Thứ sáu, Tháng tư 18, 2025

Nóng ruột với thị trường du khách Nga  

 

ĐÀO LOAN - 

Nga là thị trường du lịch mới nổi của ngành du lịch Việt Nam, song cũng là thị trường mang đến nhiều bất ngờ nhất cho giới kinh doanh. Thị trường này biến động liên tục, tăng trưởng nhanh, giảm cũng nhanh, một phần là do những biến cố chính trị và tiền tệ.

Vất vả đi đòi nợ

Trong một cuộc trò chuyện vào dịp cuối năm, giám đốc một khu nghỉ dưỡng (resort) ở Mũi Né không muốn nêu tên kể rằng chuyện làm ông khó xử nhất trong những ngày này là... đi đòi nợ. “Khách cứ đến ở mà tiền không có thì bắt buộc phải đòi, mà đòi thì lại ngại bởi đây là đối tác lớn”, ông than thở.

khach-nga

Du khách Nga tại một khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né, Phan Thiết.

Bạn hàng lớn của resort này là một công ty du lịch Nga. Những năm trước, khi khách Nga bùng nổ, đối tác gửi khách đến rất nhiều, có thời điểm hầu hết khách lưu trú tại resort là do công ty mang đến. Việc chi trả hợp đồng cũng diễn ra rất tốt đẹp.

Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, khi đồng rúp của Nga mất giá ngày càng nhiều so với đồng đô la Mỹ cùng với những căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, thì lượng khách giảm nhiều và việc chi trả cũng không còn như trước. Thay vì trả đúng hẹn, một số đối tác trả chậm, trả nhỏ giọt và đến cuối năm thì còn nợ tiền phòng khá nhiều.

“Chúng tôi đi đòi nhưng không dám làm căng, bởi biết họ cũng đang gặp khó khăn và cũng không muốn đề cập đến việc cắt hợp đồng bởi thị trường này tuy tăng, giảm thất thường nhưng du khách lại có mức chi tiêu cao, ở dài ngày”, ông nói.

Một vài doanh nhân khác tại Phan Thiết, Nha Trang cũng có nhận định tương tự. Tuy nhiên, khi nói đến khả năng cắt hợp đồng thì hầu hết đều cho rằng không thể bởi đây là thị trường tiềm năng và có những thay đổi liên tục nên nếu thẳng tay thì có thể sẽ mất lượng khách lớn sau này.

Tuy nhiên, chuyện đi đòi nợ cuối năm chưa phải là vấn đề duy nhất khiến doanh nghiệp đau đầu. Thông tin về việc ba công ty chiếm lĩnh thị trường khách du lịch Nga đến Việt Nam gồm Pegas Touristik, Anex Tour và Coral Travel cùng 16 công ty khác không được Cơ quan Quản lý du lịch Nga (Rosturizm) cấp lại giấy phép hoạt động do có mối quan hệ với các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ lại “bồi” thêm một cú sốc cho doanh nghiệp. Lệnh cấm này có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 và từ đó đến nay, nhiều resort, khách sạn cũng như đối tác du lịch của ba công ty này vẫn đang nóng ruột chờ những biến động của thị trường.

“Ngay sau khi thấy thông tin này trên một số phương tiện truyền thông, trong đó có TASS của Nga, chúng tôi đã liên lạc với công ty mẹ là Pegas Touristik và đã được xác nhận là thông tin chính xác. Đây là thông tin không vui trong mùa du lịch tránh đông của thị trường này”, bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Pegas Misr Travel Vietnam – công ty đón khách Nga đến Việt Nam nhiều nhất hiện nay cho biết.

Giới kinh doanh đánh giá, phải đợi thêm vài ngày nữa mới biết lệnh cấm này có ảnh hưởng đến lượng khách Nga đến Việt Nam hay không, bởi quy định mới có hiệu lực vào kỳ nghỉ tết nên có thể chưa phát huy hiệu lực và cũng có thể doanh nghiệp Nga sẽ biết xoay xở.

Vẫn còn hy vọng

Vừa trở về TPHCM sau khi tổ chức cho khách Nga đón tết tại Dessole Sealion Beach Resort & Spa ở Nha Trang, bà Thu cho biết bà cũng đang khá lo lắng về việc Pegas Touristik, Anex Tour và Coral Travel không được cấp lại giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, doanh nhân này cho rằng tuy thị trường đầy biến động nhưng không đồng nghĩa với việc đình trệ mà vẫn còn có thể hy vọng.

“Tôi đã nhiều lần liên hệ với công ty mẹ là Pegas Touristik và người đứng đầu công ty khẳng định rằng tuy hiện tại rất khó khăn nhưng Pegas vẫn quyết tâm giữ thị trường, trong đó Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường quan trọng”, bà nói với Sài Gòn Tiếp Thị.

Trong năm qua, trong tổng số gần 339.000 lượt khách Nga đến Việt Nam thì có đến gần 130.000 lượt khách đến qua Công ty Du lịch Pegas Misr Travel Vietnam, do Pegas Touristik thành lập tại Việt Nam.

Bà Thu cho rằng, tuy quy định mới của Cơ quan Quản lý du lịch Nga có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 nhưng từ đó đến nay, số lượng máy bay thuê bao đưa khách đến Việt Nam vẫn không giảm, thậm chí tăng và có ngày công ty đón đến năm chuyến bay. Thông tin ghi nhận từ ngành du lịch Khánh Hòa, nơi tập trung các chuyến bay thuê bao đưa khách Nga đến, cũng chưa cho thấy biến động về thị trường nhưng các doanh nghiệp và lãnh đạo ngành du lịch đang rất sốt ruột và liên tục liên lạc với đối tác lữ hành để cập nhật thông tin mới.

Một doanh nghiệp khác cũng cho rằng, cái khó lớn nhất của thị trường chưa hẳn là chuyện ba doanh nghiệp du lịch Nga, vốn có chủ doanh nghiệp liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không được cấp phép hoạt động mà chủ yếu vẫn đến từ những biến động trên chính trường cũng như nền kinh tế của nước này. Để có thể hoạt động tiếp tục, những công ty Nga có thể thay đổi chủ sở hữu để tránh quy định liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc kinh doanh thông qua những công ty con ở nhiều nước khác, nhưng nếu đồng rúp vẫn tiếp tục mất giá làm giá tour tăng cao thì lượng khách sẽ giảm.

Trong tình hình này, điểm đến Việt Nam sẽ gặp khó hơn để thu hút khách Nga vì ngành du lịch chưa thể vượt qua được những nước lân cận như Thái Lan về chính sách giá và cách thức quảng bá với người dân và doanh nghiệp du lịch Nga thì khó có thể khiến du khách chọn khi quyết định mua tour.

“Chúng tôi đã nhiều lần nói đến việc phải tăng cường quảng bá điểm đến, chẳng hạn như qua các kênh truyền hình Nga, các tạp chí của doanh nghiệp du lịch Nga và hỗ trợ những công ty đưa khách Nga đến Việt Nam... nhưng cho đến nay ngành du lịch vẫn chưa có chính sách mới. Nếu chậm thực hiện, có thể chúng ta sẽ gặp khó khăn từ chính những vấn đề nội tại của mình”, bà Thu của Pegas Misr Travel Vietnam nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối