Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

“Online hóa” mua sắm khu vực nông thôn

Chí Thịnh -

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp trong nước nên hướng tới thị trường mục tiêu là khu vực nông thôn, tăng nhanh số lượt mua sắm trực tuyến ở các tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội và TPHCM. Hiện tại, mức độ mua sắm trực tuyến ở nhiều tỉnh, thành còn thấp.

Lên mạng nhiều giờ

thuong-mai-dien-tuViệt Nam đang có ưu thế về số lượng người tiêu dùng thường xuyên kết nối Internet, đây là điều kiện tốt để phát triển mua sắm trực tuyến.

Theo nhận định của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam mỗi năm khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm. Quy mô thị trường TMĐT vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô dân số hơn 90 triệu dân. Nielsen đánh giá thị trường TMĐT Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử (Vietnam Online Business Forum, VOBF) 2017 tổ chức ở TPHCM, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Niselsen Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang có ưu thế về số lượng người tiêu dùng thường xuyên kết nối Internet, đây là điều kiện tốt để phát triển mua sắm trực tuyến. Theo kết quả khảo sát của Niselsen Việt Nam, trong năm 2016, số giờ sử dụng Internet của người Việt lên tới 24,7 giờ/tuần (trong năm 2013 là 13 giờ/tuần), chỉ thấp hơn Singapore.

Đồng thời, làn sóng đô thị hóa ở các khu vực nông thôn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mua sắm trực tuyến. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, các tỉnh, thành khác đang có sức mua tăng mạnh ở các nhóm mặt hàng tiêu dùng nhanh sẽ nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức mua sắm trực tuyến khi số người dùng Internet tại khu vực này tăng lên.

Theo Nielsen Việt Nam, Hà Nội và TPHCM hiện tại vẫn là hai thành phố có số lượt mua sắm trực tuyến cao hơn so với các tỉnh, thành còn lại; lần lượt chiếm tỷ lệ 35% và 37%. Tuy nhiên, xét về sức mua nhóm mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thì các tỉnh, thành khác đang chiếm tới 71%; còn Hà Nội và TPHCM lần lượt chỉ ở mức 9% và 20%.

Ngoài ra, còn phải kể đến việc xuất hiện xu hướng kết nối, góp phần dẫn dắt thương mại điện tử trong nước tăng trưởng trong tương lai. Những người tiêu dùng trẻ tuổi, thường xuyên kết nối Internet sẽ trở thành khách hàng tiềm năng trong mua sắm trực tuyến. Việt Nam có được điều này là do thị trường trong nước đang tăng nhanh số lượng người sử dụng smartphone trong mấy năm qua.

Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành sàn TMĐT Lazada Việt Nam, cho biết số lượt giao dịch trực tuyến trên Lazada tăng gấp 2-3 lần mỗi năm nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM, còn các tỉnh, thành khác do người tiêu dùng chưa có thói quen mua sắm qua mạng, kết nối Internet chưa nhiều… nên số lượt mua sắm trên Lazada còn thấp.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT) thuộc Bộ Công Thương cho biết, theo kế hoạch phát triển TMĐT trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của ngành TMĐT trong nước sẽ đạt khoảng 20%/năm; dự kiến sẽ đạt doanh thu 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Tuy nhiên, ở điều kiện thực tế TMĐT sẽ phát triển nhanh hơn, trong năm 2017 dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%.

[box] Tại diễn đàn VOBF 2017, Nielsen Việt Nam cho biết Việt Nam hiện nay có dân số 91 triệu người, 45% dân số đã tiếp cận Internet; mức độ tiếp cận, sử dụng Internet ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM cao hơn nhiều so với chỉ số trung bình. Trong đó, có 28% người sử dụng Internet đã tiếp cận thương mại điện tử và trung bình mỗi người Việt Nam chi tiêu 160 đô la Mỹ/năm cho mua sắm trực tuyến.[/box]

Chưa tin tưởng vào mua sắm trực tuyến

Khi mua hàng online, người tiêu dùng thường chọn hình thức lấy hàng trước-trả tiền sau (COD, Cash-On-Delivery). Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, một trong những nguyên nhân là nhiều người còn chưa tin tưởng vào mua sắm trực tuyến.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thì phần lớn chi tiêu này thuộc về các trang web TMĐT lớn nước ngoài; một số người tiêu dùng trong nước đang bỏ tiền đặt mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến ở các trang web nước ngoài nhiều hơn.

Một số chuyên gia trong ngành TMĐT cho rằng, do các trang web bán hàng trực tuyến ở nước ngoài được tin cậy về uy tín thương hiệu, chăm sóc khách hàng tốt hơn, nên người tiêu dùng Việt Nam thích mua sắm trực tuyến từ các trang web phổ biến như Amazon, Ebay, BestBuy…, hoặc đặt phòng khách sạn, resort từ các dịch vụ đặt phòng trực tuyến như Agoda hoặc booking.com.

Đồng thời, tính chuyên nghiệp trong các hoạt động chuyển phát, đổi trả hàng hóa của doanh nghiệp TMĐT trong nước cần phải được tiếp tục hoàn thiện. Trong một số trường hợp cần phải bồi thường thỏa đáng cho người tiêu dùng nếu như giao hàng không đúng hẹn hoặc đổi trả hàng hóa kịp thời theo yêu cầu của khách hàng.

Bà Quỳnh cho rằng, do thị trường TMĐT ở Việt Nam mới phát triển nên chưa đạt tới mức độ chuyên nghiệp như các trang TMĐT ở nước ngoài. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp nên tăng cường trách nhiệm với khách hàng, tập cho người tiêu dùng quen dần với việc mua sắm trực tuyến.

Còn ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử thuộc Cục TMĐT&CNTT, cho biết cục thường xuyên phối hợp giải quyết các tranh chấp, khiếu nại mỗi khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến gặp sự cố. Quy định xử lý các sai phạm trong giao dịch, mua sắm trực tuyến có đầy đủ nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh TMĐT chưa tuân thủ, dẫn tới tình trạng giao hàng không đúng hẹn, giao sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Mức tăng trưởng của ngành TMĐT trong nước được đánh giá cao, khu vực nông thôn sẽ là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp kinh doanh TMĐT. Nhưng, nếu muốn người tiêu dùng thường xuyên lên mạng mua sắm hàng hóa, các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cần phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động giao nhận, chăm sóc khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối