Văn Nam -
Chính quyền TPHCM cho biết, từ giữa tháng 5 này đồng loạt triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn tại 24 quận, huyện trong thành phố. Đây là vấn đề không mới, và liệu lần này việc phân loại rác tại nguồn sẽ thành công hay rồi chương trình sẽ lại lắng xuống như trước đây.
Việc phải làm
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ khó thành công nếu không có sự đồng bộ từ người dân, người thu gom đến nơi xử lý. Ảnh: Văn Nam
Những người trong ngành cho rằng, ở góc độ quản lý, đây là việc nên làm và phải làm cho bằng được, bởi nếu nhìn vào lượng rác thải sinh hoạt lên đến hàng ngàn tấn mỗi ngày, áp lực tìm diện tích đất để chôn lấp đã là một bài toán khó. Hơn nữa, việc phân loại rác tại nguồn giúp dễ dàng tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mỗi ngày TPHCM thải ra khoảng 7.000-8.000 tấn rác, và tỷ lệ chất thải tăng trên 10% mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay hầu hết khối lượng rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp nên tạo áp lực lớn về diện tích đất chôn lấp rác tại thành phố. Đó là chưa kể những hệ lụy khác ảnh hưởng tới môi trường như bãi rác phát tán mùi hôi, rò rỉ nước…
Theo các chuyên gia về môi trường, để người dân tự giác phân loại rác thải tại nhà thì quy trình xử lý phải được giải quyết đồng bộ cả các khâu: phân loại-thu gom-vận chuyển-xử lý. Nói cho dễ hiểu thì nếu rác thải được người dân phân loại tại nguồn thành hai loại riêng biệt là vô cơ và hữa cơ, sau đó đến khâu thu gom-vận chuyển rác thải lại dồn chung lại thì nỗ lực phân loại rác của người dân cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Hiện nay tại TPHCM có hai hệ thống thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt. Một là hệ thống công lập là các công ty dịch vụ công ích chiếm đến 40%. Hai là lực lượng thu gom dân lập chiếm khoảng 60% là các cá nhân, hợp tác xã thu gom chất thải. Toàn bộ rác thải sau khi được thu gom được tập kết về khoảng 1.000 điểm trung chuyển, sau đó được vận chuyển đến các khu xử lý rác thải lớn tại huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
Cần đồng bộ
Về lý thuyết, nếu các hộ dân phân loại rác tại nhà, các phương tiện thu gom và vận chuyển được trang bị chứa rác vô cơ và hữu cơ riêng biệt thì khi đến các khu xử lý sẽ dễ dàng thực hiện các khâu tái chế, xử lý rác thành năng lượng hơn.
Những người trong ngành cho rằng, xét ở góc độ hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu toàn bộ rác thải tại thành phố được phân loại tại nguồn triệt để và xử lý thành công sẽ giúp tiết kiệm chi phí xử lý rác rất nhiều, bởi rác thải phân loại sẽ được tái chế, sản xuất phân compost, thu hồi năng lượng, giảm diện tích đất chôn lấp, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn được thí điểm lâu nay dường như gặp trục trặc ở khâu thu gom, tập kết rác tại các điểm trung chuyển và khâu vận chuyển. Các điểm tập kết rác tại nhiều khu dân cư không được đầu tư đúng mức, rác thải lưu chứa tạm bợ, chưa kể lực lượng thu gom rác cứ thu gom xong về đổ dồn các loại rác lại với nhau để đưa về các điểm tập trung. Trong khi đó, tại các khu xử lý chất thải lớn của thành phố, việc chuyển đổi các công nghệ xử lý hiện đại như đốt phát điện, tái chế thành phân compost hay các sản phẩm từ rác vẫn còn chậm triển khai.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thành công nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ. Cụ thể, đầu tiên là tăng cường tuyên truyền cho người dân, chuyển đổi các trang thiết bị thu gom, lưu chứa rác, đầu tư phương tiện vận chuyển và nhanh chóng đổi mới công nghệ xử lý, tái chế, tận dụng được loại rác thải sau phân loại.
Ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, cho rằng yếu tố then chốt để việc phân loại rác tại nguồn thành công vẫn là ý thức của người dân. Do vậy, việc tuyên truyền, hỗ trợ hay thậm chí có biện pháp mạnh đối với các hộ gia đình phân loại rác là rất quan trọng. Chẳng hạn như áp dụng biện pháp lực lượng thu gom sẽ từ chối thu gom rác nếu hộ gia đình nào không chịu phân loại.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu triển khai, chỉ cần hướng dẫn người dân phân rác thành hai loại, sau này khi quen dần thì mới phân thành ba loại gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng và tái chế (phế liệu), chất thải còn lại.
“Trong mỗi gia đình trước mắt cần có hai thùng rác, một dành để chất thải hữu cơ dễ phân hủy, hai là chất thải vô cơ. Bên cạnh đó, cần một phương thức tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý nhịp nhàng tổng thể kết hợp với nhiều chuyên đề nhỏ nâng cao ý thức cộng đồng. Nếu không thực hiện đồng bộ, việc phân loại rác tại nguồn cũng sẽ mãi là bài toán khó”, ông Thuận nhận định.