LINH NGUYỄN -
Dự án nghệ thuật tâm huyết của ba nghệ sĩ trẻ là sự kết hợp giữa múa đương đại với âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhằm mang đến sự thấu hiểu và khát vọng chung, sự say mê với những sáng tạo nghệ thuật đầy ngẫu hứng cho không chỉ khán giả Việt mà cho cả khán giả nước ngoài – đó chính là dự án Múa đương đại Nón.
Hòa quyện
Hình ảnh chiếc nón bao trùm sân khấu và các nhạc cụ dân tộc.
Múa đương đại là kiểu múa đầy phóng khoáng, áp dụng các kỹ thuật ballet khác nhau, thể hiện cảm xúc bay bổng và tràn đầy cảm hứng sáng tạo. Mỗi một chuyển động múa thể hiện cùng lúc sự hòa hợp vẻ đẹp của cơ thể, trí tuệ, tâm hồn và khi được kết hợp với những giai điệu âm nhạc thì vẻ đẹp ấy thực sự thăng hoa. Nón được xây dựng trong vòng ba năm, bắt đầu hình thành tại thành phố Amsterdam (Hà Lan), trong đó có một năm các nghệ sĩ suy nghĩ, phát triển ý tưởng và từng bước phác họa thành hình ảnh hoàn chỉnh. Nón từng gây tiếng vang lớn vào năm 2015 khi trình diễn tại Việt Nam và nhiều nước châu Âu, năm nay Nón vừa tái ngộ khán giả vào ba đêm diễn 21-7 tại Hà Nội và 26, 27-7 tại TPHCM.
Các nhạc cụ dân tộc góp phần tạo nên những giai điệu tuyệt vời cho Nón.
Lần này, Nón tiếp tục trình diễn theo cấu trúc cũ với sự phối hợp ăn ý của bộ ba nghệ sĩ độc lập gồm biên đạo-diễn viên múa Vũ Ngọc Khải, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái, nhưng có khá nhiều thay đổi với những mới mẻ và đột phá hơn. Nhiều khán giả được chinh phục bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn của chuyển động cơ thể trong múa đương đại và dòng nhạc dân tộc được biểu diễn mộc bằng các loại nhạc cụ như chiêng dây (tại Việt Nam hiện chỉ có 2 cây), đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu và giọng hát ngọt ngào của chính nhạc sĩ Ngô Hồng Quang.
Nếu như ở lần diễn vào năm ngoái, biên đạo múa Vũ Ngọc Khải ứng dụng yếu tố mở của múa đương đại vào quá trình biểu diễn với công thức 70-30 (70% sắp đặt, 30% ngẫu hứng và ứng tác ngay trên sân khấu) thì lần trở lại này, tổng hợp từ hơn một năm tập luyện, trình diễn và đúc kết ở nước ngoài, anh đã táo bạo hơn khi chuyển sang công thức 50-50, do đó những vũ điệu của Nón 2016 sáng tạo, bay bổng phiêu du dưới nền nhạc dân tộc đầy chất tự sự, tiêu biểu là bài hát Về đồi non của nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã chuyển tải trọn vẹn những khám phá mới, truyền đạt sâu hơn những thông điệp của tác phẩm đến các khán giả yêu nghệ thuật.
- [box] Vũ Ngọc Khải (sinh năm 1985) là diễn viên múa, biên đạo chuyên nghiệp, tốt nghiệp trường Cao đẳng Múa Việt Nam và nhận được học bổng toàn phần từ Lãnh sự quán Hà Lan để học tại Học viện Múa Rotterdam Dance Academy. Khải từng tập ballet rồi dần chuyển sang neo-classic và sau đó là múa đương đại.
- Ngô Hồng Quang (sinh năm 1983) chơi đàn nhị từ năm 11 tuổi, từng học và chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và ở một số vùng núi cao trên khắp cả nước. Anh cũng từng là người Việt duy nhất hai lần nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Hà Lan về đào tạo âm nhạc. Hiện anh đang theo học sáng tác âm nhạc đương đại tại Nhạc viện hoàng gia Den Hagg (Hà Lan).[/box]
Vang vọng từ ngàn xưa
Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang (từ trái sang) trả lời câu hỏi của khán giả sau chương trình.
Mở màn vở múa là hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam treo giữa sân khấu làm nền dưới ánh đèn trầm ấm, đồng thời cũng là mái nhà cho câu chuyện được kể bằng âm nhạc và ngôn ngữ hình thể, ngay phía dưới là bộ nhạc cụ dân tộc, tiếp đến là hình ảnh người nhạc sĩ từ từ bước ra và ngồi vào giữa tâm chiếc nón ấy, bắt đầu dùng những kỹ thuật chơi nhạc cụ điêu luyện trong hơn 20 năm của mình tấu lên những khúc nhạc mang âm hưởng của làng quê Việt Nam từ thuở hồng hoang.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ rằng từ bao đời nay chiếc nón lá Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa che nắng, che mưa cho người Việt mà còn thể hiện những mong muốn, khát khao vươn lên những đỉnh cao, những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống tinh thần, đó chính là tình yêu và hạnh phúc, đây cũng chính là đỉnh cao chân thật nhất mà mỗi người luôn vươn tới trong suốt hành trình của cuộc đời. Những bản nhạc đậm đà hồn Việt như Tình đàn, Về đồi non… sử dụng trong Nón được nhạc sĩ viết không cần giấy bút, mà chỉ bằng cây đàn chiêng dây được tặng cùng với kiến thức từ những năm tháng nghiên cứu, tu nghiệp và lưu diễn ở nước ngoài.
Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải cũng đã trả lời cho khán giả rõ thêm về ngôn ngữ văn học và nghệ thuật sử dụng trong những vũ điệu của mình, như một bên cánh tay của anh tượng trưng cho người đàn ông, tay còn lại là hình ảnh người phụ nữ; hay cảm hứng từ sự tích bánh chưng bánh giầy; tín ngưỡng âm-dương của người Việt… Nón cũng nói lên các vấn đề mà mỗi người đang gặp trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, nỗi cô đơn, lạc lõng khi công nghệ chi phối, những trăn trở trong hành trình tìm kiếm bản ngã cá nhân, gìn giữ văn hóa nguồn cội, hòa nhập với thế giới. Vũ Ngọc Khải còn nói thêm rằng cũng chính vì 50% là ngẫu hứng ứng tác trên sân khấu nên mỗi một đêm diễn sẽ luôn có thêm những điều mới mẻ rồi anh và nhạc sĩ Ngô Hồng Quang lại có sự kết nối khác nhau và tùy vào trải nghiệm của mỗi khán giả sẽ lại có những cảm xúc khác nhau.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang giao lưu với người hâm mộ và chia sẻ kỹ năng với các bạn trẻ đam mê nghệ thuật.
Hai đêm 26 và 27-7 trời mưa tầm tã thế nhưng khán phòng của sân khấu Idecaf tại TPHCM không còn một chỗ trống, xen lẫn giữa những người Việt Nam là những du khách nước ngoài cũng có niềm đam mê nghệ thuật và sau chương trình thì nhiều người đã có những phát biểu thể hiện niềm yêu thích đối với tác phẩm. Sau À Ố Show thì có thể nói Nón là dự án nghệ thuật thuần Việt, bước đầu đã chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà còn nhiều du khách nước ngoài bằng lối kể chuyện mộc mạc, xây dựng sự bình yên trong tâm hồn mỗi người bằng âm nhạc dân tộc qua vũ điệu đương đại của những nghệ sĩ thành danh ở nước ngoài.