Chánh Tài -
Trong bộ váy dạ hội màu vàng, Cyril Goliava trông thật thanh lịch và duyên dáng khi cô giành giải hoa hậu trong một cuộc thi sắc đẹp ở Hồng Kông. Cô tươi cười đón nhận vương miện trong tiếng reo hò của khán giả. Song trạng thái hạnh phúc ngây ngất tan nhanh khi nữ hoàng sắc đẹp Philippines này tẩy phấn mắt, gỡ lông mi giả để lên xe buýt về nhà và nghĩ ngợi về tuần làm việc phía trước.
Nữ giúp việc người Philipines Cyril Goliava được trao vương miện sau khi chiến thắng ở cuộc thi Hoa hậu Du lịch Philippines tại Hồng Kông. Ảnh: Reuters
“Khi về nhà, tâm trạng tôi bỗng nhiên ủ dột vì thời gian cùng với bạn bè đã qua. Một tuần làm việc nữa lại đến. Trong sáu ngày làm việc căng thẳng, tôi lại phải thui thủi ăn một mình và suốt ngày phải làm một công việc lặp đi lặp lại”, Goliava nói trong phim tài liệu phim mang tên Nữ hoàng sắc đẹp Chủ nhật (Sunday Beauty Queen).
Phim được ra mắt lần đầu tiên tại Liên hoan phim quốc tế Busan ở Hàn Quốc diễn ra từ ngày 6 đến 15-10, liên hoan phim được đánh giá là lớn nhất châu Á. Nữ hoàng sắc đẹp Chủ nhật nói về câu chuyện của Goliava, một nữ giúp việc nhà người Philippines và bốn người đồng hương của cô tại Hồng Kông, theo Reuters.
Nữ hoàng sắc đẹp Chủ nhật không chỉ có những thước phim cận cảnh về công việc mưu sinh vất vả của các nữ giúp việc nhà mà trên hết, nữ đạo điễn Baby Ruth Villarama còn cho khán giả một góc nhìn mới mẻ về những cô gái mang phận làm thuê nơi xứ người. Họ tìm cách thoát ra khỏi thế giới công việc nhà đơn điệu, đầu tắt mặt tối để khẳng định giá trị bản thân. Nói cách khác, phim tìm cách phá bỏ những cảm nhận chung mang tính định kiến đối với hàng triệu phụ nữ được thuê làm người giúp việc trên thế giới.
“Chúng ta đã nghe nói quá nhiều những điều tiêu cực hay giật gân về họ. Tôi muốn cho khán giả thấy cuộc sống thường nhật của họ cũng như những ước mơ và hy vọng của họ”, đạo điễn Baby Ruth Villarama nói.
Phim đi sâu chi tiết vào cuộc sống của năm cô gái giúp việc người Philippines khi họ chuẩn bị tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Philippines tại Hồng Kông, một cuộc thi sắc đẹp dành cho những người giúp việc Philippines, được tổ chức hàng năm kể từ năm 2008.
Nữ hoàng sắc đẹp Chủ nhật có thời lượng chỉ 94 phút nhưng đạo diễn Villarama đã phải mất bốn năm để hoàn thành vì bà muốn soi rọi thật sâu vào những ngóc ngách trong tâm tư của các cô gái giúp việc. “Họ làm việc sáu ngày mỗi tuần, chỉ có một ngày nghỉ Chủ nhật nhưng vẫn dành thời gian này để tập luyện chuẩn bị cho cuộc thi sắc đẹp hàng năm. Tôi muốn hiểu tại sao. Sự thật là cuộc thi này đem lại cho họ cảm nhận về giá trị bản thân. Đó là giấc mơ được sống hạnh phúc bất chấp phải vật lộn mưu sinh cũng giống như tất cả chúng ta ai cũng muốn hướng đến mục tiêu hạnh phúc trong đời sống của mình”, Villarama nói.
Cyril Goliava gỡ lông mi giả để chuẩn bị lên xe buýt về nhà và chờ đón một tuần làm việc vất vả phía trước. Ảnh: Reuters
Hơn 300.000 nữ giúp việc người nước ngoài ở Hồng Kông, chủ yếu đến từ Philippines và Indonesia. Họ phải sống cùng với gia chủ và thường phải làm việc quần quật 16-20 giờ mỗi ngày và sáu ngày mỗi tuần. Chủ nhật là ngày duy nhất họ được nghỉ.
Nữ hoàng sắc đẹp chủ nhật cũng mô tả những công việc thường ngày vất vả của các nữ giúp việc người Philippines, quan hệ giữa họ với những gia chủ và những gian khổ mà họ đối mặt.
Các nữ giúp việc người Philippines cho biết gia chủ của họ thường đặt ra những nguyên tắc làm việc khắt khe chẳng hạn cấm người giúp việc ngồi trên sofa hoặc buộc họ phải nằm ngủ ở nhà bếp. Một nữ giúp việc người Philippines tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Philippines tại Hồng Kông đã mất việc chỉ vì cô không về nhà gia chủ vào một ngày Chủ nhật trước 9 giờ tối.
“Đó là câu chuyện về những cô bé Lọ Lem có trong đời thực”, Villarama nói.
Tình trạng ngược đãi người giúp việc là vấn đề còn nhức nhối ở Hồng Kông kể từ sau vụ Erwiana Sulistyaningsih, một nữ giúp việc người Indonesia bị cô chủ đánh đập dã man và đổ nước sôi lên người vào năm 2013 đến nỗi Sulistyaningsih bị thương tích khắp người và nhiễm trùng. Sulistyaaningsih yếu đến mức không thể đi lại được thế nhưng cô chủ, một người mẹ hai con, vẫn không đưa Sulistyaningsih đi khám và tìm cách tống khứ cô về nước. Cuối cùng, sự việc bị lộ ra. Cô chủ ác độc này bị ra xét xử và nhận bản án 6 năm tù.
Một nghiên cứu của Trung tâm Công lý Hồng Kông công bố vào tháng 3-2016 phát hiện rằng cứ sáu nữ giúp việc ở Hồng Kông lại có một người là nạn nhân của nạn cưỡng bức lao động. Hơn 80% trong số 336.600 nữ giúp việc ở Hồng Kông bị bóc lột sức lao động, trong đó một số người làm bị ép làm việc đến 20 giờ một ngày.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Hồng Kông đều có định kiến với nữ giúp việc nước ngoài. Trong phim, Jack Soo, 67 tuổi sống cùng nữ giúp việc Mylyn, một trong những người tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch Philippines tại Hồng Kông, nói: “Hãy tưởng tượng nếu các gia đình ở Hồng Kông không có nữ giúp việc nước ngoài, làm sao họ có thể đi làm? Làm sao họ chăm sóc con cái?”.
Đạo diễn Villarama hy vọng bộ phim sẽ gây chú ý đến sự đóng góp của các nữ giúp việc nước ngoài cho xã hội Hồng Kông và thay đổi cách mà họ được đối xử.