Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Nở rộ mô hình cho vay P2P

Thùy Dung-

Hiện nay, trong lĩnh vực tài chính đang rộ lên hình thức cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P). Đầu tư thông qua công ty cho vay ngang hàng sẽ nhận được lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, song những người am hiểu khuyên nên thận trọng.

Phát triển nhanh

Chị Thu Trang (38 tuổi) là nhân viên cho một công ty nước ngoài trong lĩnh vực quảng cáo có trụ sở tại Hà Nội. Gia đình chị có thu nhập khá cao, trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Bên cạnh kênh gửi tiền vào ngân hàng, chị mong muốn có một hình thức đầu tư nào đó cho lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm, và chị đã tìm hiểu mô hình cho vay ngang hàng P2P, vốn đang rất phát triển hiện nay.

Sàn giao dịch P2P là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay uy tín mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến. Các khoản vay thường là nhỏ (từ 5 triệu đến 300 triệu đồng) từ nhiều nhà cho vay khác nhau, với thời hạn trung bình từ 1 tháng đến 2 năm và mức lãi suất từ 10% đến 25%/năm tùy vào từng loại khách hàng.

Hiện nay tại Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều mô hình cho vay ngang hàng. Mới đây nhất là sự thành lập của Công ty Lendbiz, với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lendbiz gia nhập vào mạng lưới cho vay ngang hàng tại Việt Nam cùng với Tima, Vaymuon, Mofin… nhưng khác ở chỗ, trong khi những người cũ tập trung vào khoản vay tiêu dùng thì Lendbiz tập trung vào các khoản vay của doanh nghiệp với mục tiêu: cung cấp vốn nhanh và giá rẻ cho các doanh nghiệp.

Với mô hình này, các doanh nghiệp có thể huy động tới 1 tỉ đồng mà không cần thế chấp. Tất cả các hồ sơ vay vốn đều được xét duyệt chỉ trong 24 giờ đồng hồ. Các nhà đầu tư có thể tham gia gửi tiền chỉ với 500.000 đồng mà có thể hưởng lợi nhuận lên tới 20%/năm.

Trong buổi họp báo về công bố tình hình hoạt động của mình cuối năm 2017, Tima, mô hình cho vay ngang hàng đang làm ăn ở Việt nam, được nhận đầu tư hàng triệu đô la Mỹ từ một quỹ đầu tư của Singapore. Lãnh đạo công ty này cho biết, mỗi ngày Tima đang xử lý hơn 1.000 đơn vay mới, tiến tới mở rộng quy mô trên toàn quốc và nâng cao năng lực xử lý 10.000 đơn vay/ngày. Hiện đã có gần 5.000 đơn vị trên toàn quốc tham gia cho vay trên sàn tài chính Tima, với hơn 800.000 khách hàng, tổng số tiền lũy kế đã được kết nối thành công là hơn 15.000 tỉ đồng (xấp xỉ 700 triệu đô la Mỹ).

Tima sử dụng công nghệ chấm điểm tín dụng tự động dựa trên mô hình máy học và dữ liệu lớn giúp các đơn vị cho vay có thể nhanh chóng phê duyệt khoản vay và quản trị rủi ro. Toàn bộ các khoản vay trên Tima hiện nay đều được kết nối trực tuyến qua điện thoại hoặc máy tính.

Đây cũng là công nghệ mà các công ty cho vay ngang hàng nói chung và các công ty tài chính công nghệ (fintech) nói riêng đang sử dụng phổ biến.

Với nhiều ưu thế, mô hình cho vay ngang hàng được dự báo sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen tài chính của người dùng trong thời gian tới. Đây cũng được coi là “đối thủ” đáng gờm của các tổ chức tài chính, ngân hàng truyền thống khi chi phí vận hành cao và khả năng tiếp cận với nhóm khách hàng ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Theo Ngân hàng Thế giới, việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thống ở Việt Nam còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực, với chỉ khoảng 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng vào năm 2014.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng, Fintech có tiềm năng lớn để tăng diện bao phủ tài chính tại các nước đang phát triển, nơi các tổ chức tài chính truyền thống không thể phục vụ được một nhóm khách hàng lớn và tiềm năng này. Đặc biệt, sự xuất hiện của mô hình cho vay ngang hàng có thể đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa người cho vay và đi vay và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Việc đầu tư thông qua công ty cho vay ngang hàng sẽ nhận được lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: Thùy Dung

Nên tìm hiểu kỹ

Theo nhiều chuyên gia, đây là mô hình cho vay mới có hiệu quả cao, giảm chi phí giao dịch và cần được hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, hình thức này vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh nên khách hàng cho vay thông qua hình thức này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trong vai người có tiền nhàn rỗi, muốn gửi tiền để đầu tư vào một dự án của doanh nghiệp, nhân viên tư vấn của một công ty cho vay nói sẽ không có rủi ro gì khi cho vay thông qua họ. Trong trường hợp người vay không trả thì công ty có trách nhiệm…. đôn đốc, hỗ trợ đòi nợ giúp người cho vay.

Trong hợp đồng có tên gọi: “dịch vụ tư vấn đầu tư” ghi rõ: các bên tại đây đồng ý rằng thông tin về các dự án đầu tư tiềm năng chỉ mang tính chất tham khảo và Bên A, tức công ty cung cấp nền tảng P2P, sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào với Bên B, tức bên cho vay, và/hoặc bên thứ ba khác liên quan đến việc cung cấp thông tin về các dự án đầu tư tiềm năng này, trừ trường hợp các thông tin được thu thập không chính xác do lỗi cố ý của Bên A.

Ngoài ra, trong hợp đồng còn có nội dung: Bên A sẽ không chịu trách nhiệm đối với Bên B, bên cho vay, đối với bất kỳ thiệt hại nào mà Bên B phải gánh chịu trong trong việc chậm/không hoàn trả nguồn vốn đầu tư và thanh toán lợi suất đầu tư bởi các đối tác nhận vốn đầu tư, trừ trường hợp do lỗi cố ý của Bên A.

Theo ông Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh - trường Đại học Ngân hàng TPHCM, thành viên Đoàn Luật sư TPHCM, đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa có rủi ro lớn nào xảy ra. Nhưng nhìn vào cách hoạt động và quy trình quản trị của mô hình này vẫn có thể có một số rủi ro tiềm tàng xảy ra nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát tốt và những người điều hành doanh nghiệp này không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản trị doanh nghiệp.

Rủi ro đầu tiên là trong trường hợp sàn giao dịch sau khi huy động tiền từ nhà đầu tư mà không tiến hành cho vay, thậm chí đem số tiền đó sử dụng vào mục đích khác rồi thua lỗ và dẫn đến việc sàn giao dịch sụp đổ, qua đó xóa sạch niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực còn non trẻ này.

Một rủi ro khác là hoạt động này chưa được pháp luật Việt Nam quy định một cách rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành. Do đó, khi có rủi ro xảy ra từ phía khách hàng hay chủ sàn P2P, thì các bên rất khó giải quyết với nhau, cũng như cơ quan chức năng cũng thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, các nội dung cam kết của các sàn đang giao dịch P2P thử nghiệm hiện nay tại Việt Nam cũng chưa thật sự chi tiết và quyền lợi của khách hàng cũng chưa được đề cập khi các tranh chấp xảy ra.

“Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, nhà nước sẽ xử lý dưới góc độ pháp luật hình sự. Dưới góc độ pháp lý, người chiếm đoạt tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể dưới hình thức tội danh là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Tín nói.

Theo ông Tín, trước mắt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cho thí điểm trên diện hẹp, có thể chỉ tại TPHCM và với một nhóm đối tượng xác định. Sau khi thí điểm, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh hiệu quả hoạt động giao dịch thông qua sàn P2P này, từ đó giúp cho khách hàng có thêm các kênh để lựa chọn vay khi cần vốn cho mục đích tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết NHNN đã nhận thấy thực trạng này và đang có đề án nghiên cứu. “Khi hoàn thành đề án, chúng tôi sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để đưa ra phương án quản lý phù hợp”, ông Dũng nói với báo chí.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mô hình cho vay P2P là một sự sáng tạo của nền kinh tế số. Đây là một kênh tiếp cận vốn mới, giúp các khách hàng “dưới chuẩn” có cơ hội vay vốn. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư, cần phải nhận thức rõ rằng, đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư. Mà đã là đầu tư thì phải có rủi ro. Do đó, cần có quy định pháp lý để hạn chế rủi ro trên.

“Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy thực trạng này và đang có đề án nghiên cứu. Khi hoàn thành đề án, chúng tôi sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để đưa ra phương án quản lý phù hợp”, Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối