Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày khai giảng năm học mới là ông hàng xóm sang nhà, kêu pha bình trà ngồi nhâm nhi, rồi càm ràm chuyện mấy đứa con đi học. Nói nhiều chuyện, nhưng chung quy lại vẫn là vấn đề hai đứa nhỏ nhà ông đi học có ngày khai giảng khác với ông ngày trước.
Ông kể, thời còn đi học, ngày tựu trường có những kỷ niệm vụn vặt dễ thương, thậm chí có những khoảnh khắc tới giờ đã nửa đời người nhưng ông vẫn nhớ. Bạn bè không gặp nhau suốt ba tháng hè, ngày tựu trường xúm lại hỏi han nhau vui như tết. Thằng thì da đen nhẻm, tóc cháy nắng khét lẹt vì phải phụ việc đồng áng với gia đình, đứa thì chân chưa lành sẹo vì những trận đá bóng nhựa cuối sân nhà thờ…
Ngày khai giảng mở đầu cho một năm học mới diễn ra đơn giản, đám học trò bắt đầu trải nghiệm cảnh lạ lớp, lạ chỗ ngồi, rồi ngày hôm sau mới bắt đầu những bài học đầu tiên. Và cứ thế tuổi học trò của ông trôi qua với những món quà vô giá ông cất giữ đến tận bây giờ, dẫu rằng những kỷ niệm đó không lãng mạn như áng văn mà nhiều người thuộc nằm lòng: “Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”. (bài Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh).
Nay, đến lượt hai đứa con ông đi học, ông thấy có vẻ như chúng không có được cái khoảnh khắc như ông từng có. Giống như nhiều học sinh khác, hai đứa con của ông (đứa học cấp một, đứa học cấp hai) phải nhập học từ giữa tháng 8, thậm chí có trường còn bắt học sinh nhập học sớm hơn. Vậy là, ngày khai giảng 5-9 chỉ còn mang tính thủ tục, mà một khi đã là thủ tục giống như làm cho có thì chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.
Điều khiến ông thắc mắc bấy lâu nay là, nếu đã bắt học sinh phải nhập học sớm để cho kịp chương trình học thì tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không chuyển ngày khai giảng sớm hơn, ngày 15-8 chẳng hạn, mà phải đợi tới ngày 5-9? Nếu cứ học trước, khai giảng sau như hiện nay thì không biết còn bao nhiêu học sinh “nao nức” với ngày tựu trường?
Đình Đăng (Thủ Đức, TPHCM)