Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Ồ ạt mở rộng ao nuôi cá: Rủi ro!

Trung Chánh -

Thời gian gần đây, giá cá tra giống ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng, giúp những người nuôi cá đạt lợi nhuận cao. Điều cũng chính là lý do khiến không ít nông dân đẩy mạnh đào ao nuôi kiếm lời, bất chấp những rủi ro đang chực chờ.

“Siêu lợi nhuận” từ cá tra giống

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết cá tra giống trọng lượng 40-45 con/kg hiện có giá bán lên đến 70.000 đồng/kg, tăng 52.000-53.000 đồng/kg so với mức giá được xác lập vào thời điểm đầu năm 2017.

Theo ông Hải, với giá bán như hiện nay, hầu như tất cả những người ương cá tra giống đều không quan tâm đến chi phí đầu tư sản xuất. “Lúc này người ta không quan tâm chi phí đầu tư đâu. Thông thường giá thành sản xuất 1 ký cá giống tương đương 1 ký thức ăn, tức vào khoảng 20.000 đồng/kg”, ông Hải cho biết.

Cụ thể, theo tính toán của ông Hai, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, mỗi ký cá giống nông dân bán ra đạt lợi nhuận khoảng 150-200%. Nghĩa là, nếu bỏ ra 20.000 đồng vốn đầu tư mà bán được 40.000 đồng/kg thì lời 20.000 đồng, tức lời 100%. Hiện nay, nông dân bỏ ra 20.000 đồng/kg vốn đầu tư, nhưng bán được 70.000 đồng/kg, tức lợi nhuận đạt 50.000 đồng/kg, tương đương mức lời 250%.

Giá cá tra giống liên tục tăng giúp những người nuôi cá đạt lợi nhuận cao. Ảnh: Trung Chánh

Do quá trình ương nuôi có xảy ra hao hụt con giống nên sau khi khấu hao, lợi nhuận phổ biến hiện nay là khoảng 150-200%. Theo ông Hải, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, ương cá tra giống hiện đang là nghề cho “siêu lợi nhuận”.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Mai Văn On, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết, mức lợi nhuận nông dân ương cá tra giống ở địa phương đạt được phổ biến trong khoảng 200-250 triệu đồng/1.000 m2 diện tích nuôi.

Khi được hỏi vì sao giá cá tra giống tăng đột biến, giúp nông dân lãi nhiều như vậy, ông Hải cho rằng do mưa bão kéo dài dẫn đến ương cá giống bị hao hụt nhiền, nguồn cung hạn chế nên đẩy giá cá lên cao. “Mà khi giá cá tra giống tăng cao, thì nông dân phải lời nhiều thôi”, ông nói.

Diện tích tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro

Ông On của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, địa phương đang rộ phong trào đào ao ương cá tra giống, cho biết từ chỗ không sản xuất cá tra giống, trong khoảng một năm trở lại đây, diện tích ao nuôi cá tra đã tăng lên 47 ha, rồi lên 60 ha vào thời điểm cách nay khoảng hai tháng. Trong đó, xã Tân Hòa là nơi tập trung diện tích lớn nhất, chiếm khoảng 31-32 ha. “Còn hiện nay, khả năng diện tích đã vượt qua con số đó rồi”, ông On nói.

Ông Hải của Hợp tác xã cá tra Thới An cho biết, tại địa phương (Cần Thơ) không xảy ra hiện tượng nông dân ồ ạt đào ao ương cá giống. Thế nhưng, với diện tích nuôi những loại thủy sản khác hiện cũng đang tập trung chuyển sang ương cá tra giống. “Ở đây không có tình trạng đào ao mới, nhưng các ao cũ không nuôi hoặc nuôi thủy sản khác chuyển sang ương cá tra giống lại xuất hiện rất nhiều”, ông cho biết.

Điều đáng nói, theo ông On, việc nông dân huyện Tân Thạnh đẩy mạnh đào ao ương cá giống là hoàn toàn tự phát. “Những hộ này thấy giá cao nên tự nuôi, tự tiêu thụ kiếm lời, chứ cũng không có hợp đồng với doanh nghiệp nào hết”, ông cho biết. Việc nông dân đào ao ương cá tra giống thì ngành nông nghiệp không cấm, nhưng điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, theo ông On.

Ông Hải khuyến cáo, nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích, bởi khả năng qua Tết âm lịch, tức khoảng hai tháng nữa, thời tiết nắng ấm, việc ương cá tra giống sẽ thuận lợi hơn, lúc đó nguồn cung sẽ tăng lên. “Nếu nuôi đạt, nguồn cung tăng lên, giá có thể sẽ giảm thê thảm như hồi đầu năm 2017”, ông cảnh báo và cho biết câu chuyện này đã trở thành điệp khúc nhiều năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối