Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Ông lão đưa hát trống quân vào trường học

Hải Dương-

Ông lão 84 tuổi Nguyễn Hữu Bổn ở vùng quê nhãn lồng Hưng Yên vẫn ngày ngày say sưa với điệu hát trống quân. Hơn 30 năm lặn lội sưu tầm những câu hát cổ bị thất truyền, giờ đây ông đang quyết tâm đưa nó vào dạy trong tiết âm nhạc ở trường học.

Câu hát giao duyên, câu hát quê mình!

Cho dù em đẹp hơn sao/ Để anh lận đận đi vào thương yêu/ Mẹ em thách cưới cho nhiều/ Thử xem anh nghèo có cưới được không/ Nghèo thời bán núi bán sông/ Lấy tiền mà cưới quyết không chịu về…

Lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn trong trang phục khăn xếp, áo the cùng người vợ trẻ hơn mình 20 tuổi cất lên câu hát giao duyên giữa vùng quê Dạ Trạch, nằm bên sông Hồng hiền hòa. Nghe tiếng hát khỏe khoắn, nhìn nét mặt biểu cảm của lão nghệ nhân, chẳng ai nghĩ năm nay ông đã 84 tuổi. Xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu – vùng đất của nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp và chàng Chử Đồng Tử trong truyền thuyết “Tứ bất tử” của người Việt có một làn điệu hát trống quân đặc sắc mà không lẫn vào đâu.

Truyền thuyết kể rằng: “Công chúa Tiên Dung thời vua Hùng thứ 18 khi du ngoạn trên sông Hồng, đã gặp chàng trai nghèo Chử Đồng Tử ở Dạ Trạch. Mối tình được ươm mầm trên mảnh đất này, Tiên Dung đã ở lại dạy dân bản địa ươm tơ, dệt vải và những làn điệu trống quân”.

Từ ngàn xưa, làn điệu trống quân là những câu hát giao duyên được đệm nhạc bằng chiếc trống thùng rất độc đáo. Đến hôm nay, lão nghệ nhân Hữu Bổn còn sáng tạo ra một chiếc trống thùng lạ mắt. Trống được làm bằng những thanh gỗ, đóng thành hình như chiếc thùng đựng nước. Trống được úp lên một tấm gỗ dài. Rồi sau đó dùng một đoạn dây mây khô căng từ đầu đến cuối tấm gỗ, dây chạy vòng lên một chiếc ngạc đặt trên mặt trống.

Theo ông Bổn, trống thùng dùng trong hát trống quân phải dùng dây mây mới tốt. Dây mây có độ bền cao, lại dẻo dai và khi đánh vào có âm thanh vang vọng. Chiếc trống này đã cùng ông Bổn đi diễn khắp nơi như Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên…

Theo truyền thống xưa, người hát trống quân cũng phải được tuyển chọn kỹ càng. Đó là những chàng trai, cô gái có gương mặt xinh tươi, duyên dáng và biết cách thể hiện cảm xúc khi biểu diễn. Bên cạnh đó người biểu diễn cũng phải mặc những bộ trang phục thướt tha khá giống với liền anh, liền chị quan họ. Trong khi hát trống quân, các nhạc công cầm dùi nhưng không gõ vào mặt trống mà gõ lên sợi dây mây. Cách chơi nhạc khác biệt ấy tạo ra những âm thanh thánh thót, cuốn hút.

Khi biểu diễn làn điệu trống quân, người hát phải hát tròn vành, rõ chữ chứ không để tiếng nhạc lấn át. Khi những lời hát được vang lên trong một canh hát trống quân cùng với tiếng trống, tiếng đàn, sáo sẽ làm lòng người say đắm. Đến đoạn cao trao của canh hát, nam nữ diễn viên có thể đứng dậy nhìn ngắm nhau, tình tứ biểu diễn. Câu hát trống quân thường được gieo vần, gieo chữ theo lối 6-8 của ca dao (câu trên 6 câu dưới 8). Vì hát trống quân được hình thành lâu đời trong dân gian, nên nó đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng đất Dạ Trạch, Khoái Châu.

 Ảnh-7Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn dạy hát trống quân trong trường tiểu học.

Dạy hát trống quân trong trường học

Sau gần 30 năm lặn lội sưu tầm, đến nay lão nghệ nhân Hữu Bổn đã có trong tay gần 3.000 câu hát giao duyên của làn điệu trống quân cổ. Từ năm 1945 đến đầu những năm 1980, trống quân đã biến mất khỏi vùng đất Dạ Trạch do chiến tranh, loạn lạc. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, sưu tầm, đến năm 1995, Câu lạc bộ (CLB) hát trống quân Dạ Trạch đã được phục hồi. Người đứng đầu không ai khác chính là ông Bổn.

Sau khoảng 20 năm tính từ lúc ra đời, những thành viên của CLB dần dần đứng tuổi và không còn đi hát nữa. Vậy là, hát trống quân một lần nữa đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Sức vẫn còn một chút, trái tim thì luôn thổn thức, có được niềm đam mê thì tuổi tác đã không còn là trở ngại. Vậy là, ông Bổn lại bắt đầu hành trình mới, đưa trống quân vào nhà trường. Ông đã liên hệ với hai trường tiểu học và trung học cơ sở ở xã Dạ Trạch, mong được đưa hát trống quân vào dạy ở các tiết âm nhạc.

Các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường đều ủng hộ ông Bổn. Có được sự hưởng ứng và niềm yêu thích của những người trẻ với làn điệu quê hương, ông cảm thấy mình như trẻ lại khi đã ngoài 80 tuổi. Từ hai ngôi trường ở xã mình, cho đến nay ông đã mở rộng việc dạy hát trống quân ra hơn 20 trường học ở tỉnh Hưng Yên. Thậm chí có những trường, lớp ở tỉnh khác hay những trường chuyên biệt về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thích học hát trống quân, ông Bổn cũng chẳng từ gian khó mà đến dạy. Hiện nay, riêng ở Hưng Yên, lớp nghệ nhân nhí của ông Bổn đã có hơn 200 em độ tuổi 7-15, trong tương lai sẽ còn nhiều hơn.

Không thể dạy những em học sinh các điệu hát giao duyên tình tứ, ông Bổn đã tự biên ra 9 canh hát trống quân hiện đại. Những ca từ ở các canh hát ông sáng tác trong sáng, ca ngợi quê hương, đất nước, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi học trò. Đó là những canh hát như “Hát về Hưng Yên”, “Họa hoa, họa quả”, “Hát chào”, “Đố Kiều”…

Trong canh “Hát về Hưng Yên” có đoạn: Hưng Yên nay đã về đây/ Lời thơ lại được đong đầy như xưa/ Ngọt ngào tiếng mẹ hời ru/ Cánh cò bay lả sớm trưa rập rờn/ Nhãn lồng rợp bóng đường làng/ Từng đoàn trai gái ngỡ ngàng đón xuân…

Một canh hát gồm 200-300 câu, cộng với cách đánh trống theo nhịp phách, điệu bộ, nét mặt… nên trong một năm học mà dạy được các em hát và biểu diễn tốt một canh đã là thành công. Không chỉ vậy, ông Bổn còn đang truyền dạy cho thầy, cô giáo và thanh niên, nam nữ ở Dạ Trạch hát, biểu diễn được 3 canh trống quân cổ theo lối hát giao duyên.

Ngoài giờ lên lớp, với những em học sinh yêu thích văn nghệ đều được ông Bổn dạy hát nâng cao ngay tại nhà hoàn toàn miễn phí. Nhiều em đã được trường, xã, huyện cử đi biểu diễn ở các liên hoan văn hóa, văn nghệ dân gian cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Có được niềm vui nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn vẫn không khỏi âu lo. Tuổi đã già, chẳng còn sống được bao lâu nữa trong khi kho tư liệu đồ sộ về hát trống quân mới chỉ được truyền lại chút ít. Nếu niềm đam mê và kho tư liệu ấy phải theo ông sang thế giới bên kia thì quả là đáng tiếc.

Ảnh-3Chiếc trống thùng độc đáo của nghệ nhân Bổn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối