Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Nông dân cầm cự để vượt qua chuỗi ngày nông sản rớt giá trong đại dịch

Việc hạn chế đi lại giữa các địa phương cũng như đóng cửa các chợ do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến việc tiêu thụ nông sản và đời sống của người nông dân. Để vượt qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người nông dân miền Tây Nam bộ phải “tuỳ cơ ứng biến” bằng đủ mọi cách khác nhau.

Đi lại khó khăn, mua bán đình trệ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương ở miền Tây Nam bộ đã ban hành các chính sách khác nhau nhưng cùng một mục tiêu, đó là hạn chế tối đa sự lây lan của loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Khoai lang tím Nhật huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long rớt giá khiến người nông dân rơi vào cảnh lỗ nặng. Ảnh: Hồng Nhung

Tại tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã ký văn bản tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, nhấn mạnh đến việc kiểm soát người và phương tiện khi vào địa phương, nhất là các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong thời gian 7 ngày, tính từ ngày xét nghiệm.

Tại Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký văn bản khẩn trương áp dụng các biện pháp cấp bách kiểm soát dịch Covid-19. Trong đó, cũng nhấn mạnh về việc kiểm soát người và phương tiện đến từ các vùng có dịch. “Các phương tiện chuyên chở hàng hoá được hoạt động, nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch; các bến phà, bến đò phải giảm 50% số lượng khách và thực hiện giãn cách theo quy định”, văn bản của UBND tỉnh Đồng Tháp viết.

Còn thông báo của Sở Giao thông Vận tải TP. Cần Thơ cho biết, từ 0:00 ngày 2-7 vừa qua, các bến khách ngang sông từ Cần Thơ sang Đồng Tháp và ngược lại phải tạm dừng hoạt động để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ địa phương này sang Cần Thơ, bao gồm bến Thới An- Phong Hoà, Bằng Tăng- Cái Dứa, Bà Goá- Vĩnh Thới, Tân Lộc- Tân Thành, Tân Lộc- Cái Đôi, Bò Út- Định An.

Nhiều địa phương trong vùng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để kiểm soát dịch Covid-19 đã “vô tình” khiến thương lái hạn chế thu mua nông sản, dẫn đến dòng lưu thông nông sản của người nông dân, nhất là các sản phẩm được tiêu thụ ở các chợ bị tác động khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Cành, một thương lái mua mít Thái ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết sau khi Long An, Đồng Tháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh, ông cũng đã tạm ngưng thu mua mít ở hai địa phương này. “Hiện nay, tôi chỉ cắt (thu mua) mít ở trong tỉnh (Tiền Giang) thôi, chứ không sang Đồng Tháp và Long An cắt như trước nữa”, ông nói. Ông giải thích việc tạm ngưng vì các địa phương chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh khá khó khăn trong di chuyển.

Mít Thái rớt giá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Trung Chánh

Ông Huỳnh Văn Giàu, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng cây ăn trái Quyết Tâm, ngụ ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, cho biết hồi đầu vụ, xoài tiêu thụ thuận lợi do lúc đó thương lái còn chở qua Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang và lên TPHCM. "Còn lúc này, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên đâu ai dám đi", ông nói. Ông cho biết bạn hàng nhỏ lẻ mỗi lần mua vài trăm ký đi tiêu thụ ở các địa phương khác giờ cũng ngưng thu mua.

Việc đi lại khó khăn nên theo ông Giàu, xoài của nông dân chỉ được tiêu thụ ở Cần Thơ, khiến giá bán sụt giảm và hiện chỉ còn khoảng 11.000 đồng/kg đối với xoài loại I, có trọng lượng 350 gam/trái trở lên và da phải sạch, bóng đẹp.

“Xoài bán với mức giá như hiện nay, nông dân chúng tôi chắc chắn 100% lỗ”, ông Giàu nói. Ông giải thích, chỉ riêng chi phí bao trái (bao gồm cả túi và nhân công bao) là 3.000 đồng/kg. Nếu tính luôn các loại chi phí phân thuốc thì từ khi làm trái cho đến thu hoạch, ít nhất chi phí đầu tư phải 11.000-12.000 đồng/kg (11-12 triệu đồng/tấn).

Nông dân trồng xoài lỗ nặng do đầu ra khó khăn, giá bán giảm mạnh. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi chi phí đầu tư khá cao, theo ông Giàu, một tấn xoài được thu hoạch chỉ có khoảng 700kg đạt loại I, nhưng với những trái chín buộc phải loại ra thì còn lại chỉ khoảng 600 kg đúng yêu cầu. “Như vậy, với giá bán loại I khoảng 11.000 đồng/kg, nguồn thu chưa đến 7 triệu đồng. Nếu cộng luôn các loại dạt, bao gồm cả xoài vụn, mỗi tấn thu được chỉ tầm 9 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư lên đến 11-12 triệu đồng/tấn, tức nông dân đang phải chịu lỗ", ông Giàu cho biết.

Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, khoai lang tím Nhật hiện có giá chỉ 100.000 đồng/tạ (tạ khoai được tính 60 kg), giảm 100.000 đồng/tạ so với mức giá hồi đầu tháng 6-2021 - thời điểm các nhà hảo tâm đẩy mạnh “giải cứu” loại nông sản chủ lực này cho nông dân tỉnh Vĩnh Long.

Với năng suất khoai lang khoảng 30 tấn/héc ta (tương đương 500 tạ), theo ông Luận, mỗi héc ta nông dân thu được khoảng 50 triệu đồng, tương đương 5 triệu đồng/công, trong khi đó, chi phí đầu tư là khoảng 20 triệu đồng/công. Như vậy, mỗi công nông dân đang phải lỗ khoảng 15 triệu đồng.

Không riêng nông dân trồng xoài hay sản xuất khoai lang, theo tìm hiểu của KTSG Online, nông dân sản xuất mít Thái và nhiều loại cây trồng khác ở miền Tây cũng đang chịu cảnh lỗ nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến đầu ra sản phẩm bị hạn chế rất nhiều.

“Khéo co” để vượt qua đại dịch

Nguồn thu nhập phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, cho nên việc sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, lỗ lã khắp nơi có những tác động rất lớn đến đời sống của người nông dân ở miền Tây.

Ông Luận cho rằng trước đây người nông dân có thể đi làm thuê để trang trải cuộc sống khi mùa vụ không thuận lợi, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc làm mướn cũng rất khó khăn. “Dịch bệnh, việc đi lại tiếp xúc rất hạn chế, cho nên cũng không ai thuê mướn ở thời điểm hiện nay”, ông Luận nói. Ông cho rằng trước mắt người nông dân chỉ biết “co giảm” chi tiêu chờ qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Theo ông Giàu, trong bối cảnh 10 hộ trồng xoài thì cả 10 hộ lỗ, cho nên với các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp thì đành xin “khất nợ” đến mùa sau. “Thật ra, tiền bán xoài có thể đủ chi trả tiền phân thuốc cho đại lý, tuy nhiên, do phải trang trải cuộc sống, sinh hoạt gia đình nên có phần thiếu hụt”, ông cho biết và nói rằng nông dân sẽ chịu một phần lãi suất phát sinh do việc chậm trả.

Cũng theo ông Giàu, trong bối cảnh hiện nay, các thành viên của chi hội Quyết Tâm đã xây dựng mô hình nuôi lươn giống và lươn thịt để “trục trặc cái này thì lấy cái khác bù vô”. “Vườn xoài thì không thể trồng thêm cây gì khác vào được nữa vì cây đã lớn hết rồi, nhưng chi hội có phát triển nghề nuôi lươn giống và lươn thịt để đa dạng nguồn thu, phòng ngừa khi rủi ro”, ông Giàu nói.

Bà Hồ Thị Hạnh, một hộ nông dân sản xuất mít Thái ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho rằng giá mít Thái rớt mạnh đúng vào thời điểm dịch bùng phát, cho nên chi tiêu tiết kiệm là ưu tiên số một trong thời điểm hiện nay. “Bình thường mỗi ngày chi tiêu 100.000 đồng thì hiện nay mình giảm bớt 50%, tức chi tiêu 50.000 đồng/ngày”, bà nói và hy vọng tình hình dịch bệnh sớm qua để cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Trung Chánh

Theo KTSG Online


Với chuyên đề “Họ sống thế nào trong đại dịch”, chúng tôi muốn khắc họa một bức tranh cuộc sống mà trong đó, từ những người đang không có một công cụ lao động nào trong tay cho đến những doanh nghiệp quy mô lớn, làm thế nào để duy trì và ổn định được “sức khỏe” của mình trong đại dịch.00

Chuỗi nội dung trong chuyên đề này sẽ được đăng tải trên ác ấn phẩm của nhóm Kinh tế Sài Gòn gồm Kinh tế Sài Gòn OnlineSài Gòn Tiếp Thị và The Saigon Times (tiếng Anh).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối