Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025

Nơi nhộn nhịp, chỗ đìu hiu

HÙNG LÊ - VŨ YẾN - 

Mô hình trung tâm thương mại “one-stop shopping”, nơi tích hợp mua sắm, ẩm thực và giải trí tại một điểm đến đang tạo sức ép lên các trung tâm thương mại chỉ kinh doanh các mặt hàng thời trang và hóa mỹ phẩm. Thực tế cho thấy đã có những nhà bán lẻ phải đóng cửa sạp trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thời trang ế ẩm

trungtamthuongmaiCác trung tâm thương mại tích hợp mua sắm, ẩm thực và giải trí đang tạo sức ép lên các trung tâm chỉ kinh doanh các mặt hàng thời trang và hóa mỹ phẩm.

Tại một trung tâm thương mại có tiếng ở quận 5, TPHCM, nơi chuyên bán các mặt hàng mỹ phẩm, trang sức, đồng hồ và mắt kính, mặc dù là ngày cuối tuần nhưng người mua sắm thưa thớt. Ở một số khu vực, nhân viên còn nhiều hơn khách. Một nhân viên bán mỹ phẩm cho biết, khách hàng chỉ đi ngang quầy để vào quán cà phê gần đó, chứ khách mua sắm không nhiều.

Tại tầng hai, nhân viên của cửa hàng giày dép cũng than ế ẩm, có những ngày cửa hàng chỉ thu về khoảng 1-2 triệu đồng. “Hôm nay là thứ Bảy, cuối tuần mà đến giờ mới bán được một đôi giày giá 700.000 đồng”, cô nhân viên này cho biết. Các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng của trung tâm thương mại này cũng gặp cảnh tương tự. Khách đến trung tâm chủ yếu là học sinh, sinh viên đi xem phim và ăn uống, nếu có ai ghé vào quầy cũng chỉ là xem một số sản phẩm chứ không mua.

Tại một trung tâm thương mại ở quận 1, tình trạng cũng chẳng khá hơn. Khách ra vào trung tâm khá đông nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực rạp chiếu phim và khu ăn uống. Một chủ cửa hàng chuyên bán va li cho biết, nếu không có rạp chiếu phim và một số cửa hàng ăn uống thì “trung tâm này sẽ vắng như chùa bà Đanh”. Người bán hàng cho biết, trước đó cũng có một hãng va li, túi xách mở cửa hàng tại đây, nhưng không trụ nổi vì vắng khách nên đã chuyển đi.

Ở một số trung tâm thương mại cao cấp, mặc dù các mặt hàng thời trang và mỹ phẩm khuyến mãi giảm giá 10-50% nhưng sức mua vẫn yếu. Mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng đại diện một thương hiệu thời trang trẻ em nước ngoài có mặt tại một số trung tâm thương mại ở TPHCM cho biết doanh thu sản phẩm trong vòng một năm trở lại đây sụt giảm khoảng 30%.

Một nhân viên văn phòng tên Tuấn cho biết trước đây anh thường mua quần áo tại các trung tâm thương mại cao cấp, nhưng hiện nay anh mua hàng qua mạng, một phần vì giá ở các trung tâm thương mại bao giờ cũng mắc hơn giá mua trực tiếp từ nước ngoài khoảng 20%. Do vậy, thay vì đến trực tiếp cửa hàng, anh thường đặt mua trực tuyến hoặc nhờ bạn bè ở nước ngoài mua rồi gửi về.

Đại diện một thương hiệu thời trang trẻ em nước ngoài nhận xét, thương mại điện tử phát triển, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận trực tiếp với sản phẩm từ chính đơn vị cung cấp. Họ sẽ đặt hàng trực tiếp từ nước ngoài về chứ không chỉ tới cửa hàng phân phối sản phẩm ở Việt Nam. Còn chủ một doanh nghiệp thời trang khác nói hàng hóa chỉ bán được khi có chương trình giảm giá, khuyến mãi, còn những ngày bình thường thì khá chậm. Doanh nghiệp này cho rằng việc mở quầy trong các trung tâm thương mại chủ yếu là làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Trong khi đó, tại một số trung tâm thương mại tích hợp đầy đủ các khu mua sắm, ẩm thực và giải trí thì thu hút khá đông khách tham quan, nhất là những ngày cuối tuần, mặc dù các trung tâm này nằm ở các quận xa trung tâm thành phố.

Khó cạnh tranh

Thị trường bán lẻ vừa có những ngày xôn xao khi trung tâm thương mại Parkson Paragon ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) thông báo đóng cửa sau một thời gian hoạt động. Trung tâm này chuyên kinh doanh những mặt hàng thời trang, hóa mỹ phẩm. Trước đó, nhà bán lẻ đến từ Malaysia này cũng đột ngột đóng cửa Parkson Landmark (Hà Nội) trong những ngày đầu năm 2015.

Giới quan sát thị trường cho rằng, trường hợp của Parkson chỉ góp phần nối dài danh sách trung tâm mua sắm ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM gặp khó khăn phải đóng cửa, thu hẹp mặt bằng thuê hoặc chuyển mục đích kinh doanh trong những năm qua do tình trạng ế ẩm hoặc kinh doanh thua lỗ.

Trong số đó, trung tâm thương mại Thiên Sơn Plaza (nằm gần Parkson Paragon) cũng đã phải cơ cấu lại công năng sử dụng sau ba năm cầm cự. Trung tâm thương mại Pico Sài Gòn ở quận Tân Bình đã cho Lotte Mart thuê lại để kinh doanh siêu thị. Ngay cả Zen Plaza, một trong những trung tâm thời trang được nhà đầu tư Nhật Bản phát triển, sau nhiều năm hoạt động, cũng đã quyết định giảm nhiều diện tích thương mại chuyển sang cho thuê văn phòng và tăng diện tích cho kinh doanh ẩm thực.

Những người trong ngành cho rằng sự ra đời các trung tâm thương mại có diện tích lớn, hướng đến khách hàng trung bình và trung bình khá thay vì những mặt hàng thời trang đắt tiền đang tạo sức ép cạnh tranh lên những trung tâm thương mại cao cấp. Những tòa nhà mới với nhiều tiện ích đi kèm tốt hơn cho khách tham quan mua sắm, từ siêu thị tổng hợp đến những khu vui chơi cho trẻ em và gia đình, cộng với việc quản lý chuyên nghiệp đang có lợi thế hơn vào lúc này.

Một chuyên gia trong ngành bán lẻ nhận xét, thu nhập người tiêu dùng trong nước chưa cao, nên đối tượng mua sắm mặt hàng thời trang, mỹ phẩm cao cấp còn thấp. Lực lượng tiêu dùng tiềm năng trong nước hiện nay là tầng lớp trung lưu, trong khi đối tượng này thường có thói quen mua sắm quần áo, giày dép, mỹ phẩm ở những nơi họ có thể mua được nhiều sản phẩm khác. Ở đó phải có khu vui chơi cho con họ, có chỗ uống cà phê cho chồng và nơi thư giãn cho người lớn tuổi… Tóm lại, đó phải là điểm mua sắm “one-stop”, đáp ứng mọi hàng hóa và dịch vụ cho nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối