Hà Bi -
Giải Cánh diều những năm gần đây gây có nhiều thay đổi lớn nhưng có một điều giải này đã giữ được trong nhiều năm qua là tạo cơ hội cho những bộ phim tài liệu ngắn, độc lập lấy đà bay lên. Phim tài liệu ngắn của các tác giả trẻ được xướng tên nhiều hơn trên sân khấu, mang lại kỳ vọng về những bộ phim có chất lượng trong tương lai.
Hơi thở cuộc sống
Mới đây, trong lễ trao giải Cánh Diều 2017, phim tài liệu ngắn Lẫn của tác giả Nguyễn Ngọc Mai đã giật giải Cánh Diều Bạc. Đây cũng là phim ngắn tạo nên kỳ tích ở giải thưởng thường niên Búp Sen Vàng với cú ăn ba lịch sử (Giải do ban giám khảo, khán giả bình chọn và phim đầu tay xuất sắc). Lẫn kể về người bà có tuổi của tác giả, trí nhớ không còn tốt, vẫn được chồng và các con chăm sóc, thương yêu. Những khung hình chắc tay và chi tiết cảm động khiến người xem có mong muốn “được như thế khi về già”. Lẫn được quay khi Mai đang học lớp 12 trường Amsterdam Hà Nội.
Rito Rito thì kể về cô bé có biệt danh Rito đam mê cosplay. Rito tìm đến cosplay để chữa lành những thương tổn tinh thần mà người lớn vô tình hay hữu ý gây ra cho cô bé. Một cách rất tự nhiên như không hề có máy quay trước mặt, Rito lột tả sự cô đơn của một cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn giữa thế giới những người lớn không muốn hiểu mình. Bộ phim mang về cho tác giả Nguyễn Ngọc Thảo Ly hai giải Búp Sen Vàng và Cánh Diều Bạc 2016.
Hạng mục phim tài liệu ngắn những năm trước đã giới thiệu Phan Huyền My (Cánh Diều Bạc 2010, phim Mẹ và con); Hà Thái (Cánh Diều Bạc 2012, phim Nợ); Hà Lệ Diễm (Cánh Diều Bạc 2013, không có giải Vàng, phim Con đi trường học); Nguyễn Hiền Anh (Cánh Diều Vàng 2015, phim Dành tặng ông Điều)… Điểm chung của những phim ngắn này là đều làm theo phong cách điện ảnh trực tiếp, tác giả có tuổi đời rất trẻ nhưng đề tài họ chọn lại đậm đặc hơi thở cuộc sống. Đó là số phận của một phụ nữ lây căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS từ chồng phải bươn chải nuôi con; là mâu thuẫn giữa mẹ và con, giữa lo lắng, trách nhiệm với ước mơ, khao khát khẳng định bản thân; là một nghệ sĩ và một dịch giả cống hiến cả đời cho “những điều vô giá”… Khi xem phim này, khán giả đều thấy bản thân trong đó và đây chính là điều mà bất kỳ bộ phim nào cũng mong muốn đạt được.
Những trở ngại
Phim ngắn là cánh cửa mà rất nhiều nhà làm phim trên thế giới đã chọn để bước vào sự nghiệp làm phim của mình. Làm phim ngắn dễ mà khó. Có người làm được một phim ngắn rồi không dám làm tiếp nữa vì quá vất vả.
Có những phim như Con đi trường học (Hà Lệ Diễm), tác giả lăn lộn hàng tháng trời trên vùng núi Bắc Kạn giữa mùa giá buốt để quay. Kinh phí được cấp cho bộ phim chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng, chẳng đủ tiền di chuyển. Hay như Nợ (Hà Thái) cũng là tác giả phải bỏ tiền túi thực hiện. Sau này, khi chuyên nghiệp hơn, các đạo diễn phim tài liệu độc lập ở Việt Nam đã học theo thế giới, bắt đầu tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ các quỹ độc lập, liên hoan phim… theo dạng đấu thầu dự án. Từ đó họ có tiền chi trả cho máy móc, nhân công… để chất lượng phim tốt hơn. Nhưng những người làm được điều đó thực sự rất ít.
"Điều khó khăn với mình là giữ vững ý chí trong suốt quá trình làm phim. Trong khi phim truyện có cả một ekip sản xuất, làm việc tập thể, động viên lẫn nhau thì làm phim tài liệu chỉ có một mình, làm tất cả từ đầu đến cuối. Nhiều lúc nản, mất phương hướng chỉ muốn bỏ cuộc", Nguyễn Ngọc Thảo Ly (tác giả phim Rito Rito) chia sẻ.
Sự cô độc, vất vả, thị trường chưa đón nhận, cơ hội học tập chuyên nghiệp trong nước hạn chế… là một vài lý do khiến nhiều tác giả chỉ bén duyên với phim tài liệu ngắn một lần duy nhất. Những cái tên từng đoạt giải Bạc, giải Vàng phía trên, giờ may ra còn Hà Lệ Diễm vẫn miệt mài theo đuổi. Tất nhiên mỗi người có đam mê khác nhau, nhưng nó cũng cho thấy thị trường không đủ hấp dẫn để người có khả năng toàn tâm toàn ý. Những dự án mới khuyến khích sản xuất phim tài liệu thứ hai, thứ ba của trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD những năm qua thường không gặt hái được kết quả khả quan. Có những dự án được kỳ vọng ra 15 phim, cuối cùng may mắn vớt vát được 1/3. Con số tác giả trẻ dừng lại ở phim đầu tay, coi tài liệu ngắn như một cuộc dạo chơi là vô cùng lớn.
Mong ước về những bộ phim thứ hai, thứ ba chỉn chu, trưởng thành hơn của những người trẻ sâu sắc có vẻ đang khó trở thành hiện thực. Và những người có nghề khi xem phim của các bạn trẻ làm, đều chỉ có thể thốt lên "Giá mà…"