Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Nuôi gấu con bị phạt 1 năm tù, rao bán động vật hoang dã trên mạng phạt hàng trăm triệu đồng

(SGTT) – Các cơ quan thực thi luật pháp đã và đang siết chặt việc mua bán, nuôi nhốt trái phép hay rao bán động vật hoang dã trên mạng xã hội, bằng chứng là chỉ nuôi 1 con gấu con, 2 đối tượng bị phạt tù giam hay rao bán động vật hoang dã trên Facebook bị phạt tới hơn 150 triệu đồng.

Ngày 24-11, Tòa án Nhân dân huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu tuyên phạt 2 đối tượng mức án 2 năm tù về hành vi nuôi nhốt trái phép 1 cá thể gấu chó.

Hai đối tượng là Thào A Tủa (sinh năm 1979) và Lò Thị Mỷ (sinh năm 1965), cùng trú tại thôn Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn đã bị tuyên phạt mỗi đối tượng 1 năm tù về hành vi nuôi nhốt trái phép 1 cá thể gấu chó (tên khoa học Helarctos malayanus). Trước đó, ngày 14-7-2021, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã tiến hành khám xét nhà của đối tượng trong chuyên án triệt phá tụ điểm, buôn bán trái phép chất ma túy và đồng thời phát hiện các đối tượng nuôi nhốt trái phép 1 cá thể gấu.

Cá thể gấu con bị tịch thu tại Lai Châu (Ảnh: Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật)

Cá thể gấu trên khi bị tịch thu chỉ nặng 5kg và đã được chuyển tới Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên – Vườn Quốc gia Hoàng Liên ngay sau đó.

Gấu chó là loài động vật hoang dã thuộc lớp thú nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP – cấp độ bảo vệ cao nhất theo quy định pháp luật của Việt Nam. Hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn dấu hiệu định tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, định khung tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 1-5 năm tù.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển gấu con còn sống trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhiều khả năng các cá thể gấu này sẽ được buôn bán cho các cơ sở nuôi nhốt. Dù hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật của Việt Nam đang dần đi đến hồi kết nhưng hoạt động này chỉ có thể kết thúc hoàn toàn khi không có gấu mới phát sinh tại các trang trại dưới bất cứ hình thức nào và các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt được chuyển giao đến trung tâm cứu hộ.

Trước đó, ngày 15-11, UBND tỉnh Kon Tum quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai đối tượng tổng số tiền hơn 157 triệu đồng về hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) cùng các sản phẩm từ ĐVHD trên mạng xã hội.

Hàng loạt các bài viết hình ảnh quảng cáo rao bán móng gấu, da hổ, rượu ngâm gấu, mật gấu xuất hiện trên trang cá nhân của các đối tượng.

Cụ thể, đối tượng Võ Tá Hưng (sinh năm 1984, trú tại thôn Tân Lập A, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) và đối tượng Lê Hồng Thời (sinh năm 1996, trú tại Thi Sách, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã bị UBND tỉnh Kon Tum xử phạt lần lượt là 86.250.000 đồng và 71.000.000 đồng, đồng thời phải gỡ bỏ tất cả bài viết vi phạm trên các tài khoản mạng xã hội.

Từ năm 2019, hai đối tượng này đã thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo để quảng cáo, rao bán các loài ĐVHD như kỳ đà, khỉ, chim săn mồi và sản phẩm từ hổ, gấu, voi…

Theo quy định hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép ĐVHD hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của ĐVHD đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Đặc biệt, hành vi quảng cáo bán trái phép cá thể hay sản phẩm của các loài động vật hoang dã được coi là hàng cấm như hổ, gấu, voi, tê giác, tê tê… dù là trên Internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Hồng Văn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối