Vũ Yến-
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Dự thảo nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại nghị định này bao gồm điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, sản xuất-kinh doanh thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu, truyền thông về an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo dự thảo nghị định, mỗi hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị phạt từ 100-200 triệu đồng. Ảnh: Vũ Yến
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Dự thảo cũng nêu rõ, phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi như sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất thực phẩm, sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
Đồng thời, dự thảo nêu, phạt tiền bằng 60-80% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thuộc diện phải công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm nhưng không công bố để sản xuất thực phẩm, nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng.
Phạt tiền từ 100-120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng, nhưng số tiền phạt không vượt quá 100 triệu đồng.
Dự thảo cũng quy định khắc phục hậu quả, buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.