Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Ông lão 80 tuổi với 30 năm bán đồ chơi dân gian trên lề đường

(SGTT) - Khi thành phố không còn siết chặt cách ly xã hội, các hàng quán dần trở về trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Kim Hạnh đã ngay lập tức chuẩn bị các món đồ chơi dân gian để bày bán lại từ rằm tháng Chạp.

“Còn cử động, tôi sẽ còn bán”

Đã gần 80 tuổi, lại mang di chứng của căn bệnh teo cơ khi còn trẻ, nhưng ông Hạnh hàng ngày vẫn tự tay làm những món đồ chơi dân gian để bày bán. Nghề này đã gắn bó với ông được 30 năm, thế nhưng đã gần một năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không ai còn thấy bóng dáng ông cụ đâu nữa.

Mới đây, trong một buổi dạo quanh Nhà văn hóa Thanh niên, tôi có dịp gặp ông Hạnh. Trò chuyện với tôi, ông kể rằng, rằm tháng Chạp vừa rồi, ông đã bắt xe ôm để trốn người nhà đi bán. Sau khi ra tới điểm bán, bày biện hàng hóa xong xuôi, bán đồ cho vài người khách, ông mới gọi về vì sợ người nhà lo lắng.

“Lúc trước tôi có chiếc xe đạp điện, từ nhà đến đây khoảng 5 cây, tôi tự đi, tự về. Nhưng con cái thấy tôi lớn tuổi, không muốn cho tôi đi bán nữa nên bán xe đạp đi rồi. Sau khi trốn đi lần đó, người nhà cũng trách, nhưng họ hiểu cho nỗi lòng của tôi. Bây giờ thì khỏe hơn nhiều rồi, mỗi lần đi bán là con trai tôi sẽ đưa đón”.

Ông Hạnh bán đồ chơi dân gian tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Vừa ngắm nhìn những món đồ chơi, vừa vuốt ve chúng, ông Hạnh tâm sự: “Cực chẳng đã mùa dịch, không được tập trung đông người tôi mới nghỉ, chứ ở nhà bứt rứt lắm. Quay ra quay vô nhìn đống đồ chơi mà tôi cứ xót hết cả ruột. Tôi nghĩ bụng, chỉ khi nhắm mắt, tôi mới ngừng công việc này, chứ còn cử động được, là tôi còn đi bán”.

Những món đồ chơi dân gian của ông Hạnh có giá từ 20.000 đến 50.000 đồng, gồm có chuột, chim, rùa, rắn, bươm bướm… tất cả đều do chính bàn tay co quắp của ông làm ra.

Những món đồ chơi đều là do ông Hạnh tự nghĩ ra và thiết kế.

“Lúc trước mới làm, tôi chỉ làm đồ chơi bằng giấy thôi, nhưng thấy để không được lâu, dễ bị méo mó, nên tôi quyết định thay giấy bằng cao su, bánh xe bên dưới tôi đúc bằng xi măng cho cứng cáp, nhiều khi cả chục năm sau cũng chẳng hư”, ông Hạnh vui vẻ trò chuyện.

Tuy chịu di chứng của bệnh teo cơ từ hồi 25 tuổi, nhưng hằng ngày, ông Hạnh vẫn làm những món đồ chơi dân gian từ ban tay co quắp của mình.

Hằng ngày ông bán từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, ông thường xuyên có mặt tại những địa điểm như nhà thờ Đức Bà, bưu điện Thành phố, Nhà văn hóa Thanh niên, hồ Con Rùa, Thảo Cầm Viên, phố đi bộ Nguyễn Huệ…

Khách quen vẫn hay gọi ông là Mr.Mouse, hay ông Sáu Hạnh. Ông kể rằng người ta gọi ông là Mr.Mouse vì thời gian đầu vắng khách, nên ông mang một con chuột đồ chơi ra cho nó chạy. Tình cờ, con chuột đâm vào chân của một người đi bộ, họ la lên, sau đó nhiều người mới chú ý đến đồ chơi của ông. Ông Hạnh có thể giao tiếp bằng ba thứ tiếng là Anh, Pháp, Việt.

Lo lắng trò chơi dân gian sẽ biến mất

Những người buôn bán xung quanh đều biết đến ông. Bà Dương Thị Huyền bán vé số tại khu vực Nhà thờ Đức Bà chia sẻ: “Tôi biết ông Hạnh nhiều năm rồi, đợt rồi không thấy ông đi bán, tôi cứ lo ông gặp chuyện không may. Nhiều khách quen người ta cũng hay lui tới hỏi ông, nhưng không có nên người ta đi về”.

Ông Hạnh luôn niềm nở, chính nụ cười của ông đã làm cho khách hàng và những người xung quanh đều yêu mến, quý trọng ông. “Đâu phải mình chỉ bán đồ chơi, mình còn bán cả niềm vui cho họ nữa”, ông Hạnh cười trò chuyện.

Nụ cười giúp ông được những người xung quanh kính trọng, khách hàng yêu quý.

Tuy nhiên, nụ cười đó cũng không giấu nổi những tâm sự của ông. Ông vẫn luôn buồn phiền vì nghề của mình không ai tiếp nối, hơn nữa, xã hội đang ngày một công nghệ hóa, các trò chơi điện tử đang dần thay thế các trò chơi dân gian, nỗi lo ấy lại càng khiến ông suy tư, trằn trọc mỗi đêm.

“Tôi không sợ người ta quên đi tôi, tôi chỉ lo họ sẽ không nhớ đến những trò chơi dân gian, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, nên thay vì bán tại nhà, tôi sẽ ra những khu vui chơi, nhiều người lui tới, để nhiều người biết đến những món đồ chơi dân gian này”.

Trước đó, cũng có một vài người đến học nghề, ông không những không lấy tiền, mà còn đầu tư nguyên vật liệu, nhiệt tình chỉ dẫn cho họ. Tuy nhiên một thời gian họ cũng bỏ, không theo nữa. Hiện tại, ông Hạnh vẫn đang tìm kiếm cho mình một người để truyền nghề, một người đủ đam mê, kiên nhẫn để lưu giữ những nét văn hóa dân gian của dân tộc, việc mà ông Hạnh vẫn đang làm suốt mấy mươi năm nay.

Phùng My

 

Nhiều người quan tâm