Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Nỗi niềm quản lý rạp phim ngày tết

Rạp phim là một trong những địa điểm vui chơi hàng đầu của nhiều người trong dịp tết, nên mùa tết có thể xem là mùa “hốt bạc” của ngành chiếu bóng. Dù vậy, quản lý và vận hành rạp chiếu mùa Tết luôn là thách thức cho ngay cả những người có nhiều kinh nghiệm nhất.

Quản lý kiêm luôn lao công

Tùy theo mỗi đơn vị, lương của nhân viên và quản lý rạp ngày tết thường gấp từ 3,4 lần ngày thường, nhưng điều này cũng không đảm bảo được nhân sự cho các rạp chiếu. Anh Trần Thanh Tuấn, quản lý cụm rạp nước ngoài tại một trung tâm thương mại (TTTM) ở quận Tân Bình, TPHCM cho biết những ngày qua anh còn kiêm luôn cả bán vé, soát vé, thậm chí dọn dẹp vệ sinh vì nhân sự luôn ở trạng thái thiếu trước hụt sau, ngày này bộ phận này đi đủ thì bộ phận khác lại vắng.

Rạp phim luôn đông khách hàng gia đình đi coi trong dịp tết. Ảnh: T.Ca

Là một người đã từng làm quản lý rạp chiếu gần 10 năm, và hiện đang làm trong ngành hàng ăn uống, anh Lê Gia Huy cho biết nếu như tỷ lệ nhân sự bán thời gian trong ngành hàng thức ăn nhanh hay các quán trà, cà phê mang thương hiệu của nước ngoài vào khoảng 50-60% thì tỷ lệ nhân viên bán thời gian tại rạp phim có thể lên đến 80%. Phần lớn nhân sự này tại rạp phim là những bạn trẻ, sinh viên, nên tết dù lương thưởng có tăng cũng không đủ giữ chân những bạn muốn về quê ăn tết cùng gia đình.

Với lượng nhân sự hiện tại, các cụm rạp muốn đủ người thì phải tăng ca, nhưng các quản lý rạp luôn trong tình trạng ăn đong. Đặc điểm của các cụm rạp là giờ kết thúc làm việc có thể kéo đến 2 giờ đêm nhưng sáng hôm sau khoảng 8 giờ là nhân viên đã vào ca. “Tăng ca liên tục khó đảm bảo được năng suất làm việc, chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, đa số nhân viên còn trẻ nên khi nghỉ ca có thể vui chơi hơi quá khiến ảnh hưởng công việc hôm sau”, anh Trần thanh Tuấn phân tích.

Nhiều áp lực

Anh Đỗ Quốc Anh hiện đang quản lý cụm rạp tại TTTM đông đúc bậc nhất tại quận Bình Thạnh cho biết, điều lo lắng nhất của dân phục vụ rạp phim ngày tết là thiếu đồ ăn, các món ăn thường ngày như cơm hộp, bánh mì, bún xào… ngày tết không bán, có bán thì lại không phải quán quen, ăn không hợp miệng. Vì vậy tất cả từ quản lý tới nhân viên đến giờ ăn đều cụng ly… mì, hoặc nhà ai có bánh chưng bánh tét thì đem lên rạp chia sẻ với nhau. Sở dĩ chuyện ăn được xem trọng vì áp lực làm việc của ngày tết là rất lớn, ngoài việc thiếu người, nhân sự phải choàng gánh công việc cho nhau thì áp lực phục cho cho khách hàng cũng lớn hơn. Anh Quốc Anh ước tính về công suất rạp chiếu thường từ mồng 1 đến mồng 3, công suất sẽ vào tầm 70%, cao điểm nhất là từ mồng 4 đến mồng 6 lên đến 80%, từ khoảng mồng 7 đến mồng 10 thì giảm xuống 70% và sau đó thì giãn dần.

Những tỷ lệ kể trên không phải là cao nhất trong năm, vì tại nhiều thời điểm trong năm, đặc biệt là khi có phim bom tấn, rồi vào những ngày cuối tuần, công suất có khi được đẩy lên đến 90%; nhưng đa phần những thời gian này nhân sự luôn đầy đủ và thời gian thường không kéo dài.

Giảm thiểu việc làm khách hàng giận là một áp lực trong ngày tết khi nhân viên ít nhưng khách hàng rất đông. Ảnh: T.Ca

Do vậy, những nhân viên phục vụ rạp phim dịp tết thường phải chịu nhiều áp lực hơn. Trước tiên, nếu khách đến rạp xem ngày thường có thể khá đắn đo trong việc mua các sản phẩm đi kèm như bắp, nước thì ngày tết lại khá rộng tay. Đó là chưa kể đến việc cơ cấu khách hàng ngày tết thường có nhiều gia đình cùng nhau đi xem phim dẫn đến việc mua bắp nước, đồ lưu niệm lại càng lớn hơn. Vì vậy, khối lượng công việc dồn lên mỗi nhân viên nhiều hơn, bán vé rồi bán cả bắp nước, đồ lưu niệm... số lượng lớn trong cùng một thời gian ngắn; mà nhân lực của rạp lại có hạn trong những ngày này.

Việc hạn chế làm khách hàng phiền lòng đến mức tối thiểu trong khi phải phục vụ cùng lúc một lượng khách lớn trong những ngày tết cũng là một áp lực lớn vì tết thường đông khách nên việc phục vụ có phần chậm hơn ngày thường, chưa kể nhân lực ít hơn ngày thường, những người đang làm thì cũng quá mệt mỏi khi phải tăng ca.

Từng làm việc tại nhiều cụm rạp khác nhau và do nhà ở ngay tại TPHCM, nên chị Tô Lê Phương Thảo thường “ăn tết ở rạp” cho đến khi hết mùng 10, chị cho biết khách đến đông thì vui nhưng trong lòng cũng rất lo. Nhiều khách sau một thời gian xếp hàng đến lượt mình mua vé thì đã hết chỗ ngồi đẹp, quay sang trách móc nhân viên không hỗ trợ khách. Nhân viên từ tốn giải thích ai cũng phải xếp hàng, người đến trước thì được mua trước, nhưng gặp trúng khách hàng nóng tính to tiếng thì cũng chỉ biết liên tục xin lỗi hết mực. Căng thẳng nhất chính là việc giải quyết những trường hợp thanh thiếu niên mua vé xem phim, nhưng có khi chưa đủ độ tuổi theo quy định. Anh Đỗ Quốc Anh cho biết, để giải quyết những trường hợp này, cần phải vừa “rắn” lại vừa “mềm”. Cần giải thích rõ ràng, nhưng cũng nhẹ nhàng, từ tốn về các quy định của rạp, không đủ tuổi theo quy định thì không được xem phim, nhưng sẵn sàng hỗ trợ để đổi sang những phim khác, hoặc hoàn tiền...

Tuy nhiên, điều an ủi nhất với quản lý các rạp phim ngày tết là người xem không kén chọn phim để xem; không cần phải phim bom tấn, khách cứ đến rạp, không xem phim này thì xem phim khác, dễ chịu hơn ngày thường khá nhiều. Nhu cầu đến rạp, đôi khi chỉ là để giải trí, chơi Tết, hoặc đơn giản là có chỗ nghỉ ngơi sau đi đã đảo vòng vòng ở các tầng bên dưới của TTTM, nên nguồn thu các rạp phim dịp cũng tăng đáng kể.

Thái Ca

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối