KHUÊ VIỆT TRƯỜNG -
Thác Bản Giốc có một sự mê hoặc không những với tôi và có lẽ của rất nhiều người. Ngọn thác nằm ở biên cương tổ quốc, thuộc địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi đã có một dịp lên đường tìm đến đây trong tâm trạng háo hức, mong chờ từ rất lâu.
Mờ sáng, chúng tôi rời khỏi Hà Nội trên chuyến xe 25 chỗ, đơn giản là muốn tới Bản Giốc phải vượt qua bảy ngọn đèo, xe phải nhỏ và tài xế phải giỏi mới vượt qua cung đường hiểm trở ở miền đông bắc xa xôi nhưng đầy quyến rũ này.
Con đường chúng tôi đi là quốc lộ 3, bắt đầu từ Hà Nội rồi chạy dài qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và kết thúc tại cửa khẩu Tà Nùng, thuộc huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Chúng tôi lần lượt vượt qua đèo Giang, đèo Gió, đèo Ngân Sơn, đèo Cao Bắc, đèo Tài Hồ Sìn… với cảm giác vừa hồi hộp vừa thích thú. Đèo Mã Phục gây ấn tượng hơn cả với những ngọn núi chồm ra giống như những con ngựa đang chặn giữ bạn lại trong cuộc hành trình. Xuyên suốt con đường vào mùa hạ là những cây xoan nở hoa trắng muốt, thỉnh thoảng là những vạt lau trắng đong đưa.
Cuối cùng xe chồm lên một con dốc, từ trên nhìn xuống đã thấy thác Bản Giốc hùng vĩ đang réo giục. Thác Bản Giốc, thác nước lớn thứ tư thế giới nằm trên một đường biên giới giữa hai quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil-Argentina, thác Victoria giữa Zambia-Zimbabwe và thác Niagra giữa Canada-Mỹ), và là một trong mười thác nước kỳ vĩ nhất thế giới theo đánh giá của trang Touropia năm 2015.
Choáng ngợp với thác, chúng tôi không thể phân biệt nơi nào là biên giới. Theo phân chia thì phần thác chính là thác thấp, nằm phía biên giới Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Tây. Phần thác phụ – thác cao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Với độ cao 53 m, rộng 300 m, thác có ba tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau.
Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại thác Bản Giốc.
Con đường nhỏ đi xuống thác là con đường khá dốc, đầy sỏi đá, khó đi. Thường thì xe 25 chỗ ngồi trở xuống mới được đi con đường này, xe lớn đều phải đậu ngay bãi của bộ đội biên phòng. Nơi bán vé vào thác là một chiếc bàn sơ sài, chen cùng với hàng hóa lưu niệm được bày bán.
Qua cổng soát vé, hướng dẫn viên đi cùng cho chúng tôi biết là có thể đứng trên bờ chụp ảnh, còn đi bè tới tận chân thác thì giá 50.000 đồng cho một người. Cũng giải thích thêm, vì đây là ngọn thác chia đôi biên giới cho nên bè đưa khách của hai bên được phân biệt bằng màu áo. Phía Việt Nam, những người đi bè mặc áo màu đỏ; còn bên Trung Quốc, người đi bè mặc áo màu xanh. Nói như vậy vì hai bờ rất gần nhau, khi đi bè trên thác thì gần như chen nhau.
Chúng tôi bước xuống bè rộng khoảng 20 m2, trống tứ phía để khách thoải mái quan sát. Khi bè ra khỏi vị trí, du khách có thể nhìn rõ bên bờ biên giới, không nhìn kỹ cũng khó phân biệt bè của Việt Nam hoặc bè của Trung Quốc. Du khách không thể qua lại hai bên bờ lẫn nhau, chỉ được dạo chơi trên dòng nước. Với con thác thì khó phân biệt chỗ nào là ranh giới, có chăng là trên điện thoại báo tin bạn đã vào vùng của Trung Quốc, vậy thôi.
Tôi đã ngắm nhìn biết bao nhiêu thác nước, có thác cao vòi như thác Bạc ở Sa Pa, thác Prenn ở Đà Lạt hoặc thác Tà Gụ trong rừng sâu Khánh Sơn, Khánh Hòa, thác Dray Sáp tận Đắk Lắk…, nhưng cảm giác chạm gặp thác Bản Giốc thật đặc biệt và đầy cảm xúc. Thác từ trên chảy xuống, thác nhỏ chảy tiếp. Nước tung trắng trời, có khi tạt vào người trên bè, nhưng chẳng ai quan tâm, bởi mải mê tận hưởng và chụp ảnh. Đến sát bên thác có thể thấy rêu xanh, những tảng đá nhô trên mặt nước cũng bám rêu, long lanh trong ánh nắng đẹp đến lạ.
Bè cứ chèo lướt qua. Bè bên Trung Quốc và bè bên Việt Nam cứ lách nhau trên con nước, cuối cùng chúng tôi được đưa lên bờ, nơi đó có những ngọn thác nhỏ cũng đang đổ nước, và đặc biệt là cột mốc chủ quyền biên giới. Cột mốc ghi “Việt Nam 836” được dựng năm 2001 là điểm mà ai cũng muốn chụp một tấm ảnh. Cho nên, chen chân để có một tấm ảnh kỷ niệm nơi cột mốc cực khó.