Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nông dân nhìn trời, đợi mưa

Ngọc Hùng

Nhiều ngày qua, nông dân ở Tây Nguyên mất ăn mất ngủ khi nhìn vườn cà phê của mình héo lá trước tình trạng hạn hán khốc liệt của năm nay. Điều lo lắng nhất hiện tại là không tìm đâu ra nước để tưới cây trồng.

Tưới ngày, tưới đêm

Mấy tháng nay, cuộc sống thường ngày của ông Lê Văn Thương, ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk, gần như bị xáo trộn hoàn toàn. Đó là, khi mọi người đi làm thì ông đi ngủ, và khi mọi người đi ngủ thì ông lại lục đục kéo dây tưới nước cho vườn cà phê của mình. Đêm nào cũng thức từ 2 đến 7 giờ sáng để tưới cà phê khiến ông mệt mỏi, gầy đi trông thấy.

Thực ra, không chỉ có mình ông mà nhiều gia đình trồng cà phê ở các tỉnh ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum và Lâm Đồng – nơi chiếm 90% tổng diện tích cà phê của cả nước – đang bị xáo trộn sinh hoạt thường này vì khô hạn gay gắt.

Cây cà phê ở Lâm Đồng thiếu nước. Ảnh: Nguyễn Thịnh
Cây cà phê ở Lâm Đồng thiếu nước. Ảnh: Nguyễn Thịnh

Ông Ngô Quang Luyến, nhà có 3,5 ha cà phê ở huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai, cho biết các ao chứa nước đang cạn kiệt. “Nguồn nước tưới hiện nay chỉ còn trông vào ông trời, hoặc phải đào, khoan giếng mà thôi!”, ông Luyến than.

Ông Thương cho biết, số lần tưới đã lên tới 10, nhưng ông dự báo chắc phải tưới thêm vài lần nữa nếu trời không có mưa. “Tưới bao nhiêu lần cũng được, điều mà nông dân chúng tôi lo sợ là không có nước để tưới”, ông Thương nói.

Thông thường vào giữa tháng 4, các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu có mưa. Năm nay, đến thời điểm này thời tiết vẫn còn nắng nóng. Một số địa phương có mưa, nhưng lượng mưa không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Lực, ở Ea Kar, Đắk Lắk, nói rằng tuần vừa rồi có mưa, nhưng mưa chỉ ở khu vực gần trung tâm huyện, còn chỗ nhà ông cách trung tâm huyện khoảng 20 km thì chẳng thấy hạt mưa nào. Ông Lực nhẩm tính, do không có mưa, chi phí phát sinh trên mỗi héc ta cà phê khoảng một triệu đồng.

Theo kết quả khảo sát của Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên, cách đây khoảng 15 năm, nguồn nước ngầm được người dân Đắk Lắk khai thác vào khoảng 4 triệu m3 mỗi ngày. Nay con số này đã vượt 6 triệu m3. Ngoài ra, lượng mưa hàng năm có xu hướng ít đi, còn mùa khô lại kéo dài hơn, cộng với tình trạnh phá rừng tràn lan không kiểm soát, đã khiến cho nguồn nước ngầm giảm rõ rệt.

Khảo sát của đoàn cũng cho thấy, lượng nước ngầm khai thác mỗi ngày của nhiều địa phương như Krông Pak, Krông Buk, Buôn Ma Thuột giảm 30% so với những năm trước. Trước đây, những địa phương này có thể khai thác 600.000 m3 nước mỗi ngày, nhưng nay chỉ còn 400.000 m3.

Cầu trời mưa xuống

Theo thông tin từ trang web của UBND tỉnh Đắk Lắk, nhờ có các con sông cùng với hàng trăm hồ chứa và 833 con suối có độ dài trên 10 km, tỉnh có mạng lưới sông hồ khá dày đặc.

Thế nhưng, chỉ có mấy tháng nắng nóng, nhiều ao hồ trơ đáy, nhiều diện tích trồng cà phê chết khô. Người dân phải đào giếng sâu 30-40 m mà vẫn không có nước do nguồn nước ngầm sụt giảm, nhiều nơi phải chuyển sang khoan giếng đến độ sâu
100 m mới thấy nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng bỏ ra khoảng 40 triệu đồng để khoan giếng lấy nước tưới cà phê.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, trong bốn tháng đầu năm nay, tỉnh này có khoảng 5.000 ha cây trồng gồm cà phê, lúa, bắp bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng, với thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng. Hiện tại các huyện Krông Bông, Ea Kar, Ea Súp có 12.758 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Cục Trồng trọt vừa có đợt khảo sát nhanh các tỉnh Nam Trung bộ vào đầu tuần này, cho thấy nếu đến ngày 15-5 các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa không có mưa sẽ có khoảng 10.000 ha hoa màu vụ hè thu sẽ bỏ hoang vì thiếu nước. Và nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, số diện tích dự kiến không thể canh tác của ba tỉnh nói trên sẽ tăng lên đến 44.000 ha.

Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), do hạn hán kéo dài, các tỉnh Tây Nguyên thiếu hụt nguồn nước tưới, sản lượng cà phê trong niên vụ tới ước tính giảm khoảng 20%. Còn Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất là Gia Lai nên năng suất hồ tiêu tại tỉnh này dự báo sẽ giảm đến 40%, Đắk Lắk giảm 30%, Bình Phước và Đắk Nông giảm khoảng 10-15%. Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, năng suất hồ tiêu tại huyện Cẩm Mỹ giảm khoảng 10%, còn ở huyện Xuân Lộc sẽ giảm 55% so với năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối