(SGTT) - Sau thời gian dài giãn cách vì Covid-19, thành viên của các nhóm đạp xe tại Sài Gòn rất háo hức được gặp lại nhau trên những chặng đạp chung quen thuộc từ nội thị ra ngoại ô.
- Câu chuyện du lịch: Blogger du lịch chia sẻ về hành trình đạp xe xuyên Đông Nam Á
- Du lịch giữa mùa dịch: ngắm cung đường 'màu xanh' khi đạp xe xuyên rừng Lê Minh Xuân
Cụ thể, các thành viên tour xe đạp của nhóm Cào Cào Adventures hẹn nhau cùng đạp xe ngay sau ngày 1 tháng 10. Họ rất hăm hở, hồi hộp chờ đến ngày gặp mặt trên những chặng đạp quen thuộc như từ nội thị đến các khu ngoại thành như Thanh Đa, Bình Quới, hay Cần Giờ…
Là một người đến với xe đạp vì mục đích ban đầu là rèn luyện sức khỏe, cô Minh Phượng, 62 tuổi, cho biết mình đã yêu chiếc xe đạp từ bao giờ. Cô rong ruổi cùng các bạn đạp đến nhiều nơi quanh Sài Gòn, miền Tây, vườn quốc gia Nam Cát Tiên, trong đó chuyến xa nhất và ấn tượng nhất với cô là đến 7 cửa sông đồng bằng Sông Cửu Long trong 4 ngày 3 đêm. Chặng đạp này đòi hỏi người tham gia phải có thể lực tốt, có thể đạp từ 60km đến hơn 100km. Cô cho biết, không nghĩ mình làm được như vậy. Không chỉ vậy, cô chỉ sử dụng xe đạp để di chuyển từ nhà lên công ty hay đi bất kỳ đâu trong phạm vi thành phố.
Khởi hành lại từ ngày 10-10 cùng các bạn sau hơn 100 ngày chồn chân ở nhà, anh Nam Khoa, 36 tuổi, cho biết không có niềm vui sướng nào hơn lúc này. Vẫn cung đường đạp quen thuộc nhưng anh lại có chút bồi hồi như mình vừa mới bắt đầu. Đôi chân vẫn chưa quen trở lại nhịp độ như trước nhưng được nhìn thấy cảnh vật hai bên đường và cuộc sống Sài Gòn đang dần hồi sinh, anh nói mình như được sinh ra thêm lần nữa.
Là một chuyên gia thiết kế tour xe đạp từ 2014, anh Huỳnh Quyết Thắng nhận xét, trong vòng 8 năm trở lại đây, du lịch xe đạp ở Việt Nam dần thịnh hành. Đặc biệt, từ thời điểm Covid-19 xảy ra cho đến hiện tại, xu hướng các bạn trẻ có nhu cầu đăng ký tour xe đạp càng tăng mạnh vào cuối tuần. Anh gọi đây là hình thức “xe đạp cộng đồng” (community ride) nên ai yêu thích xe đạp đều có thể tham gia, với mức giá bình dân từ 100.000 đồng cho người có sẵn xe đạp, 200.000 đồng cho người thuê xe nửa ngày, 250.000 -350.000 đồng cho người thuê xe một ngày. Ăn uống tự túc.
Tốc độ di chuyển xe đạp tương đối chậm để du khách có thể bắt kịp những khoảnh khắc của cuộc sống, chìm đắm trong những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, dễ dàng giao lưu đời sống văn hóa của người dân địa phương, cho phép bản thân mình được sống chậm lại, cảm nhận hương vị cuộc sống để hồi phục năng lượng cho bản thân trước khi quay lại với cuộc sống bộn bề lo toan, anh Thắng nhấn mạnh.
Anh Hàng Minh Thái, Giám đốc Công ty du lịch Mr. Biker Saigon, cho biết thêm trước dịch Covid-19, khách quốc tế vào Việt Nam là nguồn khách chính của công ty, chiếm khoảng 95%. Từ sau năm 2015, người Việt Nam bắt đầu chú ý đến loại hình thể thao vui khỏe, trong đó có hình thức tham gia tour du lịch bằng xe đạp và thường đi vào dịp cuối tuần, khởi hành sớm, thích chụp hình đẹp, thưởng thức đặc sản địa phương…
Anh khẳng định, nếu phục vụ được nhóm khách này thì sẽ rất tiềm năng vì họ sẽ đi mỗi tháng hoặc rủ thêm bạn bè và trở thành bạn sau tour. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng cho người thiết kế chương trình và giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam rất tốt.
Sau dịch, mọi người sẽ quan tâm hơn về sức khỏe. Lợi ích của tour xe đạp là không phải bàn cãi với các yếu tố như tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, rèn luyện ý chí, giải tỏa áp lực từ công việc, cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia này, để phát triển loại hình du lịch bằng xe đạp (biking tour) cho thị trường nội địa, các công ty du lịch cần khắc phục một số vấn đề, ví dụ giá tour trọn gói hiện đang cao so với tour du lịch đơn thuần nên khó tiếp cận khách. Một trong những nguyên nhân khiến giá tour cao là chi phí vận chuyển xe đạp đến điểm xuất phát.
Thêm nữa, theo quy định, xe chở người không được chở xe đạp. Vì thế, các đơn vị tổ chức bắt buộc phải thuê thêm xe để vận chuyển, điều này đã đẩy chi phí lên cao. Để giảm chi phí cho khách, một số công ty có nhóm 2 – 4 khách có thể kết hợp đi xe 16 chỗ, tháo rời xe đạp để chở theo dù biết điều này là vi phạm luật quy định.
Các chuyên gia nhận định dù ngành du lịch cả trên thế giới và trong nước vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, khi tình hình dịch được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch của khách vẫn không thay đổi nhiều nhưng xu hướng du lịch sẽ có nhiều thay đổi. Theo đó, du khách sẽ hướng tới những trải nghiệm du lịch có chiều hướng thiên về chăm sóc sức khỏe, phát triển tinh thần và thể lực, những đường tour thân thiện với môi trường và ưu tiên thị trường nội địa. Trong đó, du lịch bằng xe đạp sẽ được xem là một trong những loại hình hút khách.
Hiện tại, người mới đạp xe hoặc là đã làm quen với xe đạp có thể tham gia cung đường đạp từ 20km-70km, xuất phát từ bưu điện trung tâm thành phố, gồm:
- Khu Sala và khu biệt thự quận 2: hiện là thiên đường của người tham gia chạy bộ và đạp xe với nhiều khu vực công cộng như bãi cỏ, khuôn viên cây cối xanh mướt và đặc biệt là đường nội bộ ít xe lưu thông nên mọi người có thể vừa đạp vừa hóng gió ngắm cảnh. Nếu thể lực đã ổn, người đạp có thể chinh phục cầu Phú Mỹ cao 160m thuộc quận 7 TPHCM.
- Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Cầu Ánh Sao, quận 7 với nhiều đường đẹp, rộng thoáng để mọi người thoải mái đạp xe và có nhiều cây xanh, đặc biệt khu công viên Cảnh Đồi có thể đạp xe trong công viên dưới hàng cây xanh mát.
- Khu vực trung tâm Sài Gòn với quận 1 và 3 kết hợp bờ kè Trường Sa- Hoàng Sa với nhiều kiến trúc tiêu biểu vừa cổ kính vừa hiện đại, các điểm chụp hình không thể bỏ qua như khu vực nhà thờ Đức Bà, Dinh, hồ Con Rùa, nhà hát thành phố.
- Công Viên Gia Định, điểm giao giữa 3 quận Gò Vấp, Tân Bình và Phú Nhuận, là công viên nhiều cây xanh nhất TP, địa điểm mà bạn có thể ngồi hít thở chút không khí trong lành và từ đây bạn bắt đầu làm vài vòng đường Phạm Văn Đồng hoặc đi về hướng Quận 12 để đạp quanh ruộng rau muống, rau nhút.
- Đại lộ Phạm Văn Đồng cũng là điểm không thể bỏ qua cho các bạn đạp vài vòng. Từ đây, bạn có thể đạp đến ngã tư Linh Xuân rồi đi hướng Quốc Lộ 1K leo núi Châu Thới hoặc đến ngã tư Bình Triệu rẽ ra khu đô Thị Vạn Phúc để được vừa đạp vừa ngắm nhà đẹp, công viên xanh mát và tận hưởng cảnh sông.
- Củ Chi ngoài địa đạo ra thì rừng cao su ở Củ Chi xanh mát và không quên ăn khoai mì uống nước mía sầu riêng.
- Nếu bạn vừa yêu thích chạy bộ và đạp xe, Công Viên Văn Hoá Gò Vấp là địa điểm đáng để đến, đạp xe đến đó có chỗ giữ xe để bạn chạy bộ vài vòng quanh công viên nhiều cây cối với đường chạy thoáng đãng dọc bờ sông Vàm Thuật.
- Biển Cần Giờ và hải sản nơi này đang chờ bạn. Đừng quên chụp hình với rừng đước ngập mặn đặc trưng của Cần Giờ.
- Hầm Đá, làng Đại Học Thủ Đức và núi Châu Thới là cung đường dành cho những ai mê địa hình gồ ghề, dốc thoải.
- Khu Láng Le Bàu Cò, quận Bình Chánh và vùng phụ cận còn khá hoang sơ và thiên nhiên để khám phá với ruộng lúa, rừng tràm, con kênh xanh.
Thanh Thu