những thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là việc chơi điện tử quá mức khiến các bé thường xuyên ngồi lì một chỗ thay vì chạy nhảy, vận động. Hơn nữa, chơi game gây cảm giác hưng phấn, kích thích trẻ ăn, uống những thức ăn có nhiều đường, tăng nhanh nguy cơ béo phì.
- Ảnh hưởng hệ xương: Chơi điện tử có sức hút “mê hồn” nên rất khó kéo các bé ra khỏi thế giới trò chơi. Khi chơi game nhiều giờ liền, trẻ phải ngồi lâu một chỗ và lười vận động, khiến hệ xương khó phát triển một cách khỏe mạnh, toàn diện.
- Tổn thương mắt: Việc tập trung chú ý vào các diễn biến phức tạp của trò chơi điện tử trong thời gian dài, cộng thêm ánh sáng từ màn hình thiết bị sẽ khiến mắt trẻ phải điều tiết nhiều, gây mỏi mắt. Ngoài ra, những yếu tố như khoảng cách từ mắt trẻ tới màn hình quá gần, lượng ánh sáng quá yếu hay quá mạnh… đều có thể gây tổn thương cho đôi mắt của bé, khiến mắt bị mờ, nheo mắt, nhức đầu, thậm chí có thể làm trẻ bị cận thị, loạn thị… từ khi còn rất nhỏ.
Nguy hại hơn, các thiết bị thông minh còn làm hạn chế khả năng giao tiếp, tiếp xúc của trẻ với thế giới xung quanh. Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ suy nghĩ đơn giản rằng cứ cho con “ôm iPad” để ăn nhanh, ngồi yên, không nghịch ngợm. Tuy nhiên, việc này để lại hậu quả là trẻ đến 5, 6 tuổi vẫn không thể tự ăn, thiếu thích nghi với môi trường xã hội và dần dà lớn lên không biết cách tự lập.
Nguyên tắc an toàn
Để trẻ em phát triển tốt, cha mẹ không nên cho trẻ xem truyền hình quá nhiều. Cụ thể, trẻ em dưới 6 tuổi chỉ được xem trung bình 7 tiếng một tuần, mỗi ngày chừng 1 tiếng và không được vượt quá 3 tiếng trong ngày. Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 2 tuổi xem truyền hình.
Việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng tương tự như việc xem truyền hình. Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ thường chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển thị giác và thính giác, các giác quan khác của trẻ gần như không có cơ hội rèn luyện. Do vậy, các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng máy tính điện tử, máy tính bảng, điện thoại di động để giúp các giác quan của trẻ phát triển một cách toàn diện.
Nếu cho bé sử dụng thiết bị điện tử, phụ huynh cần tạo một không gian an toàn, phòng ốc thoáng mát, đủ dưỡng khí và ánh sáng. Đặc biệt, chú ý hạn chế tối đa nguy cơ từ những thiết bị này như nguồn điện, sạc điện, sóng điện từ và các vật nhỏ như nắp che cổng kết nối có thể gây tắc đường hô hấp của trẻ.
Trẻ em cần tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, con người xung quanh để trưởng thành, do đó thiết bị điện tử tiện ích thế nào cũng không thể thay cha mẹ dạy dỗ cách giao tiếp, kỹ năng sống. Cha mẹ nên tổ chức những hoạt động cân bằng giữa việc học tập, sinh hoạt và vui chơi sao cho mang lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.