An Nguyễn -
Với số lượng phim điện ảnh ra rạp ngày một tăng, có thể nói đây được xem là lĩnh vực thu hút ngày càng đông nghệ sĩ, trong đó có cả những “tay ngang” xuất thân từ ca sĩ, người mẫu, diễn viên... rót vốn đầu tư với số tiền vài tỉ cho tới vài chục tỉ đồng.
Mảnh đất màu mỡ
Một cảnh trong phim Vòng eo 56 kể về cuộc đời một người mẫu đồng thời cũng là nhà đầu tư.
Chuyện nghệ sĩ “lấn sân” sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật thì không có gì xa lạ, song sự lấn sân của nghệ sĩ, đặc biệt là “tay ngang”, với tư cách nhà sản xuất vào thị trường điện ảnh thì lại là một điều khá mới mẻ. Theo một số nghệ sĩ, sự xuất hiện của những “tay chơi” mới sẽ tạo ra một làn gió lạ cho thị trường điện ảnh bị bão hòa như hiện nay.
Nói đến các nhà sản xuất điện ảnh, hiện những cái tên như Chánh Phương, BHD… đã không còn ở thế độc tôn, nhất là khi sự đầu tư của các nghệ sĩ vào làm phim được xem là một xu hướng, đang ngày càng trở nên nở rộ, một phần vì lợi nhuận, một phần vì những giá trị tinh thần to lớn mà nó đem lại cho nhà sản xuất lẫn ê kíp tham gia.
Chẳng hạn như phim Sơn đẹp trai của một nam ca sĩ hải ngoại đã thu về hơn 12 tỉ đồng chỉ sau ba ngày công chiếu đã cho thấy sự thành công của một “tay ngang” và sau khi phim trình chiếu, khán giả có cái nhìn mới hơn về anh đằng sau vai trò của một nam ca sĩ có tiếng.
Gần đây, khán giả yêu điện ảnh trong nước biết tới bộ phim đình đám là Tấm Cám: chuyện chưa kể mà nhà sản xuất cũng là diễn viên, biên kịch, và đạo diễn.
Một nữ diễn viên mới đây đã lấn sân sang vai trò nhà sản xuất cho biết: “Khi là diễn viên chỉ cần mình đọc kịch bản thật nhuần nhuyễn rồi nhập vai nhân vật thật tốt là được, nhưng khi trở thành một nhà sản xuất thì dường như mình nắm toàn bộ quy trình cho ra đời một bộ phim từ làm việc với đạo diễn, casting diễn viên cho tới chọn cảnh quay…, nói chung cực nhọc hơn nhiều”. Đồng thời, khi là nhà sản xuất phim, người nghệ sĩ phải tập trung cao độ, bởi nếu có bất cứ sự lơ là nào thì công sức xem như đổ sông đổ biển, đặc biệt là tiền bạc và danh tiếng cũng “trôi” theo bộ phim.
Một cách đầu tư dễ thấy nhất ở các nhà làm phim “tay ngang” là nhắm vào thể loại hài-tình cảm hay hài-hành động… với tình tiết dễ hiểu, quen thuộc, cùng với sự hội tụ các ngôi sao trong giới giải trí, những gương mặt đang được công chúng chú ý… là có thể thành công ít nhiều. Có nghệ sĩ thì đầu tư hoành tráng hơn theo hướng hành động của phim ảnh thế giới kết hợp tuồng tích Việt Nam như phim Tấm Cám: chuyện chưa kể là một điển hình.
Với hai phim Ngày nảy ngày nay và Tấm Cám: chuyện chưa kể thì Công ty VAA (Vietnam Artist Agency – VAA được diễn viên, người mẫu, ca sĩ Ngô Thanh Vân thành lập vào tháng 9-2009) là một “tân binh” trong các công ty sản xuất phim hiện nay của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu thì dù được xem là “tay ngang” nhưng VAA hứa hẹn sẽ cho ra nhiều tác phẩm điện ảnh hay khi mà trước đó, cả hai bộ phim công ty này sản xuất đều được đầu tư chăm chút, kỹ lưỡng.
Phim dạng... hồi ký, tự truyện
Ngoài các nhà làm phim chỉ đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức của công chúng, hiện cũng có không ít nghệ sĩ là nhà làm phim “tay ngang” thực hiện các dự án riêng cho bản thân mình, đó là những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp mà họ đã trải qua, xem như dạng “tự truyện, hồi ký” bằng… phim.
Mặc dù mang tính cá nhân song những tác phẩm này cũng tạo được không ít thiện cảm cho khán giả, thể hiện qua kết quả doanh thu của từng sản phẩm, trong đó Vòng eo 56 với số vốn đầu tư khoảng 10 tỉ đồng của một nữ người mẫu giàu có và đình đám trong làng giải trí Việt, hay sắp tới đây một bộ phim về cuộc đời của nam ca sĩ H., nổi đình nổi đám trong thị trường giải trí mấy năm qua cũng đang được nhiều người hâm mộ ca sĩ này chờ đợi.
Thay vì chịu sự chi phối, sắp xếp của đạo diễn dưới vai trò là diễn viên thì nay, với sự đầu tư của mình những nhà làm phim này đã có thể tự do “vẫy vùng” sáng tạo, thực hiện theo những ý tưởng của bản thân. Không dừng lại ở vị trí cầm trịch mà họ còn tham gia vào diễn xuất với tư cách của một diễn viên chính. Mới đây nhất có thể kể tới là Vợ ơi… em ở đâu? của một nữ ca sĩ, ca sĩ này không chỉ đầu tư mà chị còn tham gia một vai diễn trong bộ phim.
Làm phim khác với “máu nghệ sĩ”
Một nhà sản xuất phim, đồng thời là đạo diễn của nhiều dự án điện ảnh lớn cho biết những nhà làm phim “tay ngang” thường bỏ tiền làm phim rồi đem đi chiếu nhưng thật ra điều trước tiên cần làm là tìm hiểu thị trường cần gì, sản phẩm mình làm ra cần bao nhiêu tiền, làm như thế nào, đối tượng khán giả là ai, thời điểm phát hành là lúc nào?
“Làm phim không thể cứ có hàng là mang ra chợ bán. Viết quyển truyện hay sáng tác nhạc nếu có vứt sọt rác thì cùng lắm chỉ tốn công người viết, còn một bộ phim mà vứt vào sọt rác thì sẽ phá sản luôn và kéo theo sự tổn hại về kinh tế cho những người khác”, nhà sản xuất nói trên cho hay.
Phim Hiệp sĩ mù, đã ngốn sạch của một nam ca sĩ khi lần đầu nhảy ra đầu tư làm phim tới 10 tỉ đồng. Cùng số phận còn có Hy sinh đời trai của một doanh nhân kiêm diễn viên nổi tiếng một thời của giới điện ảnh…
Theo đánh giá của không ít nhà phê bình điện ảnh thì sự thất bại của các bộ phim do nhà đầu tư “tay ngang” nằm ở chỗ đầu tư không tới nơi tới chốn cả về kinh phí lẫn nội dung kịch bản, chưa kể thời gian ra mắt lại không đúng điểm ra, cũng như chưa nắm bắt được hết tâm lý của khán giả trong giai đoạn hiện tại. Còn nói theo dân kinh doanh phim ảnh thì “chưa điều tra khảo sát thị trường kỹ lưỡng”.