Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Những nỗi niềm riêng

Ngọc Hùng -

Với người tiêu dùng, việc mua một bó rau VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) sẽ cho họ cảm giác an tâm hơn trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan. Nhưng với người nông dân, VietGAP đôi khi là sự đánh đổi mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết. Có thể đó là một trong những lý do khiến độ lan tỏa của tiêu chuẩn này chưa rộng mặc dù đã ra đời gần 10 năm qua.

Bước theo VietGAP

vietgapVới người nông dân, VietGAP đôi khi là sự đánh đổi mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết.  Ảnh: Thành Hoa

Tiếp chúng tôi sau khi từ chợ bán rau trở về, Trần Văn Đức, người đang thuê đất trồng rau ở ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM cho biết anh vừa chở một tạ rau VietGAP ra chợ đầu mối bán. Đợt này, do thời tiết biến đổi thất thường nên rau khan hiếm, chàng trai 26 tuổi quê ở Ninh Bình này “trúng mánh” khi giá rau tăng vọt lên mức 22.000 đồng/kg. Với một gia đình có bốn miệng ăn, đang sống nhờ vào 2.000 m2 đất thuê trồng rau như Đức, việc rau tăng giá đồng nghĩa với việc con anh sẽ có thêm chút sữa, bữa cơm gia đình sẽ có thêm chút thịt, chút cá tươm tất hơn. Với nhiều nông dân, nỗi ám ảnh lớn nhất là sự bấp bênh về giá sản phẩm, và Đức cũng không là một ngoại lệ.

Đức cho biết, có thời điểm giá rau chỉ quanh mức 2.000-3.000 đồng/kg, những ngày “đụng chợ” rau bán không ai mua. Mà với mặt hàng rau, sáng bán không được thì chiều coi như rác, phải bỏ đi. Như bao nông dân khác, Đức cảm nhận được sự bếp bênh của nghề này, nên chỉ cần nghe cụm từ “đầu ra ổn định” từ người tư vấn của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM (HCASS) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM, là anh quyết tâm làm VietGAP dù biết không ít khó khăn đang chờ phía trước.

Làm VietGAP đồng nghĩa với việc phải thay đổi cách thức trồng trọt, đi liền với đó là năng suất cũng thấp hơn. Đức cho biết, trước đây làm theo cách bình thường, cứ một luống đất, sau 18 ngày là anh thu hoạch được 100 kg rau cải. Thậm chí, có lúc thời tiết thuận lợi, sản lượng rau thu hoạch lên đến 120 kg. Nhưng kể từ khi chuyển sang làm rau theo mô hình VietGAP, lượng rau thu hoạch chỉ còn khoảng 85 kg, giảm 15% so với trước đó.

VietGAP buộc phải tuân thủ những quy trình nên người nông dân không thể bón phân quá mức, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều. Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng rau, đưa cánh tay đen sạm chỉ về phía luống rau cải gần thu hoạch, Đức nói do bón bằng phân gà nên lá rau thường xù xì, không xanh mướt như bón phân hóa học.

Không thể phủ nhận những cố gắng của HCASS trong việc kết nối giữa nông dân với bên thu mua, phân phối. Chỉ có điều, đơn vị này chỉ làm cầu nối, còn giá cả thì hai bên sẽ gặp nhau thỏa thuận trước khi ký hợp đồng. Lúc bắt đầu thu hoạch lứa rau VietGAP đầu tiên, đã có một hợp tác xã đến đề nghị mua rau của Đức, nhưng chỉ đồng ý mua với giá 6.000 đồng/kg, kèm theo cam kết sẽ giữ mức giá này ổn định cả năm. Đức đã từ chối, tự chở rau ra chợ đầu mối bán như sản phẩm bình thường. Những háo hức ban đầu đã giảm ít nhiều.

Nuôi hy vọng

Anh sẽ tiếp tục làm VietGAP hay bỏ cuộc? Hớp một ngụm trà, Đức nói với giọng buồn, rằng sẽ vẫn tiếp tục. Như đoán được câu hỏi kế tiếp của khách, Đức trả lời luôn, rằng khi biết khó khăn về đầu ra, các nhân viên tư vấn hứa sẽ hỗ trợ Đức trong việc tham gia những hội chợ nông nghiệp do thành phố tổ chức, với hy vọng ở đó Đức sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà phân phối để chào hàng.

Điều này có nghĩa, để tiếp tục làm VietGAP, Đức sẽ phải tự mình đi tiếp thị sản phẩm. Hiện tại, vợ Đức đang phải chăm hai đứa con nên lao động trong nhà chỉ mình anh cáng đáng. Liệu Đức có thể vừa làm vườn, vừa phải đi bán từng mớ rau trong thành phố hay không? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Một điều có thể nhận thấy là, trong con người đó đang nung nấu một quyết tâm làm giàu, sẵn sàng học hỏi những điều mới.

Là một trong những người trực tiếp hỗ trợ nông dân làm VietGAP, bà Lê Thị Mận, công tác tại phòng chứng nhận VietGAP của HCASS, cho biết nông dân làm VietGAP được tư vấn và cấp chứng nhận miễn phí. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm sau khi được chứng nhận. Bên cạnh đó, người nông dân làm VietGAP còn được hỗ trợ tiền đầu tư theo Quyết định 21 của UBND TPHCM.

Song, mô hình VietGAP đòi hỏi phải ghi chép nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ. Đây là khó khăn lớn nhất của nông dân. Hơn nữa, diện tích sản xuất nông nghiệp của nông dân thường nhỏ lẻ, manh mún nên chưa liên kết được với nhau để tạo thành nhóm hay tổ hợp tác, gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bà Mận cho biết, trong năm 2016, trung tâm đã chứng nhận được cho 54 cơ sở, với diện tích là 50 ha. Trong tương lai, số lượng cơ sở có tăng lên nữa hay không là điều không thể nói trước được.

Xem ra, sự thành công hay thất bại của VietGAP là do thị trường quyết định, chứ không nằm ở ý chí chủ quan của cơ quan quản lý. Nó tùy thuộc rất nhiều vào thu nhập đủ nhiều để bù đắp chi phí cũng như những khó nhọc của những người nông dân một nắng hai sương, thức khuya dậy sớm để làm ra sản phẩm.

Hiện nay trên thị trường có nhiều công ty, trung tâm được Bộ NN&PTNT cho phép cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoại trừ HCASS nơi cấp chứng nhận miễn phí cho các đơn vị sản xuất, nhiều nơi thu tiền cấp giấy chứng nhận. Theo quy định hiện hành, chứng nhận VietGAP có thời hạn hai năm, có mức phí khoảng 10 triệu đồng cho một lần chứng nhận dù đó là 2.000 m2 hay 20 ha.

Thử hình dung, với 2.000 m2 đất thuê, và nếu phải trả phí thêm 10 triệu đồng tiền phí, tương đương số tiền thuê đất trong một năm, liệu những người dân nhập cư thuê đất trồng rau như Đức có sẵn sàng theo VietGAP? Hỏi Đức nghĩ sao, anh chỉ cười mà không có câu trả lời cụ thể. Có thể, Đức đang có nhiều thứ để lo lắng khi làm VietGAP, và cũng có thể nghĩ người hỏi đã phần nào đoán được câu trả lời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối