Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nỗi lo từ những ‘hình mẫu’ trên mạng xã hội

Một dạng nội dung đang rất phổ biến trên TikTok, YouTube và các nền tảng mạng xã hội hiện nay là giới thiệu về những người trẻ năng động, thành đạt nhanh (ở khía cạnh vật chất). Không thiếu những bài viết, những video kiểu như “cô gái gen Z tự thân mua nhà, mua ô tô ở tuổi 20”; “chàng trai chỉ đi du lịch nhưng vẫn kiếm trăm triệu đồng mỗi tháng”; “hãy chọn làm freelancer ngay”; “30 tuổi chưa có nhà, xe là thất bại”; “cách kiếm tiền trên Tinder, dễ dàng bỏ túi 3 triệu sau 30 phút”…

Khi những nội dung tương tự xuất hiện tràn lan, hệ lụy lớn nhất của chúng là gây cho người xem, đặc biệt là những người trẻ tuổi, một nỗi hoang mang, nghiêm trọng hơn nữa là sự khủng hoảng niềm tin vào bản thân.

Người trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực xã hội, trong đó có áp lực thành công về tài chính. Trong khi đó, những nội dung trên mạng xã hội (như vừa nêu) hàng ngày hàng giờ “tấn công” họ, khiến cho họ phải hoài nghi chính mình: Mình là kẻ thất bại? Mình đang chọn sai đường? Có nên tiếp tục theo đuổi đam mê?… Bởi đâu phải ai cũng có góc nhìn đa chiều để hiểu đằng sau những thành tựu (nhiều khi được tô hồng) kia là những góc khuất (những khó khăn, những rủi ro…) được giấu kín.

Hoặc có những thành công đã được đầu tư bằng rất nhiều điều kiện, công sức, kiến thức, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, và có cả những yếu tố may mắn nữa, để rồi tỷ lệ thành công cũng không phải dày đặc như mật độ thông tin mà họ tiếp cận hàng ngày. Như qua trải nghiệm bản thân, tôi biết để trở thành một freelancer hoàn toàn không dễ dàng. Công việc được “gắn mác tự do” cũng đi kèm với rất nhiều khó khăn, rủi ro và áp lực.

Rất mong, với bất cứ ai đang tự cho mình là người làm nội dung, làm truyền thông chân chính, có trách nhiệm với thế hệ trẻ, xin hãy cùng nhau dấy lên làn sóng thông tin bằng nhiều bài viết, nhiều video phân tích những tác động đa chiều của mạng xã hội, bổ sung những góc nhìn đa dạng, lối tư duy biết cân nhắc cho người trẻ. Nhà trường và gia đình cũng phải chung sức vào công cuộc này, giúp giới trẻ tránh rơi vào khủng hoảng ở hiện tại, hoang mang về tương lai, dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống. Những điều đó thực sự quá nguy hiểm!

Những đạo lý căn bản cần được tập trung giáo dục trở lại. Nghề nghiệp không phân biệt sang hèn. Một nông dân quanh năm bám ruộng, một anh nhân viên văn phòng ngày làm 8 tiếng, hay một cô gái dạy guitar trên YouTube đều đáng được tôn trọng như nhau, bởi việc làm của họ đều tạo ra giá trị và có ý nghĩa trong đời sống. Được làm việc mình thích, kiếm đồng tiền chân chính, ấy là niềm vui…

Khánh Hưng

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối