Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

“Nữ tướng” trên sân khấu kịch

NGUYỄN HUY -

Mấy hôm nay, giới nghệ sĩ sân khấu TPHCM đang lo cúng tổ nghiệp, mà ngày trước, cúng tổ nghiệp thường do ông bầu đứng ra lo liệu nhưng nay, chuyện phụ nữ thành “bà bầu” sâu khấu giờ không còn hiếm.

Hồi đầu tháng, NSƯT Trịnh Kim Chi tổ chức buổi lễ tốt nghiệp cho khóa đầu tiên của lò đào tạo KC (sân khấu kịch cà phê KC). Động thái này cho thấy yếu tố nữ đóng vai trò quan trọng trong tư cách quản lý và định hướng của đời sống sân khấu tại Sài Gòn, vốn trước đây thường dành cho nam giới, hay còn gọi là ông bầu.

Mỗi người mỗi vẻ

Tính chung trên địa bàn TPHCM, đến nay có khoảng 10 sân khấu kịch, trong đó có hơn phân nửa mà người cầm chịch là phụ nữ. Chính những bà bầu này, với quan niệm nghệ thuật riêng biệt đã tạo nên những sắc thái đặc thù khác nhau. NSND Hồng Vân nổi tiếng từ chính kịch nhưng sau này trở thành một danh hài. Khi chị thành lập sân khấu Hồng Vân thì nét chủ đạo trong các vở diễn mang đậm yếu tố hài hước. Về sau này, chị là người đi tiên phong tạo nên sự đột phá khi khai mở thể loại kịch kinh dị. Vở Người vợ ma (tác giả Xuyên Lâm – đạo diễn Thái Hòa) cách đây hơn 10 năm đã tạo nên một cơn sốt phòng vé. Từ đây, sân khấu Sài Gòn đã xuất hiện một phong cách gọi là kịch kinh dị. Ngoài ra, sân khấu Hồng Vân cũng rất mạnh thể loại kịch văn học.

NSƯT Trịnh Kim Chi (áo đen) được các đồng nghiệp đến chúc mừng trong ngày lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên của sân khấu kịch KC.
NSƯT Trịnh Kim Chi (áo đen) được các đồng nghiệp đến chúc mừng trong ngày lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên của sân khấu kịch KC.

Nghệ sĩ Ái Như chuyên trị các vai tâm lý phức tạp. Sau khi thành công trong vai trò diễn viên, đến một ngày chị muốn có một sân chơi nghệ thuật riêng để thỏa sức sáng tạo và hơn năm năm trước, chị cùng NSƯT Thành Hội kết hợp thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh. Những gì được thể hiện tại đây cho thấy rõ tố chất của Ái Như: đó là dạng kịch có chiều sâu, đẹp từ hình thức đến nội dung, và hoàn toàn tránh xa thói quen thưởng ngoạn cười vui. Hơn 20 vở diễn ở đây đều khiến người xem thổn thức vì đi sâu vào thân phận của con người và để lại nhiều dư âm đẹp trong lòng khán giả.

Ba năm trở lại đây, sân khấu Thế Giới Trẻ nổi lên là một địa chỉ kịch nói hấp dẫn khán giả tuổi teen. Bên cạnh kịch kinh dị, sân khấu này thành công trong các vở diễn chủ đề giới tính. Nơi đây đã biến những cái tên vô danh như Thu Trang, La Thành, Diệu Nhi, Hoàng Phi thành những ngôi sao trẻ. Hiện tại, khán giả muốn xem kịch tại Thế Giới Trẻ có khi phải đặt vé trước hàng tuần. Thành công này có dấu ấn đậm nét của Tracy Thúy Nguyễn. Vai trò của chị thực ra chỉ những người trong cuộc mới biết được vì bà bầu này luôn đóng vai trò phụ bên cạnh người bạn trai lâu năm, ông bầu Trần Đại.

Nhiều năm trước, ông bầu Trần Đại bỏ tiền đầu tư vào sân khấu Gia Định. Vì không am hiểu môi trường nghệ thuật, anh thất bại liên tục. Đến khi gặp được Tracy Thúy Nguyễn, sân khấu kịch Gia Định – Công ty Sài Gòn Phẳng – đơn vị chủ quản của sân khấu Thế Giới Trẻ bắt đầu gặt hái thành công. Do Trần Đại là Việt kiều và ban đầu không có quan hệ nhiều với giới nghệ sĩ, nên người trực tiếp vận hành bộ máy chính là Tracy. Thậm chí, chị là người tư vấn cho anh nên mời ai hợp tác, xây dựng phong cách sân khấu ra sao. Hiện tại Công ty Sài Gòn Phẳng còn mở rộng phạm vi, tham gia làm phim truyền hình. Những bộ phim hài vui nhộn này dù đang làm hậu kỳ nhưng đã được các kênh truyền hình lớn chào đón.

Một nhân vật thành công trong cả hai vai trò diễn viên và bà bầu là NSƯT Mỹ Uyên. Suốt một thời gian dài, dù chỉ giữ vai trò Phó giám đốc Nhà hát 5B Võ Văn Tần nhưng chị vừa là người đầu tư vở, quan hệ đối ngoại lẫn kêu gọi các nghệ sĩ trẻ hợp tác. Là bà bầu của một sân khấu nhà nước thiếu nguồn vốn nhưng Mỹ Uyên vẫn linh động lèo lái cho sân khấu sáng đèn.

Thử thách

Sự xuất hiện của NSƯT Trịnh Kim Chi trong vai trò bà bầu một lần nữa khẳng định vị thế của nữ giới trong lĩnh vực sân khấu. Trước khi vở diễn tốt nghiệp của khóa 1 lò KC của chị công diễn, không ít người nghĩ rằng KC chỉ là một sân chơi bán chuyên nghiệp. Nhưng sau khi các diễn viên trẻ diễn vở Đường trần (tác giả và đạo diễn Hữu Tiến), nhiều người thừa nhận rằng chất lượng diễn viên và nội dung vở diễn không thua kém các sân khấu khác.

Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, trong thời gian vừa qua chị tìm một địa điểm quy mô lớn hơn để mở rộng phạm vi sân khấu. Trong tương lai sân khấu KC sẽ là một địa chỉ lớn chứ không còn là một sân chơi nhỏ nữa.

Nếu tính luôn bà bầu Nguyễn Thiên Kim của sân khấu kịch Cafe Bệt thì phụ nữ giữ vai trò cầm trịch sân khấu Sài Gòn tỏ ra lấn lướt nam giới. Điều đáng nói là các “nữ tướng” này đang điều hành đơn vị của mình trong giai đoạn sân khấu kịch đang rơi vào cảnh khó khăn nghiêm trọng. Nhiều suất diễn chỉ bán được hơn 80 vé, sân khấu chấp nhận lỗ trả vé cho khán giả, nhưng họ vẫn không nhụt chí. Đến hẹn lại lên các sân khấu lần lượt giới thiệu vở mới. Trong nhiều trường hợp, các bà bầu phải móc tiền túi của mình để duy trì hoạt động của sân khấu nhưng họ vẫn say mê. Nhờ sự kiên trì này mà sân khấu Sài Gòn vẫn tiếp tục sáng đèn với nhiều sắc thái đa dạng và phong phú.

Theo nhiều người trong nghề, khi ai đó đã trót mang kiếp làm ông bầu hay bà bầu thì có một điều gì đó tạm gọi là “nghiệp” níu chặt họ với nghề. Những người trong cuộc hiểu rõ điều đó. Bà bầu Tracy Thúy Nguyễn nói: “Chúng tôi yêu nghệ thuật nói chung, và yêu sân khấu nói riêng. Chúng tôi nhận ra một vở kịch hay và đẹp không chỉ mang đến cho người xem niềm vui mà còn giúp họ rút ra một ý nghĩa nào đó. Như thế kịch nghệ tạo ra nhiều giá trị nhân văn rất đáng trân trọng, đó chính là lý do khiến chúng tôi dấn thân, gắn bó với nghề”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối