Minh Duy
Những quyết định mới nhất về việc nới lỏng thị thực của Việt Nam được các doanh nghiệp du lịch vui mừng đón nhận, nhưng không quá hồ hởi. Họ cho rằng việc này sẽ giúp giảm bớt một phần khó khăn khi khách quốc tế xin nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng chưa đủ mạnh để giúp kéo thêm khách đến trong lúc du lịch sụt giảm như hiện nay.
Tốt nhưng chưa đủ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa quyết định cho phép những du khách nước ngoài thuộc diện được miễn thị thực, có thể xin gia hạn tạm trú thêm 15 ngày để tiếp tục chương trình du lịch; với những người đến Việt Nam, xuất cảnh sang nước thứ ba rồi quay lại có thể xin thị thực ngay tại cửa khẩu, dĩ nhiên là tất cả phải có những điều kiện kèm theo như có vé máy bay khứ hồi, có sự bảo lãnh của công ty du lịch…
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quyết định này mới chỉ tạo thông thoáng một phần về thủ tục, chưa giảm được chi phí làm thị thực nên cũng chưa thể là một tác động lớn để kéo khách đến. “Chi phí làm visa là 45 đô la Mỹ/người, nếu được gia hạn tạm trú hay cấp visa tại cửa khẩu mà không phải trả phí thì đó là mới là một lực đẩy mạnh để thu hút khách trong tình hình khó khăn này”, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Ánh Dương, chuyên về thị trường Nga, thị trường đang sụt giảm rất mạnh trong thời gian gần đây, nhận xét.
Theo các doanh nghiệp, vấn đề về thị thực là rào cản nhưng không phải là một nguyên nhân chính khiến khách quốc tế sụt giảm mạnh trong những tháng qua. Điểm mấu chốt chính là vấn đề tỷ giá. Kinh tế nhiều nước đang khó khăn, sức mua kém trong khi đồng tiền của Việt Nam trở nên đắt hơn so với một số đồng tiền ở một số thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Nga, Úc… đã khiến giá tour đắt hơn.
Thêm vào đó, thị trường lớn nhất là Trung Quốc và khu vực nói tiếng Hoa vẫn chưa phục hồi sau sự kiện căng thẳng trên biển Đông hồi tháng 5-2014 cũng đã làm cho khách quốc tế liên tục giảm trong 11 tháng vừa qua.
Do đó, để kéo thêm khách đến thì phải có giá tốt hơn nhằm cạnh tranh với những điểm đến trong khu vực, nơi có chính sách thị thực thông thoáng hơn và cũng đang thực hiện nhiều chương trình mới để thu hút khách quốc tế. “Đối tác nước ngoài đều yêu cầu các tour có chính sách giá cạnh tranh hơn. Đối tác cần có các chương trình khuyến mãi ngắn và dài hạn để thu hút sức mua, bảo đảm lợi nhuận từ đó có thể đầu tư, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch Việt Nam”, ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nói.
Trông chờ… chính sách
Để kéo khách, doanh nghiệp đã cố gắng giảm giá bằng cách tự kêu gọi đối tác hỗ trợ, cắt giảm chi phí, giảm lãi… nhưng bằng cách này thì không thể tạo nên những chương trình lớn, một mặt bằng giá tốt cho cả một điểm đến mà cần sự trợ giúp của nhà nước.
Bên cạnh những thay đổi để tạo các chương trình quảng bá có ấn tượng hơn, thủ tục thị thực nhanh gọn, sản phẩm mới... thì cơ quan quản lý phải có những chính sách ưu đãi về thuế, là cầu nối để các ngành liên quan cùng thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn thu hút khách. Khuyến mãi ở đây phải bao gồm cả một vòng tròn từ việc thông thoáng từ cửa khẩu, đến sản phẩm tốt, giá tốt và cả môi trường du lịch sạch, du khách không bị làm phiền bởi những rắc rối từ lừa gạt, móc túi…
“Chúng tôi cần được giảm 50% thuế VAT, nếu được giảm sẽ giảm ngay vào giá tour cho khách và chắc chắn sẽ kéo được thêm khách hàng mua tour. Thị trường quốc tế đang rất khó khăn, chúng ta phải nhìn xa hơn, không nên chỉ thấy con số 45 đô la phí xin thị thực, không chỉ là tiền thuế từ doanh nghiệp mà phải nhìn đến số ngoại tệ lớn từ việc làm du khách chi tiêu ở thị trường trong nước, mất một khách là mất hàng ngàn đô la Mỹ”, bà Thu của du lịch Ánh Dương nói.
Tương tự như bà Thu, nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết đang trông chờ vào kiến nghị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là doanh nghiệp kích cầu sẽ được giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng chờ mãi, từ năm ngoái đến nay vẫn chưa thấy trả lời của cơ quan chức năng. Trong khi một chương trình kích cầu lớn cho mảng du lịch quốc tế cũng chưa được thực hiện thì chi phí đầu vào như điện, xăng dầu… lại tiếp tục tăng khiến doanh nghiệp lại phải đối đầu với bài toán chi phí tăng, giá thành tăng. Như thế thì làm sao có thể kích cầu, làm sao có thể tạo nên một chương trình ấn tượng để kéo khách quốc tế đến với du lịch Việt Nam.
Trong khi khách quốc tế đến nhiều nước lân cận vẫn tăng thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm liên tục trong 11 tháng qua. Bốn tháng đầu năm nay, cả nước mới chỉ đón gần 2,7 triệu lượt du khách đến, giảm 12,2% so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp, đã đến lúc phải có một chương trình hành động lớn để vực dậy thị trường.