Trung Chánh -
Những người trong ngành cho rằng thay vì tổ chức giới thiệu sản phẩm công nghệ thông minh và khuyên nông dân nên áp dụng vào mô hình sản xuất nông nghiệp của họ, thì nên tạo nền tảng và điều kiện để họ tiếp cận được càng nhiều thông tin về công nghệ càng tốt. Trên cơ sở đó, họ sẽ tự ra quyết định khi thấy phù hợp với thực tiễn.
Gợi mở thông tin
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Nông nghiệp thông minh: cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 25-1 tại tỉnh Đồng Tháp, ông Michael Battaglia, đại diện của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia (CSIRO), cho biết cung cấp thông tin là cách đơn vị này giúp nông dân Úc tiếp cận công nghệ thông minh để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp 4.0 là tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận được các kho tàng tri thức, cung cấp cho họ càng nhiều dữ liệu càng tốt để qua đó giúp họ có lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu.
Phát biểu của ông Michael Battaglia khiến nhiều người nhớ tới một cuộc hội thảo cùng chủ đề được tổ chức cách đây không lâu ở thành phố Cần Thơ. Tại đó, đại diện một doanh nghiệp bán công nghệ phục vụ nuôi tôm đã giới thiệu về sản phẩm giám sát mội trường trong ao nuôi thông qua kết nối internet và truyền dữ liệu không dây về máy tính để phân tích, xác định các mối nguy trong ao nuôi, giúp người nuôi đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Tuy nhiên, tại đây đại diện một hợp tác xã nuôi tôm đặt vấn đề: “Chúng tôi là nông dân, đâu phải ai cũng biết sử dụng máy vi tính, cũng rành thao tác thực hiện phân tích dữ liệu ở trên đấy, thậm chí đâu phải nơi nào ở nông thôn cũng có kết nối internet, vậy làm sao áp dụng vào thực tiễn?” Vị này nêu câu hỏi và cho rằng điều người nông dân cần là có thêm nhiều thông tin hơn về các loại công nghệ để họ có lựa chọn loại phù hợp nhất nhằm áp dụng vào thực tế.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề buổi hội thảo ở Đồng Tháp về cách giúp người nông dân tiếp cận nông nghiệp thông minh của tổ chức CSIRO, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho rằng gợi mở của CSIRO là một điều thú vị và cách tiếp cận của họ khác cách tiếp của Việt Nam trong làm nông nghiệp thông minh.
Theo ông, Việt Nam đang làm nông nghiệp thông minh theo cách tiếp cận dựa vào doanh nghiệp, dựa vào các nhà khoa học, tức doanh nghiệp và nhà khoa học chỉ muốn nông dân áp dụng ngay sản phẩm họ sáng chế ra. Trong khi đó, cách tiếp cận được diễn giả Úc nêu ra, đó là họ tạo điều kiện để “kích hoạt” người nông dân tiếp cận được kho tàng tri thức, nhất là khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, vai trò của Nhà nước là cung cấp được càng nhiều dữ liệu càng tốt để qua đó người nông dân tự quyết định.
Từ chỗ tạo điều kiện, cung cấp đầy đủ dữ liệu thông tin cho người nông dân, theo ông Hoan, người nông dân hoặc một nhóm nông dân có thể quyết định được nhiều vấn đề, từ mùa màng, thời tiết, dịch bệnh rồi chế độ dinh dưỡng cây trồng vật nuôi… dựa trên những thông tin được cung cấp.
“Cách làm như vậy rất hay, bởi chính việc đó mới kích hoạt được xã hội nông thôn, giúp người nông dân đi lên. Chúng ta sẽ không đủ thông tin để hướng dẫn, quyết định mọi vấn đề nông nghiệp, mà hãy để cho người nông dân quyết định, chúng ta chỉ cần tạo điều kiện thôi”, ông Hoan nhận định.
Xây dựng nền tảng
Ông Hoan cho rằng, lâu nay các chính sách cho nông nghiệp thông minh đều hướng đến hỗ trợ vốn cho nông dân, nhưng với cách làm mới có thể chuyển sang hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ cách tiếp cận tri thức. “Tôi nghĩ đó mới là giá trị bền vững và có sự lan tỏa lớn”, ông Hoan phát biểu.
Theo ông, Chính phủ cần phải có một chương trình quốc gia để làm sao hỗ trợ cho người nông tiếp cận được nhiều dữ liệu thông tin. “Làm sao người nông dân có thể sử dụng được thiết bị thông minh với giá tiền rẻ nhất, làm sao để họ lên mạng chia sẻ, hỏi giới doanh nghiệp hoặc hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm”, ông Hoan nói. Theo ông, những việc làm như vậy sẽ lan tỏa đến vài chục triệu nông dân Việt Nam, chứ không như kiểu cũ.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần RYNAN AgriFoods, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ cần có một cơ chế thoáng hơn hiện nay về lợi ích để những nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu có động lực hơn. “Ví dụ, trước đây chúng tôi tìm thuê một số bản quyền về công nghệ sạc pin, nhưng khi liên hệ thì bản quyền của nhà phát minh đã cho một công ty thuê. Khi đó, chúng tôi liên hệ và công ty đó đã cho chúng tôi thuê lại”, ông Mỹ dẫn chứng. Theo ông, làm được như vậy thì những nhà nghiên cứu mới nhiệt tình chuyển giao công nghệ vì họ có lợi sau đó.
Còn ông Trần Việt Thanh đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng cần phải xây dựng một trung tâm nghiên cứu về công nghệ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, chứ không phải là ở TPHCM, Hà Nội như hiện nay. “Nơi đây, được đầu tư về hạ tầng cơ sở, các phòng thí nghiệm cũng như các nhà khoa giỏi phải “ăn ngủ với vấn đề biến đổi khí hậu nơi đây mới được”. Theo ông, cần có sự đầu tư tại chỗ để ứng phó với vấn đề quan trọng này.