Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Nỗi lo sức khỏe gắn thêm cánh cho “thần dược”

Hàng loạt những thực phẩm chức năng không đủ chuẩn, chứa chất độc hại bị phát hiện trong thời gian vừa qua đã phần nào đánh động dư luận vốn bị bao vây bởi vô vàn những quảng cáo mê hoặc. Các nhà chuyên môn nhìn nhận thức phẩm chức năng có những lợi ích nhất định cho sức khỏe nhưng đồng thời cũng khuyến cáo đừng quá đề cao, tin tưởng mù quáng về công dụng của nó.

>> “Ma trận” thực phẩm chức năng: “Thuốc tiên” bao vây người tiêu dùng

Đánh vào tâm lý

Như trong bài kỳ trước đã đề cập, khi đời sống phát triển, người dân có điều kiện quan tâm hơn về sức khỏe của mình cũng như người thân. Và như thế, hàng loạt thực phẩm chức năng (TPCN) được gọi mỹ miều là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng từ đầu đến chân ra đời. Cứ thế, như nấm sau mưa, TPCN được mời chào, rao bán và quảng cáo khắp nơi. Tại các nhà thuốc tây nhỏ, TPCN chiếm ít nhất 1/3 số sản phẩm, được xếp trong một tủ riêng. Tại các nhà thuốc tây lớn ở đường Hai Bà Trưng (quận 1, quận 3, TPHCM), TPCN chiếm hơn một nửa so với thuốc tây trên quầy kệ.

Chị Nguyễn Thu Hà (quận Gò Vấp, TPHCM) là một người có điều kiện về kinh tế. Để duy trì sức khỏe và vẻ đẹp của mình, chị đã đầu tư mua nhiều sản phẩm TPCN. Chị cho biết, chỉ cần biết những thông tin trên nhãn sản phẩm hoặc thông qua quảng cáo, sản phẩm nào bổ sung cho nhu cầu mà cơ thể đang thiếu chị sẽ sẵn sàng đầu tư để thỏa mãn tâm lý của mình. Chị Hà nói nhu cầu cơ thể thiếu hay dư là do chị tự cảm nhận và tự quyết định mua “thuốc” về dùng.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh. Ảnh: Hoàng Nhung
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh. Ảnh: Hoàng Nhung

Tại quận 5, chủ tiệm thuốc trên đường Nguyễn Chí Thanh cho hay, khoảng hai năm gần đây, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, tăng cường nội tiết tố rất được ưa chuộng, mang lại lợi nhuận cao cho tiệm thuốc tây của chị. “Loại hàng ở đây chiếm 70% là hàng xách tay. Các sản phẩm này hỗ trợ nhiều thứ lắm, tim gan, huyết áp, đẹp da… đều có hết”, chị này nói. Tại cửa hàng này, tiếp xúc với một khách mua hàng tên Ngọc Trâm. Chị này cho biết chị tin những lời quảng cáo về công dụng của TPCN. “Chỉ cần nó giúp tôi giảm cân, có vòng eo thon gọn là tôi mua”, chị Trâm nói. Thêm vào đó, chị cho rằng nhiều người đã ăn kiêng theo chế độ ăn phù hợp, ăn sáng, buổi trưa ăn thì một chén cơm nhỏ cho nhiều rau, buổi tối không ăn gì, chỉ uống sữa là có thể giảm được 4-6 kg mỗi tháng khi dùng loại “thuốc” như chị.

Coi chừng bị thổi phồng

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Khoa Dược, trường Đại học Y dược TPHCM, cho rằng một người thừa cân, béo phì muốn giảm cân, ăn đúng theo chế độ như trên, tối chỉ uống sữa bò tươi không đường, kết hợp với vận động cũng giảm được 2-3 kg mỗi tháng. “Người tiêu dùng không nên tin vào những lời thổi phồng của TPCN vừa tốn tiền vừa ảnh hưởng tới sức khỏe. Ví dụ, nếu một người chỉ dùng TPCN trong vòng một tháng mà giảm được 4-6 kg thì sẽ rước bệnh vào thân vì sự sụt giảm ký quá nhanh”, ông Đức khuyến cáo.

Nhiều chuyên gia về dược phẩm và TPCN cho rằng không nên phủ nhận những lợi ích mang lại cho sức khỏe của của loại sản phẩm này nếu được sản xuất kinh doanh từ các doanh nghiệp chân chính. Vấn đề là cơ quan chức năng cần quản lý và giám sát chặt chẽ hơn, người tiêu dùng không thể phân biệt sản phẩm thật hay giả vì chỉ dùng mắt thường thì không thể biết được chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, nguyên Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Dược Sài Gòn (Sapharco) cho biết, người tiêu dùng còn chưa hiểu biết hết về TPCN, công dụng thật của nó. Ông nêu dẫn chứng là không biết bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ lên tiếng trên báo đài nói rằng không nên sử dụng thực phẩm giảm cân theo kiểu quảng cáo trong một tháng có thể giảm được 4-5 kg để đảm bảo sức khỏe, nhưng người dân không tin và vẫn tiếp tục mua dùng. “Sự cuồng tín TPCN hiện nay giống như tình trạng đến lang băm uống nước lạnh sẽ khỏi bệnh, vậy mà người dân cũng đến ào ào”, ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, cho rằng TPCN giúp tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh, vì cung cấp vitamin và khoáng chất. Đây là thực phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc có tác dụng nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh. Theo ông, Bộ Y tế đã có những quy định để quản lý sản xuất, kinh doanh TPCN. Một loại TPCN trước khi lưu hành trên thị trường thì nhà sản xuất phải kiểm nghiệm, phải làm bảng công bố tiêu chuẩn và những chỉ tiêu trong bảng công bố đó phải được một cơ quan kiểm nghiệm, kiểm tra, giám sát. “Nếu sản phẩm đạt những chỉ tiêu trên, cục mới cấp giấy phép lưu hành”, ông Phong nói.

[box type="bio"] Hiện nay, khá nhiều công ty dược trong nước tung ra hàng loạt sản phẩm TPCN, cũng như tiếp tục mở nhà xưởng sản xuất mặt hàng này. Bên cạnh đó, các công ty, tập đoàn nước ngoài cũng đổ xô đầu tư nhà máy sản xuất TPCN tại Việt Nam. Mới đây, nhà máy thứ hai trị giá 20 triệu đô la Mỹ đã được Amway triển khai tại tỉnh Bình Dương. Doanh thu của Amway tại Việt Nam năm 2013 đạt 70 triệu đô la Mỹ. Tập đoàn Nuskin thì khai trương văn phòng tại TPHCM và Hà Nội đầu năm ngoái.[/box]

Cơ quan quản lý kêu khó

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, hiện nay việc quản lý TPCN trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tại TPHCM, hiện có khoảng 177 cơ sở có liên quan đến sản xuất và kinh doanh TPCN, trong đó có 72 cơ sở sản xuất và 125 cơ sở kinh doanh. Thêm vào đó, thành phố hiện có 22 công ty dược sản xuất TPCN và các vi chất. Ở kênh phân phối, có 879 nhà thuốc đạt chuẩn GPP và 3.974 nhà thuốc tây khác đều có bán TPCN, thực phẩm bổ sung vi chất. Do số lượng nhà thuốc và cơ sở kinh doanh TPCN lớn nên việc kiểm tra, kiểm soát không đơn giản.

Bà Mai nói rằng TPCN không phải là thuốc, không thể thay thế thuốc chữa bệnh nhưng người sản xuất và kinh doanh vẫn cứ quảng cáo thổi phồng trên báo, đài, việc kiểm soát xử phạt không xuể. “Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng khi đời sống phát triển, người dân quan tâm đến bồi bổ sức khỏe nhiều hơn nên các tập đoàn kinh doanh TPCN theo hình thức bán hàng đa cấp đang thổi phồng sản phẩm một cách quá đáng để bán được nhiều”, bà Mai nói.

Ông Liêm cho rằng hiện nay việc sản xuất TPCN đang tăng lên rất nhanh. Các công ty dược mặc dù ưu tiên sản xuất thuốc nhưng vẫn đầu tư vào sản xuất TPCN để kiếm thêm và tối đa hóa lợi nhuận. Nếu TPCN được sản xuất từ những nhà sản xuất chân chính, nó sẽ đóng vai trò như y tế dự phòng, nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay TPCN ở Việt Nam đang được quản lý rất lỏng lẻo. “Nhà sản xuất phải chứng minh sản phẩm có ích lợi như thế nào, quá trình sản xuất kinh doanh ra sao, hướng dẫn sử dụng như thế nào, và không nên quảng cáo như thần dược trị bách bệnh”, ông Liêm nói.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối