TÂM AN -
Trong năm 2015, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm giúp đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tốt hơn. Vậy nhưng, người tiêu dùng chỉ được no mắt với các chương trình quảng cáo, truyền thông hoặc vài món quà tặng khi mua sữa chứ không được giảm giá bán.
Cạnh tranh bằng quảng cáo và quà tặng
Người tiêu dùng chọn sữa tại một siêu thị ở TPHCM. Ảnh: Minh Tâm
Chị Hiền ngụ tại đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TPHCM, mẹ của hai đứa con đều đang ở độ tuổi tiêu thụ mạnh các loại sữa. Chị nói, trong thời gian qua trên ti vi tràn ngập các quảng cáo sữa, từ sữa nước đến sữa bột, của đủ các nhà sản xuất. Đó là chưa nói các công ty kinh doanh sữa còn là nhà tài trợ của hàng chục cuộc thi tài năng dành cho thiếu nhi. Rồi còn thêm các đoạn video clip trên Facebook. Chị Hiền nhận xét, quảng cáo dạo này nhiều gấp bội so với năm trước. Bên cạnh đó, nhà sản xuất liên tục tặng quà, lúc thì xe đạp, ba lô cho bé, lúc lại nồi, chảo, chén, tách cho mẹ…
Đại diện của một công ty truyền thông có hai khách hàng là doanh nghiệp sữa lớn cho biết ngân sách quảng cáo, truyền thông của hai khách hàng đã tăng khá so với năm trước. “Năm 2015, chi phí này bị cắt giảm nhưng năm nay thì tốt hơn rất nhiều”, vị đại diện này nói. Trong số này, tiền được dồn nhiều nhất cho các chiến dịch quảng cáo online, mạng xã hội.
Cũng theo thông tin của vị đại diện công ty truyền thông nói trên, có một số doanh nghiệp vốn lâu nay không chi nhiều tiền cho quảng cáo thì nay đã quyết định đẩy mạnh để quyết tâm giành thị phần.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của doanh nghiệp này diễn ra mới đây cũng nói với cổ đông rằng thị trường sữa tiếp tục cạnh tranh gay gắt, nhất là khi có nhiều đối thủ mới tham gia. Các doanh nghiệp chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, hỗ trợ điểm bán lẻ… Chính vì vậy, Vinamilk cũng đã tăng mạnh chi phí bán hàng (marketing, quảng cáo, hỗ trợ điểm bán…) để giữ thị phần. Nhờ vậy, công ty đã tăng được thị phần của các dòng sản phẩm như sữa nước, sữa bột dành cho trẻ em, sữa đặc…
Tuy nhiên, yếu tố cạnh tranh không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các doanh nghiệp sữa chi mạnh tay cho quảng cáo hay thực hiện các chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng trong thời gian vừa qua. Trước đây, chi phí quảng cáo, marketing của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa không được vượt quá 15% tổng chi phí hoạt động. Từ ngày 1-1-2015, trần giới hạn này đã được dỡ bỏ. Lý do quan trọng không kém, đó là trong năm 2015, giá sữa bột nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm. Đây là đầu vào quan trọng để sản xuất sữa bột, sữa nước hoàn nguyên.
Sớm dỡ bỏ giá trần
Ở thời điểm hiện tại, theo quyết định 857/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, các mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp giá trần, tức không được cao hơn mức công bố của cơ quan chức năng về giá bán buôn, và giá bán lẻ thì không vượt quá 15% giá này. Việc áp giá trần được bắt đầu thực hiện từ ngày 1-6-2014 và đã kéo dài hai năm. Trong suốt thời gian này, giá trần các sản phẩm cố định một mức dù có nhiều biến động về giá nguyên liệu.
Hồi tháng 9 năm ngoái, dư luận cũng đã đặt vấn đề về việc cơ quan chức năng chậm trễ điều chỉnh giá trần trong khi giá sữa nguyên liệu giảm. Lúc đó, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều lý giải, từ việc giá sữa thành phẩm biến động không nhiều đến việc sữa nguyên liệu chỉ chiếm khoảng 30-40% giá thành, hay đã có nhiều yếu tố về tiền lương, chi phí sản xuất… tăng lên.
Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa nói rằng ngoài những lý do trên thì điều quan trọng nhất là không còn dư địa để giảm giá vì giá trần của cơ quan chức năng đưa ra đã quá thấp.
Tuy nhiên, với những diễn biến trên thị trường đang diễn ra thì câu hỏi về việc áp giá trần có hiệu quả với người tiêu dùng hay không lại tiếp tục được đặt lại. Doanh nghiệp kêu ca rất nhiều nhưng không ngừng quảng cáo, khuyến mãi; cơ quan chức năng thì áp một mức giá trần trong thời gian quá dài, hơn hai năm.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ xem xét dỡ bỏ chính sách giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ đầu tháng 7-2016, tức sớm hơn nửa năm so với thời hạn mà quyết định của Bộ Tài chính ban hành.
Điều này được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đồng tình. Ông Long cho rằng nên dỡ bỏ giá trần sớm, vì thực tế người tiêu dùng không được lợi trong khi có thể bị xem là không tuân thủ quy luật kinh tế thị trường.
Về giải pháp cho thị trường sữa, ông Long cho rằng cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố, từ việc công bố thông tin cho người tiêu dùng, phát triển công nghiệp bò sữa đến biện pháp quản lý những doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối… “Dù làm gì thì nguyên tắc phải là tuân thủ quy luật thị trường”, ông Long nói.