Tại TPHCM, tình trạng buôn bán ế ẩm, treo bảng ngừng bán, sang mặt bằng hiện đang xuất hiện tại một số trung tâm thương mại. Trong khi đó, các siêu thị, cửa hàng đặt ở những khu chung cư mới cũng đìu hiu vắng khách.
Sang mặt bằng vì ế
Ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị tại Trung tâm thương mại Lucky Plaza trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) vào giờ tan tầm, người bán đông hơn người mua. Trước đây, trung tâm này có ba tầng buôn bán nhưng nay chỉ còn hai tầng kinh doanh. Ở tầng còn lại, các gian hàng đã được trả lại cho chủ trung tâm thương mại. Một số gian hàng khác, ban quản lý tòa nhà niêm phong với lý do nợ quá hạn tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Tại tầng hai của Lucky Plaza, vài người khách vào xem, chỉ trỏ rồi quay đi. Ở nhiều quầy hàng, nhân viên tụm năm, tụm bảy tán gẫu.
Trò chuyện với chúng tôi, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo tại đây cho hay khách vào đây xem thì nhiều nhưng chẳng mấy người quyết định mua hàng. Chị này nói rằng có ngày bán được một vài cái áo nhưng cũng có hôm chẳng bán được một món gì. Buôn bán ế ẩm nên nhiều tiểu thương đã tính đến chuyện sang mặt bằng các gian hàng. Chị T., một tiểu thương tại đây cho biết chị kinh doanh thời trang nữ nhưng buôn bán ế ẩm trong khi tiền thuê mặt bằng hàng tháng trung bình là 20 triệu đồng, cho nên chị đã treo bảng sang mặt bằng.
Một số trung tâm thương mại khác như Now Zone, Thuận Kiều Plaza (quận 5), Parkson (quận 7) cũng rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm. Để thu hút khách hàng quay trở lại, các trung tâm thương mại đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi như giảm giá bán 10-50%, mua 2 tặng 1, mua áo tặng quần... Một nữ nhân viên bán quần áo lót tại Trung tâm thương mại Now Zone cho biết tình trạng vắng khách ở quầy của chị là khá thường xuyên. Cũng theo chị, doanh thu bán hàng tại các trung tâm thương mại khác nhau có sự chênh lệch khá lớn, phụ thuộc vào vị trí mặt bằng cũng như tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Chẳng hạn, tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1) tiểu thương có doanh thu một tháng lên đến 300 triệu đồng thì tại Parkson Cộng Hòa (quận Tân Bình) là 120-150 triệu đồng/tháng và tại Now Zone chỉ tầm 50-60 triệu đồng/tháng.
Đóng cửa sớm vì vắng khách
Không chỉ những trung tâm thương mại lớn có nhiều gian hàng bị ế ấm, mà ngay cả những siêu thị, cửa hàng ở các khu chung cư, từng được xem là hạng mục cần thiết đối với dự án khu dân cư mới, cũng rơi vào tình trạng ít khách.
Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, đã 17 giờ nhưng trong siêu thị điện máy đặt dưới tầng trệt của chung cư L.Đ.C (quận 2) khá vắng vẻ. Ngoài bãi xe, lác đác vài chiếc xe gắn máy của khách gửi. Bên trong, cả siêu thị chỉ thấy vài khách hàng. Các quầy hàng ti vi, tủ lạnh, máy lạnh không có bóng người. Đến 19 giờ cùng ngày, lượng khách được khoảng 15-20 người, nhưng chủ yếu là đến tham quan, xem hàng mà ít người mua. Chị Hạnh, một người dân ở phường Bình Khánh, quận 2 cho biết, các mặt hàng điện máy tại siêu thị này không phong phú như các siêu thị lớn khác cùng hệ thống, do đó, nếu để chọn mua một món hàng thì chị sẽ đi siêu thị lớn hơn.
Tại cửa hàng tạp hóa trong chung cư Thịnh Vượng (quận 2), kể từ tháng 3 vừa qua mỗi ngày chỉ mở cửa đến 18 giờ. Tương tự, cửa hàng tạp hóa tại các chung cư lân cận cũng đóng cửa khá sớm. Anh Tài, một chủ cửa hàng cho biết, hàng hóa được bày bán tại cửa hàng của anh chủ yếu là để bán cho khách vãng lai nhiều hơn là khách từ chung cư. “Buổi tối, đâu có ai qua lại nên đóng cửa sớm để nghỉ thôi”, anh Tài nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế, giá thuê mặt bằng hàng tháng tại các chung cư hiện nay là không rẻ, phụ thuộc vào vị trí của chung cư, trong đó, dao động ở mức 7-10 đô la Mỹ/m². Tuy nhiên, không phải người thuê mặt bằng kinh doanh nào cũng “ăn nên làm ra”. Ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc marketing hệ thống điện máy Thiên Hòa, cho rằng các cửa hàng, siêu thị tại chung cư kinh doanh ế ấm do nhiều yếu tố như vị trí không thuận lợi, nằm xa khu đông dân cư. Theo ông Hậu, giá thuê mặt bằng khá cao như hiện nay cũng ảnh hưởng đến doanh thu của người thuê khi diện tích mỗi mặt bằng tại chung cư khá lớn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cũng cho rằng trung tâm thương mại tại các chung cư không phải lúc nào cũng thành công, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí của dự án, điều kiện của người dân sống tại chung cư. Còn anh Sơn, một cư dân tại chung cư An Lộc 1 (quận 2) thì cho biết, dưới tầng trệt của chung cư này có một siêu thị bán thực phẩm khá đông khách và chính gia đình anh cũng là khách hàng thân thiết tại đây. Theo anh Sơn, siêu thị này bán hàng có chất lượng, phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã không thua gì các siêu thị lớn bên ngoài. Theo anh, nếu siêu thị ở chung cư nào cũng tốt như vậy thì người dân sống tại chung cư không phải chạy ra ngoài mua hàng hóa về.
Nguyễn Quyên - Mạnh Tùng