Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Payoo: tỷ trọng thanh toán qua QR Code ngày càng tăng, doanh số F&B tăng ấn tượng trong quí 3-2023

Theo dữ liệu của nền tảng thanh toán Payoo, trong quí 3-2023, QR code tiếp tục trở thành xu hướng thanh toán phổ biến nhất và tỷ trọng thanh toán qua hình thức này ngày càng tăng. Bên cạnh đó, du lịch và ngành F&B cũng ghi nhận mức thanh toán tăng so cùng kỳ năm trước.
Thanh toán bằng mã QR. Ảnh: Payoo

QR Code tiếp tục dẫn đầu xu thế

Theo Napas, quí 3 vừa qua, thanh toán QR qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng. Trên hệ thống Payoo, thanh toán QR code trên nền tảng trực tuyến trong quí 3 đang tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quí trước. Tại quầy, thanh toán QR code tăng 8% về số lượng và gần 20% về giá trị, đạt mức tăng 44% so với 3 tháng đầu năm.

Tỷ trọng giá trị thanh toán QR code so với hình thức thanh toán khác là khoảng 20% với giao dịch tại quầy và gần 40% với giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, tỷ trọng này dần có sự tăng trưởng đều ở mỗi quí. Qua ghi nhận, các dịch vụ hóa đơn (điện, nước, internet, học phí, viện phí) cũng đang được các đơn vị phối hợp để triển khai thanh toán qua QR code. Thế nên, số lượng giao dịch QR code mảng hóa đơn đã tăng 2,6 lần so với quí 2.

Trong tương quan giữa thanh toán thẻ và QR, thẻ chiếm ưu thế ban đầu với 140 triệu thẻ đang lưu hành trên thị trường (103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế), nhưng QR code đã nhanh chóng vươn lên trở thành phương thức phổ biến thời gian gần đây.

Để có được những mức tăng trưởng ấn tượng cho QR code, vai trò người dân và Nhà nước cũng rất quan trọng. Ví dụ, thanh toán QR không chỉ được người trẻ am hiểu công nghệ đón nhận mà còn thân thiện với cả những người lớn, trung niên. Trong một số lĩnh vực như taxi truyền thống – phổ biến với người dùng trung niên, tỷ trọng giao dịch thanh toán qua mã QR cũng ghi nhận mức tăng trưởng từ 10% lên 40%.

Về phía Nhà nước, nhiều chính quyền địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bến Tre, Bình Phước… đã quy hoạch những tuyến phố không dùng tiền mặt. Các cơ quan đoàn thể như Tổng công ty Điện lực, Các đơn vị cấp nước, Sở Giáo dục và Đào Tạo… cũng khuyến khích thanh toán không tiền mặt.

Tuy vậy, nhiều đơn vị thanh toán điện tử cho rằng để thị trường này có sự đa dạng, hỗ trợ lẫn nhau thì cần thêm nữa sự điều phối từ Nhà nước và các cơ quan chức năng. Từ đó, người dân có quyền lựa chọn thanh toán phù hợp cho nhu cầu thay vì như hiện nay phụ thuộc nhà bán hàng.

Du lịch và ngành F&B cùng "bắt tay" tăng trưởng

Về du lịch, Việt Nam vừa trải qua những tháng hè cao điểm của mùa, các giao dịch mua vé máy bay, tour du lịch tại quầy tăng nhẹ so với quí trước và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi du lịch giữ đà tăng ổn định, thanh toán cho ngành F&B tại quầy bứt phá ấn tượng so với cùng kỳ năm trước: tăng 58% về số lượng và 35% về giá trị. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng của nhóm các nhà hàng cao cấp. Giá trị đơn hàng trung bình của các nhà hàng dành cho người có thu nhập khá giả này tăng 7% so với quí trước, trong khi giá trị trung bình của các đơn hàng thức uống, thức ăn nhanh hầu như không thay đổi.

Ngoài những lĩnh vực trên có mức tăng trưởng khả quan, dữ liệu của nền tảng thanh toán Payoo còn chỉ ra lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tăng (trong quí 3, lượng giao dịch ở nhóm các sản phẩm wellness, dược phẩm, thực phẩm chức năng tăng 42% so với quí trước trên kênh online, và tăng 20% trên kênh POS tại quầy). Hay như thanh toán không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng, qua thống kê trên nền tảng Payoo ghi nhận, quí 3 vừa qua, giao dịch thanh toán contactless (không tiếp xúc) đã tăng 8% số lượng và 18% giá trị so với quí 2, tăng 35% số lượng và giá trị so với quí 1 và dự kiến còn tăng mạnh nữa vào cao điểm mua sắm cuối năm.

P.V

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối