Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Phải “bình ổn” cả người kê toa

Hoàng Nhung

TPHCM vừa công bố chương trình bình ổn thị trường 551 mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tại 3.500 nhà thuốc trên địa bàn TPHCM trong năm 2015 và Tết Bính Thân 2016. Song, điều khiến nhiều người băn khoăn là, liệu thuốc bán theo giá bình ổn thị trường có đến tay người bệnh khi họ không có nhiều sự lựa chọn, phải lệ thuộc vào bác sĩ kê toa.

Trong danh mục thuốc bình ổn thị trường có 81 loại thuốc giảm đau, hạ sốt và kháng viêm; 32 loại thuốc trị ho; 23 loại thuốc dị ứng; 36 loại thuốc trị đau dạ dày; 100 loại thuốc ho-hen phế quản và trị tim mạch; 30 loại thuốc trị tiểu đường. Ngoài ra còn có các loại thuốc kháng sinh, nhỏ mắt, trị giun, trị thấp khớp, vitamin-khoáng chất, thuốc trị tiêu chảy, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, trị nấm… Giá bán của các loại thuốc trong chương trình bình ổn sẽ thấp hơn giá thị trường ít nhất khoảng 5-10%.

Người dân có mua được thuốc bình ổn giá hay không còn phụ thuộc nhiều vào toa thuốc của bác sĩ.          Ảnh: Thành Hoa
Người dân có mua được thuốc bình ổn giá hay không còn phụ thuộc nhiều vào toa thuốc của bác sĩ. Ảnh: Thành Hoa

Một dược sĩ đứng tại quầy bán thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM, cho biết giá thuốc bình ổn thị trường tạo điều kiện cho người dân mua được thuốc giá rẻ, đặc biệt là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù sở y tế đã lựa chọn các loại thuốc thiết yếu để bình ổn, song đơn thuốc của bệnh nhân do bác sĩ kê toa, và theo đó, có thể thuốc được bác sĩ chỉ định không nằm trong danh mục bình ổn. Nhiều phòng khám, bệnh viện, khi bác sĩ kê toa đều kê những loại thuốc đắt tiền, thuốc ngoại để bệnh nhân mau khỏi bệnh.

Không giống như bánh kẹo, thuốc là mặt hàng đặc biệt, người dân không có chuyên môn nên không biết và cũng không có quyền lựa chọn thuốc rẻ hay thuốc đắt tiền, thuốc trong nước hay thuốc ngoại nhập. Bác sĩ kê toa thuốc gì thì mua thuốc đấy, nhà thuốc bán thuốc nào mua thuốc đó. Do vậy, thuốc bình ổn thị trường khó đến tay người bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hồng, nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết ông bị bệnh thận nhiều năm nay, nghe nói tới chương trình bình ổn thị trường thuốc, nhưng ông không thấy thuốc điều trị bệnh thận trong danh mục thuốc bình ổn và cũng chẳng biết bán ở đâu để mua. “Bác sĩ kê toa thuốc nào tôi mua thuốc ấy”, ông Hồng cho biết.

PGS. DS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ y tế, cho biết giá thuốc bình ổn được xây dựng dựa trên tình hình giá cả nguyên, phụ liệu sản xuất thuốc trên cả nước. Từ đó mới xây dựng mức giá hợp lý, vừa đảm bảo duy trì sản xuất đủ lượng thuốc thiết yếu, vừa phù hợp túi tiền của số đông người dân. Việc niêm yết giá thuốc hy vọng sẽ hạn chế việc kê giá cao, tùy tiện nâng giá.

PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thành phố dành một khoản ngân sách cả chục tỉ đồng để mua dự trữ các loại thuốc thiết yếu do các công ty trong nước sản xuất. Quỹ bình ổn hướng đến những người bị bệnh đang phải tự mua thuốc (bệnh nhân bảo hiểm y tế đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả). Khi có nguồn thuốc ổn định giá, thị trường sẽ phải điều tiết theo. Điều này có ý nghĩa lớn đối với người có thu nhập thấp, những người dễ mắc bệnh và những người phải sử dụng thuốc nhiều.

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều công ty phân phối thuốc lo ngại liệu quỹ bình ổn này có đủ sức gánh nổi nhu cầu của thị trường, nơi có cả ngàn mặt hàng thuốc đang lưu hành, trong đó có nhiều thuốc đặc trị các bệnh mạn tính. Một trình dược viên cho rằng, giá thuốc cần phải giải quyết từ gốc, từ trên xuống dưới, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và các địa phương trên cả nước. Một mình TPHCM e rằng khó có thể kham nổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối