Nguyễn Huy -
Vở kịch thể nghiệm Giấc mơ (tác giả là cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, đạo diễn Thái Kim Tùng) của sân khấu 5B Võ Văn Tần ra mắt tại Nhà hát Lớn TPHCM đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Nhiều người chưa có cơ hội xem muốn thưởng thức vở kịch có cách thể hiện lạ lẫm này, thế nhưng, bà bầu là nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên cho biết vở diễn chỉ phục vụ công chúng đúng một đêm tại Sài Gòn và một đêm tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội (xem bài Sân khấu thử nghiệm: Mơ ước và kỳ vọng trên Sài Gòn Tiếp Thị số 140 ra ngày 25-11-2016).
Lý do khá đơn giản là vì các nghệ sĩ không có nhà hát để trình diễn.
Không đủ tiền thuê rạp
Vở kịch Giấc mơ nhận được hưởng ứng tốt từ khán giả nhưng chỉ diễn 2 suất vì thiếu sân khấu.
Sân khấu 5B Võ Văn Tần chính là cái nôi của phong cách kịch thể nghiệm. Khoảng 20 năm trước, sự xuất hiện của nhóm kịch xã hội hóa 5 B Võ Văn Tần đã thổi một luồng gió mới và đời sống kịch các tỉnh phía Nam. Nhiều vở diễn hay đã xuất hiện cùng với sự tỏa sáng của một lớp nghệ sĩ tài năng như Thành Lộc, Hồng Đào, Thành Hội, Khánh Hoàng, Hồng Vân, Việt Anh, Thanh Thủy... Sau này, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc tách ra thành lập sân khấu Idecaf, còn NSƯT Hồng Vân cho ra đời sân khấu kịch Hồng Vân thì 5B vẫn còn là vị trí rất lớn trong lòng khán giả yêu kịch nói. Về sau nữa, sân khấu tư nhân tại Sài Gòn phát triển mạnh với nhiều thương hiệu như Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ, Nụ Cười Mới, Minh Béo..., nên lực lượng diễn viên tỏa đi nhiều hướng khác nhau.
Lúc này, NSƯT Mỹ Uyên được giao trọng trách làm phó giám đốc đối ngoại cho sân khấu 5B. Trong tình cảnh khó khăn, chị vẫn xoay sở nhiều cách để sân khấu vẫn sáng đèn. Chị đã kêu gọi nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ chung sức để cho ra mắt nhiều vở mới được công chúng quan tâm, cho dù, sức cạnh tranh yếu hơn các sân khấu khác. Bắt đầu từ năm 2016, NSƯT Mỹ Uyên giữ vai trò giám đốc sân khấu 5B Võ Văn Tần và lúc này, sân khấu đã có quyết định xây mới nên tạm ngưng hoạt động, vì vậy, sân khấu 5B chỉ còn lại cái tên chứ không còn sáng đèn như trước đây.
Cũng đầu năm nay, sân khấu 5B nhận được thư mời tham gia liên hoan sân khấu kịch thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội. Mặc dù không tiền và không có sân khấu nhưng NSƯT Mỹ Uyên vẫn hăng hái tham gia với mục đích là được “cháy” với nghề. Chị vận động tiền bạc từ bạn bè thân hữu và kêu gọi anh em nghệ sĩ dám chơi nghề mà không cẩn tính toán như Trung Dũng, Lê Vinh, Bạch Long, cùng nhiều diễn viên trẻ trưởng thành từ “lò 5B” tham gia. Khát vọng của họ đã được đền bù bằng tình cảm nồng nhiệt của khán giả và bản thân các nghệ sĩ muốn tái diễn nhiều suất nữa nhưng đành bất lực.
“Ngôi nhà 5B của chúng tôi đang chờ xây dựng mới. Nếu muốn diễn thêm chúng tôi phải bỏ tiền thuê nhà hát. Đây là một khoản chi phí lớn hơn cả tiền vé mà chúng tôi thu được. Chúng tôi đã chạy ngược chạy xuôi để có đủ kinh phí cho vở diễn tham gia liên hoan. Nếu tiếp tục xin tài trợ để diễn phục vụ khán giả thì đây là việc bất khả thi. Bây giờ chúng tôi chỉ hy vọng có những cơ quan tập thể nào hợp đồng với chi phí hợp lý, chúng tôi mới có thể tái phục vụ công chúng”, NSƯT Mỹ Uyên cho biết.
Nghệ sĩ “không nhà” phải bôn ba khắp nơi không chỉ xảy ra với 5B. Nhóm kịch Buffalo cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự. Sau khi đã khẳng định được thương hiệu nhạc kịch của mình, Buffalo muốn định vị tại một địa điểm cố định nhưng gặp lắm khó khăn, vậy mới có chuyện diễn ở rạp này vài hôm, nhóm lại lo chạy sang sân khấu khác. Khó khăn này khiến cho Buffalo không thể tập trung xây dựng vở mới, thay vào đó nhóm chuyển sang diễn hài ở các tụ điểm. Bà bầu Cát Tường cho biết: “Người Việt mình có câu an cư mới lạc nghiệp. Chúng tôi đành phải liệu cơm gấp mắm, chờ đến lúc thuê được địa điểm thích hợp. Trước mắt là diễn theo hợp đồng theo kiểu không ổn định”.
Khó khăn vẫn bám nghề
Câu chuyện nghệ sĩ không rạp, không nhà hát còn được thấy rõ hơn qua bộ môn cải lương. Rạp Hưng Đạo hoàn thành nhưng không đủ tiêu chuẩn nên nghệ sĩ cũng không thể xem đây là mái nhà an cư lạc nghiệp, vậy là nghệ sĩ không thể an tâm đầu tư vở mới và lên lịch diễn định kỳ. Rạp Thủ Đô cũ kỹ vẫn được sử dụng tạm thời vào những thời điểm nhất định nào đó trong năm. Nhóm Tôi yêu cải lương của NSƯT Hoa Hạ và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chọn giải pháp duy trì bằng cách vài tháng sẽ cho ra vở mới và thuê rạp Bến Thành làm điểm diễn. Vở diễn đầu tiên Trung thần (tác giả chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) diễn được 4 suất thì ngưng đến giờ.
Trong tình cảnh như thế nghệ sĩ cải lương vẫn không quay lưng với nghề. Họ bám nghề bằng cách đi hát đám cưới, sinh nhật, kể cả đám ma và các chương trình truyền hình. Trong các chương trình này, đa số nghệ sĩ hát bài lẻ hoặc trích đoạn chứ không diễn được trọn tuồng. Tuồng tích quá ít họ đành lấy ngắn nuôi dài là hát ở bất kỳ đâu được mời để kiếm tiền mưu sinh và chờ đến lúc có vở diễn mới.
“Lúc rạp Hưng Đạo hoàn thành chúng tôi vui mừng và hy vọng sẽ được diễn thường xuyên vì đã có ngôi nhà khang trang. Tiếc nhà hát không thể sử dụng được. Nghệ sĩ mà hát trích đoạn hay ca lẻ không thể phát huy hết tài năng. Nhưng trong bối cảnh hiện tại chúng tôi đành chấp nhận để tiếp tục sống với nghề”, nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm chia sẻ.