(SGTTO) - Phá lấu của người Tiều được nấu bằng tất cả các bộ phận của heo hay gà, từ thịt đến lòng, mề, trứng gà... Màu sắc và hương vị của món ăn cũng hơi khác hình ảnh thường gặp. Phần thịt và nước dùng đều không có màu nâu cánh gián hay độ sệt đặc trưng. Điều này, khiến những thực khách lần đầu đến có thể bị "sốc".
Trong quan niệm của hầu hết thực khách Việt, phá lấu là một món ăn do người Việt sáng tạo, song, trong từ điển tiếng Việt, bạn sẽ không tìm thấy từ "phá lấu", nhưng trong tiếng Tiều - phá lấu là chỉ cách dùng hoặc ướp các gia vị mạnh để khắc chế đặc trưng về mùi của nguyên liệu.
Phá lấu do người Tiều tìm ra cho mục đích lưu trữ đồ ăn. Ngày xưa, khi công nghệ chưa phát triển, không có tủ lạnh hay các thiết bị làm lạnh. Sau các bữa tiệc hay những lúc nhà có đám tiệc, nguyên liệu nấu ăn đều dư khá nhiều. Để tránh lãng phí lương thực, người Tiều ướp những phần còn lại của heo hay gà với các loại gia vị có độ cay mạnh, nấu chín.
Nồi phá lấu sẽ được đặt trong bếp, khi ăn hâm nóng lại ăn và khi nào nồi cạn nước lại châm thêm. Nhờ cách nấu này mà dần dần hình thành nên đặc trưng của món ăn là độ mềm của "phần xác"; độ sệt cùng màu nâu cánh gián của nước dùng.
Khi du nhập vào Việt Nam, món ăn này nhận được sự yêu thích của người Việt, nhất là khu vực phía Nam. Tuy nhiên, nếu ở nguyên bản, phá lấu được nấu từ mọi bộ phận của heo hay gà, thì trong phiên bản Việt, món ăn này được chế biến từ nội tạng heo hay bò, thêm cốt dừa và có độ sệt. Biến tấu ấy ngày càng lan rộng trên đường phố Sài Gòn và nhiều thế hệ thực khách. Song, nếu thích, bạn có thể thử đến xe phá lấu Tiều trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, khúc gần ngã tư Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm) để tìm vị nguyên bản.
Phá lấu Tiều tại đây được bán theo hai cách, một là cắt phá lấu vừa ăn, cho vào giữa bánh mì, ăn cùng rau thơm và dưa chua. Hai là, khách mua theo ký, mang về nhà ăn. Mỗi phương án có ưu điểm khác nhau tùy khẩu vị, sở thích. Riêng tôi, tôi thích gọi một ổ bánh mì phá lấu, ngắm người bán chọn mỗi thứ một ít, cắt nhỏ, cho vào ổ, nhấn nhá thêm rau thơm, dưa góp. Chưa tới hai phút, ổ bánh mì phá lấu nhân ăm ắp đã sẵn sàng để thưởng thức.
Bánh mì luôn được giữ ấm bằng than, phá lấu dai mềm đậm đà, rau ăn kèm thanh thanh - một bữa ăn vừa đủ cho bữa lỡ. Tuy khá nhỏ, nhưng người bán rất chiều khách, nếu bạn không thích thành phần nào, có thể yêu cầu theo ý thích. Lưu ý, phá lấu có độ mặn hơi đậm, nếu người quen ăn nhạt, có thể dặn trước để người bán nới tay.
Xe bánh mì phá lấu Tâm Ký ở địa chỉ 823 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, TPHCM. Xe bán từ 15:00 mỗi ngày. Giá bánh mì phá lấu từ 20.000-25.000 đồng/phần.
Lan Nhi