(SGTTO) - Số người đến bệnh viện khám vì nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng ngày càng nhiều, số ca mắc bệnh nhiều hơn và có nhiều biến chứng nặng khiến có người lâm vào cảnh mù lòa, có người tử vong. Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho rằng ý thức phòng ngừa để không bị nhiễm sán là điều quan trọng nhất.
Môi trường sống bị ô nhiễm, sự xuất hiện trứng sán ở động vật cao, cùng với đó là những thói quen tốt như rửa tay trước khi ăn và ăn chín, uống sôi chưa được người dân thực hiện nghiêm túc khiến nguy cơ nhiễm trứng sán qua việc ăn uống thành nhiều hơn.
Giun sán khắp nơi
Một bác sĩ Đông y, có phòng khám ở Quận 3, TPHCM, kể rằng trước đây khi ngâm bình rượu rắn ông thường cắt tiết rắn để làm tiết canh – một món khoái khẩu cho bữa tiệc cuối tuần với bạn bè. Nhưng dạo gần đây, vị bác sĩ này bỏ hẳn việc làm tiệc với rắn và cũng không ngâm rượu rắn nữa. Ông cho biết đã phát hiện trong tiết rắn lấy được có vô số sán và thịt rắn cũng chứa đầy những trứng sán và sán – “chúng bò lúc nhúc vắt từng thớ thịt bên này sang thớ thịt bên kia”, vị bác sĩ mô tả trong nỗi rùng mình.
Ngày 20-3 vừa qua, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM cho biết một nữ giáo viên 27 tuổi, ở TPHCM đã được viện này lấy một con sán dây dài tới 5,3 m ra khỏi cơ thể. Trước đó cũng tại viện này, một con sán dài khoảng 6m cũng được lấy ra từ một nam bệnh nhân.
Vào cuối năm 2018, một nam bệnh nhân, 52 tuổi ở Lâm Đồng, bị đau đầu, co giật, yếu nửa người đã được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM gắp từ não một con sán dài khoảng 7cm. Giải phẫu con sán sau đó xác định là loài sán ký sinh trong nhái. Chưa hết, trong thời gian qua, nhiều ca bệnh trẻ em bị nhiễm sán chó nhưng người nhà không hay biết. Một trong những trường hợp đáng thương là một cháu bé nhiễm sán chó nhưng do phát hiện muộn khiến bé mất thị lực. Những trường hợp như nói trên được công bố cũng khiến nhiều người trong cộng đồng hoang mang không biết mình và những người thân có bị nhiễm sán hay không và để ngăn chặn những hậu quả gây ra do con sán lạc lối trong cơ thể, người ta quyết định đi khám bệnh, làm xét nghiệm máu.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cho biết hiện nay, số bệnh nhân đến khám vì mắc bệnh giun đũa chó rất nhiều. Khá đông bệnh nhân – với những biểu hiện ngứa, dị ứng ngoài da – đến bệnh viện xét nghiệm và kết quả dương tính chiếm tỷ lệ cao. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, mỗi ngày có trên 500 bệnh nhân đến khám bệnh có liên quan đến vấn đề nhiễm ký sinh trùng và hầu hết liên quan đến giun đũa chó.
Kết quả xét nghiệm dương tính với giun đũa chó hiện là 60 -70% – nghĩa là đang ở mức rất cao. Dù vậy, tỷ lệ này chỉ cho chúng ta biết tình trạng bệnh nhân có kháng thể với loại ký sinh trùng này trong cộng đồng là rất cao – họ có thể là những người đang mắc bệnh này hoặc từng mắc bệnh này. Nói một cách rõ ràng là kết quả xét nghiệm này chưa đủ để khẳng định người nào đó mắc bệnh. Việc chẩn đoán nhiễm bệnh ký sinh trùng không chỉ dựa vào kết quả huyết thanh mà phải kết hợp thêm nhiều yếu tố, bằng chứng khác. “Việc có kết quả dương tính và chuyện có sán trong người khác nhau. Và bệnh có nguy hiểm hay không thể hiện ở giai đoạn đầu. Ấu trùng của giun đũa chó khi vào cơ thể người chỉ sống được một vài tháng, sau đó bị cơ thể cô lập bằng cách đóng kén lại hoặc tự chết đi, không còn gây ảnh hưởng tới sức khoẻ”, bác sĩ Mẫn giải thích.
Ăn chín uống sôi và vệ sinh sạch sẽ
Theo bác sĩ Huy Mẫn, người dân Việt Nam thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm với các nguồn mang mầm bệnh, như có trứng giun ở động vật nuôi (chó, mèo) nên nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. Các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, như phải ăn chín uống sôi, hay việc rửa tay trước khi ăn cũng chưa được tuân thủ. Do đó, mầm bệnh từ trong đất cát, trong môi trường, đồ ăn thức uống, sẽ theo bàn tay chưa được vệ sinh sạch sẽ – con đường lây của các loài sán – thâm nhập vào hệ tiêu hóa của bệnh nhân.
Đặc biệt, những người nuôi chó, nuôi mèo có nguy cơ nhiễm bệnh ký sinh trùng nhiều hơn so với những người không nuôi chó mèo. Tuy nhiên, những người sinh sống ở khu vực gần với căn hộ có nuôi chó mèo cũng có nguy cơ mắc bệnh do chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Để phòng tránh không bị nhiễm sán, các gia đình nên ăn chin uống sôi, vệ sinh bàn tay trước khi cầm nắm thức ăn. Nếu nuôi thú cưng phải xổ giun định kỳ cho chó mèo, vệ sinh sạch sẽ khu vực chó nằm, phải quản lý tốt phân chó, không nên nuôi chó thả rông để phát tán nguồn bệnh ra môi trường và có điều kiện nhiễm bệnh từ chó, mèo đang bị bệnh.
Bác sĩ Huy Mẫn cũng cho hay, hai thể bệnh nặng khi nhiễm giun đũa chó là ở mắt và ở nội tạng. Nếu ở mắt có thể ảnh hưởng bởi thị lực, có thể gây mù mắt, ở nội tạng tùy theo biểu hiện của từng triệu chứng của cơ quan đó. Những trường hợp nặng có thể tử vong nếu sán lên não. Làm sao để sớm phát hiện những con ký sinh không mời mà đến này? Làm sao để tránh những biến chứng thậm tệ khi nhiễm ký sinh trùng? Cách tốt nhất, theo lời bác sĩ Mẫn, là phòng ngừa đừng để nhiễm sán, ăn chín uống sôi và rửa tay thật sạch trước khi ăn.
Bình An
Khi nào chúng ta cần làm xét nghiệm ký sinh trùng? Chúng ta ăn sao để tránh nhiễm những ký sinh trùng không mong đợi? Mời quý bạn đọc theo dõi trong bài kế tiếp với chủ đề "Ai dễ bị nhiễm sán?" với lời khuyên của Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.