Thứ ba, Tháng Một 21, 2025

Nỗ lực gỡ nút thắt quản lý hàng nhập khẩu TMĐT

(SGTT) - Các quy định về kiểm tra chuyên ngành, chính sách thuế, xác định trị giá, xuất xứ... đang gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan hải quan và người khai hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Vì vậy, các quy định riêng cho hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đối với hàng hóa nhập khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung là cần thiết.

Doanh nghiệp An Phát có trụ sở tại TPHCM đang có ý định mua cùng một lúc rất nhiều mặt hàng trên các trang TMĐT từ nước ngoài để phục vụ cho hoạt động bán hàng trực tuyến của mình tại Việt Nam. Sau khi tìm hiểu các quy định, công ty vẫn loay hoay các thủ tục hải quan dành cho mặt hàng của mình.

Những nút thắt

Khi mua rất nhiều mặt hàng như vậy chúng tôi phải khai thủ tục hải quan như thế nào? Cách tính thuế các mặt hàng này ra sao? Chúng tôi có xin được giấy phép chung trong trường hợp nhiều loại hàng cần thẩm định từ các cơ quan khác nhau?... là những câu hỏi mà doanh nghiệp này đặt ra.

Trả lời những vướng mắc nêu trên, đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết về khai báo hải quan, công ty phải thực hiện theo quy định tại điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 (được sửa đổi bổ sung tại khoản 7 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018) của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, mua bán hình thức TMĐT cũng chỉ là một phương thức giao dịch mua bán, và công ty thực hiện một số quy trình bằng các hình thức điện tử và được thể hiện bằng văn bản giấy thì mới đáp ứng về hồ sơ, thủ tục nhập khẩu.

Trong khi đó, cách tính thuế phụ thuộc vào chính sách thuế của từng mặt hàng theo Biểu thuế ưu đãi ban hành theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, công ty căn cứ vào thực tế hàng hóa nhập khẩu để thực hiện tra cứu thuế suất theo mã hồ sơ tương ứng. Việc thẩm định hàng hóa cũng phải bắt buộc làm với từng cơ quan.

Theo tìm hiểu, những trường hợp như công ty An Phát không phải là hiếm trong thời điểm bùng nổ kinh doanh TMĐT tại Việt Nam. Cả hai bên – doanh nghiệp và cơ quan nhà nước liên quan – đều phải áp dụng những quy định chung dành cho xuất nhập khẩu thông thường cho các mặt hàng theo kênh TMĐT dưới sự quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, vô hình chung đã tạo ra những nút thắt cho các bên.

Các nút thắt có thể là yêu cầu nhiều loại giấy tờ mà thương mại điện tử không có như hợp đồng ngoại thương, xác nhận giao hoặc nhận hàng hóa hay người khai hải quan có thể không xuất trình được chứng từ thanh toán do thực hiện thanh toán điện tử qua các thẻ thông minh, hoặc phải qua ngân hàng để xin các thông tin sao kê thay cho chứng từ thanh toán.

Điều này dẫn tới những hệ lụy như một số trường hợp người khai hải quan lại khai báo là quà biếu, quà tặng thay vì khai báo việc giao dịch bằng TMĐT. Đây là lỗ hổng cho buôn lậu và trốn thuế.

Sớm áp dụng những chính sách riêng

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), cũng thừa nhận, đầu những năm 2000, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa qua kênh eBay. Những hoạt động này ngày càng nhiều nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định.

Vì vậy việc Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là cần thiết. Điều này xuất phát từ yêu cầu phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như để thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.

Đề án hướng đến mục tiêu đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực TMĐT; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Yee Meng Kum, Quản lý Thương mại Quốc tế Cấp cao của Tiki Global, chia sẻ việc áp dụng và cung cấp các chính sách ưu tiên cho việc sử dụng kho ngoại quan cho thị trường TMĐT nên được xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ và vận chuyển hàng hóa (ngoài nước) mà không cần phải trả bất kỳ khoản thuế nào. “Việc này chỉ được thanh toán trước khi thông quan. Việc vận chuyển sản phẩm với số lượng lớn từ nước ngoài đến kho ngoại quan tại Việt Nam sẽ cho phép quản lý thuế tốt hơn cũng như kiểm tra các sản phẩm xuyên biên giới sát sao hơn”, ông nói và chia sẻ thêm việc tăng giới hạn mua hàng xuyên biên giới miễn thuế cũng là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa và cung cấp thuế nhập khẩu ưu đãi khi mua hàng TMĐT xuyên biên giới sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc mua hàng hóa từ các nhà bán lẻ đáng tin cậy và hợp pháp, thay vì lo lắng về việc người bán có thể bán hàng giả hoặc sản phẩm không an toàn.

Đồng thời, hệ thống hóa khâu quản lý hải quan, trong đó các sản phẩm xuyên biên giới có thể được đăng ký trước với cơ quan có thẩm quyền về giá và thuế nhập khẩu để tăng tốc độ thông quan và cần có chỉ dẫn rõ ràng về số tiền thuế phải nộp.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối