Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Nỗi sợ của người dẫn đầu

Ngọc Hùng

Năm nay là năm thứ tám liên tiếp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, với giá trị đạt 2 tỉ đô la Mỹ. Song, vị thế này đang bị lung lay trước áp lực đến từ các nước xuất khẩu điều thô ở châu Phi và cả quốc gia đang nhập khẩu điều nhân của Việt Nam là Trung Quốc.

Sợ mất công nghệ

Mới đây, Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà đã ký bản ghi nhớ với trường Đại học Bách khoa TPHCM về việc chuyển giao công nghệ chế biến điều cho các quốc gia châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà. Đây là điều đang khiến các doanh nghiệp điều Việt Nam lo nhiều hơn là mừng.

Nguyên nhân là, một khi các quốc gia châu Phi làm chủ công nghệ chế biến hạt điều nhân, họ sẽ tự sản xuất để tạo thêm giá trị gia tăng rồi bán trực tiếp điều nhân ra thị trường, chứ không xuất khẩu điều thô cho Việt Nam chế biến rồi mới nhập lại điều nhân và xuất khẩu như từ trước đến nay. Do đó, trước thông tin trường Đại học Bách khoa TPHCM chuyển giao công nghệ chế biến hạt điều cho các nước ở lục địa đen này, các doanh nghiệp điều Việt Nam bắt đầu có những phản ứng.

Khách tham quan công nghệ chế biến hạt điều tại một triển lãm do Vinacas tổ chức. Ảnh: Ngọc Hùng
Khách tham quan công nghệ chế biến hạt điều tại một triển lãm do Vinacas tổ chức. Ảnh: Ngọc Hùng

Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhiều năm qua, ngành điều Việt Nam phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu từ các nước châu Phi, nhiều nhất là từ Bờ Biển Ngà, để chế biến và bán điều nhân sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu.

Hiện nay, khoảng 70% lượng điều nhân xuất khẩu có nguồn gốc từ nguyên liệu nhập khẩu. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 11 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 556.000 tấn điều thô và nhiều khả năng cả năm sẽ nhập 600.000 tấn. Đây là con số khá lớn nếu so với năm 2012, khi tổng lượng điều thô nhập khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 328.000 tấn.

Không chỉ các nước châu Phi muốn tự chế biến hạt điều nhân để bán mà cả thị trường Trung Quốc cũng đang tìm cách mua công nghệ của Việt Nam để nhập khẩu điều thô từ châu Phi về chế biến rồi bán ra thị trường nội địa chứ không nhập điều nhân từ Việt Nam nữa.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex), Long An, cho biết trước đây có một số thương nhân Trung Quốc đến các công ty chế biến điều ở Đồng Nai, Bình Phước để học quy trình chế biến hạt điều, đặt mua máy móc chế biến hạt điều để đưa về Trung Quốc.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn thứ hai của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu qua thị trường này đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong năm 2012, Trung Quốc chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu điều nhân của Việt Nam nhưng trong 11 tháng đầu năm nay chỉ còn chiếm 15%.

Tìm cách giữ bí mật

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Văn Công, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Khoa học và Công nghiệp của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết Vinacas không chủ trương và không khuyến khích việc chuyển giao công nghệ chế biến hạt điều ra nước ngoài. Việc chuyển giao công nghệ nếu có phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Dĩ nhiên, Vinacas cũng tạo áp lực với trường Đại học Bách khoa TPHCM xung quanh việc chuyển giao công nghệ cho các nước châu Phi.

Để có thể duy trì vị thế quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới hiện nay, một số doanh nghiệp đã đưa ra ý tưởng, sẽ kiến nghị Chính phủ đưa công nghệ chế biến hạt điều vào danh mục bí mật quốc gia – không được xuất khẩu công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào. Đây mới chỉ là ý tưởng của một số doanh nghiệp, song từ đó có thể thấy ngành điều Việt Nam vẫn còn những bất ổn mà nếu không có chính sách đúng đắn thì chắc chắn doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam sẽ gặp phải cạnh tranh một lúc với nhiều đối thủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối