Thứ sáu, Tháng Một 10, 2025

NSƯT Thành Lộc: Sống, điên, nuôi mộng, và chờ!

Nguyễn Huệ Nghi

Nói nhiều, diễn nhiều trên sân khấu qua hàng ngàn vai khác nhau, nhưng lần đầu tiên, nghệ sĩ Thành Lộc bộc bạch về bản thân nhiều như vậy trong tự truyện Tâm Thành và Lộc Đời – hãy cứ cho đi từ cõi nầy. Cuốn tự truyện do Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút.

Thành Lộc là một nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực sân khấu kịch nghệ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với công chúng. Vậy công chúng sẽ biết gì về anh khi đọc cuốn tự truyện này?

Trước hết, có thể nói ngay, là những hé lộ vừa chừng mực, vừa đủ để hình thành một chân dung đa diện, đầy nội tâm. Ở đó, có sự chân thành của người kể chuyện biết khán giả của mình cần gì. Chân thành nhưng không quá vồ vập, cũng không xa cách. Người chấp bút cũng thể hiện lại đúng cái chất giọng của một Thành Lộc hoạt bát, phóng khoáng và tinh tế trên câu chữ.

Theo thông tin từ Công ty Phương Nam, nhà đầu tư cho cuốn tự truyện này, thì sau vài ngày đầu phát hành, cuốn sách Tâm Thành và Lộc Đời – hãy cứ cho đi từ cõi nầy đã bán hết số lượng hơn 3.000/5.000 cuốn của đợt in đầu tiên. Dự báo đây sẽ là một trong những đầu sách bán chạy vào cuối năm nay. Hiện Phương Nam đang lên kế hoạch tái bản. Một số tờ báo tại TPHCM đang xin trích đăng một số phần trong cuốn sách.
Theo thông tin từ Công ty Phương Nam, nhà đầu tư cho cuốn tự truyện này, thì sau vài ngày đầu phát hành, cuốn sách Tâm Thành và Lộc Đời – hãy cứ cho đi từ cõi nầy đã bán hết số lượng hơn 3.000/5.000 cuốn của đợt in đầu tiên. Dự báo đây sẽ là một trong những đầu sách bán chạy vào cuối năm nay. Hiện Phương Nam đang lên kế hoạch tái bản.
Một số tờ báo tại TPHCM đang xin trích đăng một số phần trong cuốn sách.

Tuổi thơ Thành Lộc được tái hiện khá rõ nét, ở đó, gia cảnh, cái nôi nghệ thuật gia đình đã tạo nền tảng tốt hình thành nên tâm tính nghệ thuật ở anh. Xoay quanh anh là những tấm gương của người đi trước: ông nội là bầu Nở nức tiếng ở Vĩnh Long, cha là kép chính Thành Tôn, ông ngoại là bầu Thắng (tức nghệ sĩ hát bội Hai Thắng), mẹ là nghệ sĩ Huỳnh Mai, các cậu Đức Phú, Khánh Hồng là diễn viên đoàn Phụng Hảo… Lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật, những ngày ấu thơ của Thành Lộc gắn với không gian của ánh đèn và sự quyến rũ của nghệ thuật hóa thân trên sân khấu.

Cả gia đình sống trong cái thế giới bé nhỏ của đình Cầu Quan, nơi có đặt bàn thờ Tổ nghề diễn, có đêm, Thành Lộc tin rằng mình đã được thị kiến, đã gặp những vị thần lên diễn tuồng. Tám tuổi đã đứng trước sân khấu, rồi lớn lên trong tâm thức “Người Được Chọn”, Thành Lộc làm nghề và sống với một niềm tin mãnh liệt vào sáng tạo, vào thế giới tinh thần. Anh không chỉ là làm tròn trách nhiệm mà cảm nhận sự linh ứng thiêng liêng sau từng vai diễn.

Trong cuốn sách, Thành Lộc cũng hé mở phần nào những câu chuyện đời tư của mình, như việc từ khi còn nhỏ, do gia đình khó nuôi con trai, nên Thành Lộc phải đến chùa để “chuyển kiếp” giả làm gái và lấy tên giả là Thành Tâm, với lòng tin như thế sẽ không bị “những người coi số tử” đến gọi đi, như việc liệt kê những “chuyện tình” của mình một cách đầy khéo léo để rồi đọc xong chương Yêu (trang 75 đến 88), có thể thấy phía sau một Thành Lộc đa diện trên sân khấu, giỏi sắm vai hài hước lại chính là một khuôn mặt “thất bại thảm hại” trong tình yêu.

Nhưng trong cuốn sách, người đọc cũng cảm nhận phần nào bức tranh sân khấu Sài Gòn qua nhiều giai đoạn. Thành Lộc bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề tế nhị trong thế giới biểu diễn bằng một giọng bình thản, từ chuyện những đồng nghiệp sân khấu Bắc, chuyện những vở kịch phải chịu “trần ai” trước khi đến với công chúng hay ngay cả chuyện yêu trẻ con quá và tâm niệm làm sao đem lại món ăn tinh thần cho khán giả nhỏ tuổi…

Không ít lần trong cuốn sách, độc giả gặp một Thành Lộc đầy bộc trực, ví dụ khi anh nói về sự thiếu thốn các giá trị tinh thần đích thực dành cho trẻ em: “Tuổi trẻ Việt Nam đã bị giáo dục bởi một hệ thống có nhiều lỗi, mà lỗi lớn là thiếu tính chân thật. Tới thế kỷ này rồi mà khi chúng tôi làm vở thiếu nhi Trần Quốc Toản ra quân, kết vở bằng trận đánh, tạo hình nhân vật đánh đưa gươm lên cổ giặc thì bị góp ý là chỉ nên để từ xa chỉ lại. Cứ phải làm nghệ thuật trong một môi trường không lý tưởng như vậy, nhưng chẳng lẽ không làm? Thôi thì cứ cố trong sức mình, làm đến đâu hay đến đó” (trang 93). Anh nói về “kịch Bắc kịch Nam”: “Đến chặng đường hôm nay, từ một người mê nghề vì kịch Bắc, giờ có dịp ra Bắc hay nhìn dòng kịch Bắc mờ nhạt vào Nam, tôi lại thấy bị xúc phạm lớn khi có ai chê kịch miền Nam của chúng tôi không được trí tuệ lắm. Dĩ nhiên, trong môi trường trăm hoa đua nở, cũng có những vở kịch không thể gọi là tác phẩm. Nhưng không thể vì vậy mà coi thường những vở diễn nói về số phận của những con sâu, cái kiến để rút ra từ đó những bài học nhân sinh. Tôi thà trút năng lực mình vào những vở diễn dung dị đó, còn hơn là bỏ dở đi xem những vở rao giảng lý thuyết như muốn la làng lên cho khắp nơi biết là làng nước ơi, chúng tôi là trí tuệ đấy nhá, đến mà nghe những ý thông thái để tập sống noi theo” (trang 114)…

Câu chuyện của một diễn viên mang trên vai sứ mạng khi cảm thấu được cái tình khán giả dành cho mình được trải lên trang giấy. Cuối những dòng tự truyện, người đọc lại gặp cái ưu tư của một kẻ có bề “nổi loạn”: “Rồi cơn điên của một gã có tên là Thành Lộc, trong vở kịch đời trường thiên đại ảo mộng này sẽ kéo dài thêm được bao lâu? Loại câu hỏi này, tôi và bạn, chẳng ai trả lời được. Chúng ta hãy tiếp tục sống, điên, nuôi mộng, và chờ” (trang 121).

Trước một câu hỏi đại loại anh muốn cái chết thế nào, Thành Lộc nói, có gì đó xa xót: “Tôi muốn tuổi già của mình khi tiếp cận với cái chết sẽ không ở trong môi trường nghệ thuật nữa. Tôi vẫn thích cuối đời mình được ở trong một thứ ánh sáng thật, không ở trong thứ ánh sáng huyền ảo, giả tạo của sân khấu. Và nếu có đầu thai, tôi cũng xin đừng cho tôi làm người nữa, chỉ xin làm kẻ không có nhân ảnh. Trống không. Vô hình” (trang 138).

(Sách dày 157 trang, có tặng kèm CD Cuộc đời hoài phí Phương Nam book & NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM xuất bản, vừa mới ra mắt độc giả).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối