Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu chuyển động

Ngọc Hùng - 

Cách đây 5 năm, khi nói đến nông nghiệp công nghệ cao, người ta chỉ biết đến Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM, chủ yếu tập trung vào sản xuất giống hoa lan. Vài năm trở lại đây, nhiều mô hình trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao ra đời, tuy vậy để phát triển mô hình này trên diện rộng, mang lại giá trị thặng dư cao vẫn không phải là bài toán đơn giản.

Phát triển mạnh hơn

DSC_0345-(2)[1442]Các kỹ sư kiểm tra hiệu quả của quy trình trồng dưa theo hướng công nghệ cao tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Minh Sáng

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, với lợi thế về khí hậu nên so với các tỉnh khác Lâm Đồng dễ thu hút những doanh nghiệp nước ngoài lẫn trong nước đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Lợi thế của Lâm Đồng là các sản phẩm rau ôn đới như xà lách, cà rốt, ớt chuông, hoa các loại nên có tiêu thụ trong nước rất tốt, thậm chí hoa áp dụng công nghệ cao để trồng còn có thể xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện tỉnh có khoảng 43.000 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, chiếm gần 16,5% tổng diện tích đất nông nghiệp, và chủ yếu là để xuất khẩu.

Những công ty lớn, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng là để tận dụng chi phí thấp tại Việt Nam. Còn những doanh nghiệp trong nước đầu tư các trang trại làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là để chủ động nguồn cung cho hệ thống bán lẻ ở các thành phố lớn.

Trong các năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, và họ cũng tìm được thị trường cho mình. Mẫu số chung của những công ty nhỏ, có vốn đầu tư vài trăm triệu đến vài tỉ đồng hiện nay là sau khi trồng trọt theo hướng công nghệ cao, họ tự xây dựng hệ thống bán hàng riêng, thay vì phải phụ thuộc qua hệ thống phân phối khác như các siêu thị.

Như cửa hàng rau thủy canh An Thuận Phát, Công ty Sài gòn Thủy canh ở TPHCM, đang vừa trồng rau thủy canh bán qua mạng, vừa bán nguyên liệu, dụng cụ để các gia đình có thể trồng rau thủy canh tại nhà. Ngoài ra công ty này cũng mời người tiêu dùng đến tham quan vườn rau thủy canh của mình.

Trên các trang mạng, các sản phẩm trồng theo công nghệ của Israel, Nhật Bản như dưa lưới, dâu cũng được các trang trại rao bán rất nhiều.

Nhiều đổi mới trong nông nghiệp, sinh học, hóa học và điện, điện tử đã làm cho chi phí đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ngày một rẻ hơn và tùy theo nhu cầu của mình mà ai cũng có thể tiếp cận mô hình này.

Do đó, từ việc nông nghiệp công nghệ cao chỉ có thí điểm, trồng manh mún thì hiện nay mô hình này đã ngày càng phổ biến hơn.

Còn đó những khó khăn

DSC_0509-(2)[1441]Các kỹ sư nông nghiệp đang kiểm tra giống cây được tạo ra từ công nghệ cấy mô tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Minh Sáng

Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đang dần trở thành hướng đi chủ yếu cho nông nghiệp các nước và Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển ở quy mô lớn đối với nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn không phải là điều dễ dàng.

Hiện nay, ngoài một số doanh nghiệp lớn như, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai… tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, còn lại đa phần là doanh nghiệp nhỏ.

Theo một chuyên gia trong ngành này, vốn đầu tư là một yếu tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Tuy vậy, như với bất cứ lĩnh vực đầu tư nào, nông nghiệp công nghệ cao cũng rất khó tìm được nguồn vốn.

Gói 100.000 tỉ đồng mà Chính phủ vừa công bố có thể giải quyết bớt khó khăn của doanh nghiệp, với điều kiện lãi suất phải ưu đãi, và ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này.

Ngoài ra, nếu nhìn tổng thể về nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sẽ thấy vấn đề nguồn nhân lực là rất quan trọng. Trong khi đó nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học-kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu. Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2015 tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo chỉ đạt 13,9%. Đây sẽ là rào cản cho việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống. Khi áp dụng nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì đây là rào cản không nhỏ.

Thêm vào đó, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn cần có diện tích đất đủ rộng, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong khi ở Việt Nam quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất còn chậm, khó tìm những vùng đất phù hợp để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bài toán tiêu thụ sản phẩm hiện cũng chưa được tính đến một cách đầy đủ. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ khó tiêu thụ được. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Ngoài ra, theo giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện tại, Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao nhưng chỉ dừng lại ở dạng nghiên cứu mà chưa thương mại hóa được. Lý do là vướng “bản quyền” của sản phẩm. Giáo sư Bửu giải thích, để hoàn thành một nghiên cứu nào đó, phần nhiều các nhà khoa học Việt Nam phải nhờ sự giúp đỡ từ nước ngoài, tức là dùng nguyên liệu đầu vào này để tiếp tục hình thành đề án của mình, dĩ nhiên, họ hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học nhưng không được thương mại hóa sản phẩm sau nghiên cứu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối