Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Phận đưa đò trên sông Sài Gòn

Hơn mười năm qua, tám con đò bên bờ Thủ Thiêm vẫn lặng lẽ đưa khách du lịch vãn cảnh sông nước Sài Gòn. Những người lái đò vừa làm, vừa lo không biết sẽ còn trụ được với nghề này bao lâu nữa.

Bấp bênh

Những người lái đò từng là những xã viên của hợp tác xã đò ngang ở quận 2, TPHCM, đơn vị đã bị giải thể hơn 10 năm trước. Lên bờ không biết phải làm việc gì mưu sinh, năm xã viên với tám con đò vẫn trụ lại nơi bến sông cũ. Hàng ngày, họ lái đò đưa khách du ngoạn trên sông và phụ thuộc hoàn toàn vào đội cò bắt khách bên quận 1.

Ông Trường, một trong những chủ đò đậu ở bến cầu ông Cậy bên bờ Thủ Thiêm, cho biết công việc chở khách du lịch cũng vô chừng, có ngày được vài chuyến, nhưng nhiều khi vài ba ngày đò không rời bến vì không có khách. “Mùa mưa chờ khách như chờ sung rụng, ba ngày qua tôi chưa chở được chuyến nào”, ông Trường tâm sự.

Các chủ đò thường phải chọn chỗ khuất để đậu.
Các chủ đò thường phải chọn chỗ khuất để đậu.

Ông kể, năm 2003, hợp tác xã đò ngang giải thể và được Nhà nước hỗ trợ, nhưng ông vẫn chưa thể lên bờ được. Ông từng đổi nghề sang làm sơn nước, gõ sét tàu biển nhưng rồi lại quay về với con đò của mình. Sau khi bán đảo Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng, ông dắt díu vợ con về Nhơn Trạch, Đồng Nai sinh sống, còn ông vẫn trụ lại nơi bến đò cũ. Lúc không có khách thì ngồi chờ, buồn buồn thì buông câu giết thời gian, đói bụng ra quán mua cơm hộp, nước sinh hoạt sang phía quận 1 mua, còn tắm giặt múc nước sông lên sử dụng, tối đến buông mùng ngủ ngay trên đò. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, lâu lâu nhớ vợ con ông chạy về Nhơn Trạch thăm.

Có nhà để về như ông vẫn còn hạnh phúc, cuộc sống của bạn ông, ông Ba Thạch, cơ cực hơn nhiều. Từ chỗ là người lái đò thuê, ông Ba Thạch trở thành xã viên hợp tác xã đò ngang An Khánh, và nhờ có tài quản lý, điều phối công việc, ông được bầu làm chủ nhiệm. Năm 1998, hai hợp tác xã đò ngang An Khánh và Thủ Thiêm sáp nhập thành một, ông vẫn được tín nhiệm giữ chức phó chủ nhiệm cho đến ngày giải thể.

Từ chỗ lái đò thuê, ông mua được đất cất nhà ngay tại khu Thủ Thiêm. Khi thành phố giải tỏa trắng nơi đây, ông cũng thuộc diện tái định cư, được đền bù. Song, vì hoàn cảnh gia đình, ông buộc phải bán suất tái định cư để phân chia tài sản. Vậy là ông trở thành kẻ không nhà. Tài sản đáng giá nhất của ông hiện nay là ba con đò, một chiếc xe máy Trung Quốc, ngoài chiếc điện thoại chỉ đủ chức năng nghe, gọi.

Cảnh đời éo le không kém nữa trên bến sông này là ông Lâm, người lái đò đưa khách sang sông Sài Gòn từ giữa những năm 1980 và cầm cự cho đến nay. Ông nói điều mong ước của mình hiện nay là ông có được cái chứng minh nhân dân. Đứa con trai của ông tên Đức vừa mới tốt nghiệp cấp ba được sinh ra và lớn lên ngay trên con đò này. Đức cho biết cậu không thi vào đại học trong kỳ tuyển sinh vừa qua, nhưng đã nộp hồ sơ vào trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để xin xét học ngành điều dưỡng, hệ trung cấp. Đức nói nếu không vào được trường đó, cậu sẽ tìm trường khác, chứ không theo nghề của ba mình mãi được. Những lúc có khách, cậu phụ cha lái đò, không có khách lại ngồi không. “Em đang xin việc để làm thêm ban đêm để có thêm tiền chuẩn bị cho việc học sắp tới”, Đức nói.

Sống nhờ “cò”

Bữa cơm trưa của ông Ba Thạch; mọi sinh hoạt của ông đều diễn ra trên đò.
Bữa cơm trưa của ông Ba Thạch; mọi sinh hoạt của ông đều diễn ra trên đò.

Đời lênh đênh sông nước tưởng tự do, nhưng không phải vậy. Khách của những người lái đò này chủ yếu là người nước ngoài, khổ nỗi họ một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết, nên không thể trực tiếp mời khách. Do vậy, để có việc, họ phải phụ thuộc vào đội ngũ cò khách bên phía quận 1, nơi có khoảng chục người môi giới hoạt động.

Hàng ngày, đò đậu bên bờ Thủ Thiêm xung quanh cầu ông Cậy. Tuy số lượng không nhiều, nhưng mỗi người cứ một góc, không dám tập trung lại một chỗ vì sợ cơ quan chức năng phạt. Khi có khách, cò sẽ gọi điện thoại, họ chạy qua đón khách rồi đi ngay. Khi trả khách cũng vậy, họ hoạt động giống như đánh du kích.

Các chuyến đò đưa khách du lịch theo ba tour, gồm vòng bán đảo Thủ Thiêm, vòng cù lao quận 4 và lên cầu Sài Gòn trở về. Một tour chạy hết một giờ với giá cò giao lại cho chủ đò khoảng 150.000-200.000 đồng. Trong vai một hướng dẫn viên du lịch, phóng viên gọi điện thoại cho một cò khách tên H., và được biết giá hai khách đi trong một giờ là 500.000 đồng và tăng lên 700.000 đồng nếu đi bốn khách.

Chị Thảo, người phụ nữ duy nhất lái đò du lịch trên bến sông này, được ưu ái hơn. Hàng ngày, chị chạy qua bờ sông ngay đầu đường Hàm Nghi, quận 1 để chờ khách. So với những người khác, chị luôn được ưu tiên giao khách trước, rồi mới đến phiên người khác. “Biết là không được phép, nhưng vì miếng cơm nên cũng chỉ dám làm theo kiểu len lén. Các anh cảnh sát đường thủy chắc cũng giả lơ cho mình làm nuôi con”, chị Thảo nói. Thấy phóng viên đưa máy chụp hình hai vị khách của chị khi đò cập bến, chị ra hiệu xin không chụp để còn đường làm ăn.

Với những người không được lòng các cò khách, việc tìm khách du lịch để chở khó khăn hơn. Ông Ba Thạch cho biết với việc chở khách du lịch nước ngoài, ông chỉ là người dự bị, khi nào các chủ đò kia bận hết mới tới lượt ông. Ông nói đã nhiều tháng nay chẳng ai gọi, song ông cũng có khách riêng của mình. Mỗi năm hai lần, ông chở đoàn cán bộ đi đo đạc thủy văn vào tháng 4 và tháng 10, với tiền công khoảng 30 triệu đồng. Mỗi tháng hai ngày, ông chở cán bộ của Phân viện khí tượng thủy văn đi đo đạc với tiền công khoảng 700.000 đồng. Ngoài ra, thỉnh thoảng có khách người Việt thuê ông chở đi chơi hay đi cúng nên cũng kiếm được thêm chút ít. Công việc lái đò đem lại khoản thu nhập mỗi năm khoảng 40 triệu đồng.

“Tá túc ở đây, nhưng rồi sẽ đến lúc người ta mang máy móc đến thi công nhà cửa, công trình ở Thủ Thiêm này, mình phải biết thân biết phận mà đi, nhưng lúc này chưa biết sẽ đi đâu”, ông Ba Thạch lo lắng cho tương lai.

Thái Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối