Vũ Yến -
Bước vào hai tháng cuối năm với trọng điểm là mùa cưới, mùa Noel, Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TPHCM đã đưa ra thị trường nhiều bộ sản phẩm mới với kỳ vọng sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng.
Nhu cầu tăng dần
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại hội chợ quốc tế về trang sức sáng 9-11.
Tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM sau khi mất khá nhiều thời gian lựa chọn, xem mẫu, đắn đo, anh Nguyễn Sơn và vợ sắp cưới chọn một cặp nhẫn có vàng 14k, trọng lượng 1,7 chỉ, gắn đá kim cương, giá gần 18 triệu đồng. Anh Sơn cho biết, để chuẩn bị cho lễ cưới vào tháng 1-2017 tới, anh và vợ sắp cưới đã tham khảo khá nhiều mẫu mã và quyết định chọn mẫu này.
Tại hội sở của Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, bà Trần Thị Lâm cũng đang nhờ nhân viên giới thiệu các bộ trang sức cho mùa cưới năm nay. Bà cho biết gia đình bà sắp đón dâu, vì vậy bà đang đi tham khảo mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng và giá sản phẩm.
“Tôi ưng bộ Long Phụng Hòa Minh gồm vòng cổ, lắc tay, bông tai, nhẫn, nhưng vì giá hơi cao (khoảng 71 triệu đồng – PV) nên vẫn đang phân vân, cân nhắc”, bà Lâm nói.
Sau khi mua được một chiếc dây chuyền vàng giá gần 4 triệu đồng tại hội chợ quốc tế về trang sức (ở nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, từ ngày 9 đến 13-11), chị Hồng Minh, nhà ở quận Thủ Đức, cho biết mặc dù phải tới cuối năm mới được thưởng nhưng vì đúng dịp hội chợ, chọn được sản phẩm ưng ý nên chị đã lấy tiền để dành ra mua.
Theo nhân viên tại một cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 10 tới nay sức mua các sản phẩm vàng/bạc nữ trang dần tăng lên do bắt đầu bước vào mùa cưới, mùa lễ-tết cuối năm.
Một số chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) cũng cho biết hiện nay các cửa hàng đã đưa ra thị trường nhiều mẫu mã, bộ sưu tập sản phẩm mới. Theo họ, đây là dịp mà doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh mong chờ nhất trong năm để đẩy mạnh doanh thu.
Kỳ vọng sức mua tăng cao
Theo đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), đón đầu sức mua của thị trường vào mùa cưới, mùa lễ-tết cuối năm, công ty đã cho ra mắt 10 bộ trang sức mới làm từ vàng 18k và vàng 24k, mức giá trung bình 60-100 triệu đồng/bộ. Công ty cũng đưa ra thị trường các sản phẩm nữ trang (vòng cổ, vòng tay, nhẫn…) với mức giá bán khoảng 5-20 triệu đồng/sản phẩm. Mặt khác, từ đầu năm tới nay, SJC mở thêm 50 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó TPHCM là 25 cửa hàng.
Cũng theo vị này, thị trường vàng nữ trang có sôi động hơn trước. Mức doanh thu bán lẻ 10 tháng đầu năm của công ty ở mảng nữ trang cao cấp đạt xấp xỉ 300 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 143 tỉ đồng.
“Cũng khá giống các ngành kinh doanh khác, doanh nghiệp kinh doanh vàng như chúng tôi cũng đang chờ đợi, kỳ vọng sức mua sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm. Doanh thu sẽ đạt khoảng 380 tỉ đồng. Đặc biệt, ở hội chợ quốc tế về trang sức, thông thường sức mua sẽ cao. Có những kỳ hội chợ sức tiêu thụ trong năm ngày bằng sức tiêu thụ trong hai tháng tại một cửa hàng”, vị này nói thêm.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Tổng giám đốc của Hoàng Gia Pearl – đơn vị kinh doanh các sản phẩm nữ trang ngọc trai, cho biết trong hơn 3 tháng qua Hoàng Gia Pearl đã đưa ra hơn 30 bộ sưu tập với gần 300 mẫu thiết kế mới nhằm tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.
Cũng theo ông Tuấn, trong hai năm gần đây, quy mô thị trường trang sức ngọc trai tại Việt Nam có sự gia tăng khá rõ. Không giống những năm trước đây người tiêu dùng tìm đến ngọc trai thường là những người đứng tuổi, những sản phẩm họ chọn thường theo khuynh hướng đơn giản và cổ kính, hiện nay người tiêu dùng trẻ tuổi cũng quan tâm và lựa chọn ngọc trai. Sản phẩm ngọc trai theo đó cũng đa dạng hơn về kiểu dáng, màu sắc.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TPHCM, cho rằng thị trường nữ trang đang ngày càng phát triển và có nhiều tiềm năng do nhu cầu làm đẹp, mua sắm nữ trang ngày càng nhiều.
Tuy nhiên ông Dưng cũng nêu những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này đang phải đối mặt. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hiện nay doanh nghiệp chưa có nguồn nguyên liệu chính thức được nhập từ nước ngoài mà phải tự tìm từ nguồn nguyên liệu nhập lậu, trôi nổi, từ đó dẫn tới giá thành bị đội lên cao.
Một vấn đề nữa mà ông Dưng đề cập đó là doanh nghiệp không được vay vốn theo Thông tư số 33/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; những quy định khắt khe ở nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 30-4-2012 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng cũng khiến nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ không thể trụ vững…