(SGTT) - Ở tuổi 62, chị Dương Minh Phượng, sống ở TPHCM luôn đồng hành cùng chiếc xe đạp trong những ngày rảnh rỗi. Dù đã tuổi hưu trí, chị vẫn say mê công việc của hướng dẫn viên tiếng Nhật và yêu từng vòng xe lăn bánh cùng các “đồng đạp”, khám phá nhiều nơi hơn hai năm qua.
- Nữ hướng dẫn viên du lịch rẽ hướng làm TikToker về xe đạp vì mê đạp xe
- Bếp trưởng nhà hàng Nhật làm TikToker triệu view ở tuổi 31
- Bếp trưởng U50 làm TikTok, đem công thức nhà hàng về cho bếp nhà
Độ “chịu chơi” của người phụ nữ U70
Biết đến bộ môn đạp xe lúc đã 60 tuổi, chị Phượng cho hay trước đó mình chưa từng chơi xe đạp hay thử qua bất kì môn thể thao nào. Như bao người mẹ, người vợ chăm sóc gia đình, lo toan công việc, chị Phượng phải chờ đến một cơ duyên lớn để bắt đầu với xe đạp. Dịch Covid-19 xuất hiện làm mọi công việc đều đình trệ, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất phải kể đến dịch vụ du lịch, là một hướng dẫn viên, chị mất việc từ đầu năm 2020.
Chị đã ở nhà vài tháng liền và có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để tìm hiểu môn chơi mới, giúp chị đỡ “bứt rứt” tay chân, tránh ở nhà hoài mà “sinh bệnh”. Chị tìm đến Cào Cào Adventures, nơi thường xuyên tổ chức các dịch vụ liên quan đến xe đạp, tham gia những tour khám phá đầu tiên cùng tân binh.
Chị tâm sự mình đã rủ những người bạn cũng là hướng dẫn viên đang thất nghiệp để đi đạp xe cùng cho vui dù trước đó chẳng ai biết hình dáng chiếc xe đạp thể thao là như thế nào, cũng chưa thử qua các loại xe có bộ đề.
“Mọi thứ với chúng tôi đều bắt đầu từ con số không. Nhưng tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia tour Bình Quới, Thanh Đa đầu tiên với quãng đường 30km”, chị kể.
Chị Phượng nhớ lại trong nhóm đạp xe lúc ấy, chị là người lớn tuổi nhất. Trước khi đạp, các huấn luyện viên có hướng dẫn kỹ thuật kèm theo những kinh nghiệm để điều chỉnh xe khi lên dốc, xuống dốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo lắng vì vấn đề tuổi tác và sự an toàn của chị trong quá trình đạp theo tour đầu tiên với quãng đường vài chục cây số.
“Có thể vì tính chất công việc của một hướng dẫn viên du lịch phải đi nhiều nên cơ thể tôi có phần dẻo dai, tôi nghĩ mình cũng có chút năng khiếu để đạp xe. Mọi thứ khởi đầu khá êm xuôi và cho tôi những trải nghiệm chưa từng có khi qua quá nửa cuộc đời”, chị vui vẻ nói.
Sau tour đầu tiên, chị đăng ký thêm hành trình hai ngày một đêm ở Vườn Quốc Gia Cát Tiên, chặng đường có 50km đèo dốc và 20km trong rừng vào ngày hôm sau.
“Đi để biết sức mình đến đâu” là suy nghĩ của U70 Dương Minh Phượng với mong muốn chiến thắng những giới hạn khác của bản thân. Cùng những bạn đồng hành trẻ tuổi, chị Phượng vẫn tự mình lăn bánh đi lên dốc, qua khe suối, đổ đèo… Càng đạp càng ghiền, chị Phượng tiếp tục đạp xe đi Cần Giờ với quãng đường 120km, đi Núi Dinh 180km trong ngày từ 5:00 sáng đến 8:00 tối, trong đó dấu ấn đặc biệt là đạp xuôi về miền Tây ba ngày tổng cộng 300km.
Đổi chút mồ hôi lấy niềm vui
Dù làm công việc của một người dẫn đường hơn 20 năm qua, đi đến nhiều quốc gia, tỉnh thành khác nhau, nhưng chỉ khi tham gia các chuyến đi khám phá bằng xe đạp, chị Phượng nhận ra mình mới được ngắm nhìn những khung cảnh lạ, tìm hiểu văn hóa bản địa ở những nơi chưa từng nghĩ đến.
Trong chuyến đi đến Thanh Đa, đoàn đã check-in tại mảng xanh giữa thành phố triệu dân, đứng bên này là những đồng lúa, hàng cây xanh rì rào trong gió, ngó bên kia là tầng tầng lớp lớp dãy nhà cao tầng, hiện đại, biểu tượng của TPHCM như Bitexco, Landmark 81…
“Cảnh tượng đẹp hơn bao giờ hết, nhờ xe đạp tôi mới có thể len vào những ngõ ngách hiếm người đi, sống chậm hơn với từng thứ diễn ra xung quanh mình”, chị bày tỏ.
Theo chị Phượng, khi đến với bất kỳ môn thể thao nào đó, hơn hết người chơi sẽ nhận lại những nguồn năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan bên cạnh sức khỏe mỗi ngày dần được cải thiện. Đạp xe đã cho chị những tình bạn, mối quan hệ gắn bó cả ngoài đời, với chị Phượng, họ là những người không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội, chỉ cùng chung một tần số muốn vui, muốn khỏe trên đường đi.
Sau hai tháng trải nghiệm với bộ môn này, chị đã tự mua cho mình chiếc xe đạp đầu tiên khoảng 10 triệu đồng, thành người bạn đồng hành cùng chị ở hiện tại. Cứ ngày nào không có tour dẫn, chị sẽ đạp xe vài chục cây số ở một số cung đường khác nhau trong thành phố và tuân thủ luật giao thông, không lấn lề, làn, đi hàng hai hàng ba, làm xấu đi hình ảnh người đạp xe trong cộng đồng. Cuối tuần, chị dành thời gian cùng nhóm bạn đi thăm thú tùy hứng, phát hiện các địa danh, vùng ven đẹp ở quận huyện TPHCM.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trên đường về miền Tây, chị Phượng không thể nào quên mùi lúa chín thơm nức, trải dài không thấy điểm dừng chỉ thấy đường chân trời trên đường qua một cánh đồng.
"Dù sinh ra ở vùng thôn quê, những cảnh đó cũng gần gũi lắm mà tôi vẫn thấy lạ và đặc biệt, hít một hơi thật sâu để cảm nhận được mùi lúa, tinh thần tôi khoan khoái, thoải mái hơn rất nhiều. Đi xe đạp cũng dễ bề thâm nhập vào đời sống địa phương, ghi lại cảnh đẹp trên đường đi hơn bao giờ hết dù có nắng gió hơn", chị nhấn mạnh.
Chị quan niệm đây cũng là cách bổ sung trải nghiệm, kiến thức vào công việc hướng dẫn viên tiếng Nhật của mình để cho du khách biết đất nước ta đẹp và thú vị như thế nào không chỉ qua sách báo, phương tiện truyền thông. Trong tương lai, chị Phượng có dự định sẽ đạp xe xuyên Việt, tuy nhiên, trước mắt sẽ chinh phục 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để rèn thêm thể lực, tích lũy kinh nghiệm cho hành trình lớn của đời mình.
Chị Phượng quan niệm đạp để khỏe, khỏe mới vui, vui sẽ dẫn tour cho du khách tốt và lạc quan đối diện với mọi chuyện không hay như dịch bệnh, mất việc, bệnh tật...
“Tôi luôn nghĩ đây là một sự đánh đổi quá hời đối với mình vì bản thân chỉ mất đi một chút mồ hôi nhưng được lại nhiều thứ. Nếu có thời gian, dù bạn là ai cũng nên một lần kiếm chiếc xe đạp để thử sức, vì đây là môn chơi nhẹ nhàng, thuận theo bản năng của rất nhiều người. Hãy bắt đầu đi để biết mình đến được đâu”, chị bộc bạch.
An Phú