Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Phát hiện biến thể lai giữa Delta và Omicron, có đáng lo ngại?

(SGTT) - Giới chức Y tế Anh chính thức theo dõi sát một ca nhiễm biến chủng lai giữa Omicron và Delta. Các chuyên gia vẫn chưa xếp nó vào nhóm đáng quan ngại.

Cơ quan Y tế Anh vừa chính thức giám sát biển thể Deltacron, được cho là lai giữa hai biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 sau khi ghi nhận một bệnh nhân nhiễm biến thể này. Biến thể lai này còn gọi là Deltacron, được phát triển trên một bệnh nhân nhiễm cùng một lúc hai biến thể Omicron và Delta.

Theo Fox News, hiện chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Cơ quan này không cho biết có phát hiện thêm biến thể lai ở các bệnh nhân khác hay không.

Trước đó vào tháng 1-2022, nhà virus học thuộc Trường Đại học Cypress cho biết đã nhận dạng được Deltacron. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không công nhận đây là biến thể lai, vì cho rằng Deltacron có thể chỉ là sản phẩm của sai sót nào đó hoặc hiện tượng nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm.

Ngoài thông báo chính thức giám sát biến thể Deltacron, Cơ quan An ninh Y tế Anh không đưa ra cảnh báo nào khác. Nhìn chung, giới chức y tế nước này không đặc biệt quan ngại về biến chủng lai vì số ca nhiễm chưa nhiều. Đặc biệt, ở thời điểm này phần lớn cư dân đã được tiêm chủng hoặc đã có miễn dịch tự nhiên.

Giới chức y tế Anh đã chính thức theo dõi một chủng SARS-CoV-2 lai giữa Delta và Omicron được gọi là "Deltacron". Ảnh minh họa: Getty

Kể từ ngày 15-2, Việt Nam đã cho phép hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay quốc tế thường lệ, không thường lệ. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đồng thời một số nước cũng xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (như biến thể lai giữa Delta và Omicron), câu hỏi đặt ra liệu TPHCM sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như thế nào khi vừa mở lại đường bay quốc tế.

Trả lời Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất là cửa ngõ của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong việc tiếp đón người nhập cảnh từ nước ngoài. Thời điểm trước ngày 28-1, hoạt động giám sát ngăn chặn nguy cơ biến chủng mới xâm nhập được thực hiện chặt chẽ.

Tất cả hành khách đều được xét nghiệm ngay tại sân bay, các trường hợp dương tính sẽ được chuyển đến bệnh viện theo dõi, cách ly và điều trị.

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 hiện đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đang từng bước chủ động mở cửa trở lại các đường bay quốc tế. Vì vậy, Bộ Y tế đã có những điều chỉnh mới, cụ thể từ 28-1, hoạt động xét nghiệm tại sân bay đã được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam phải có xét nghiệm âm tính trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh. Người nhập cảnh phải khai báo y tế trên phần mềm PC-Covid.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), người nhập cảnh sẽ được tiếp tục giám sát chặt các vấn đề sức khỏe trong quá trình cách ly y tế. Ảnh: T.N.

Đối với các trường hợp đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định, sẽ được về nhà và tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong ba ngày. Trong thời gian cách ly, người nhập cảnh tuyệt đối không tiếp xúc với ai. Sau ba ngày kể từ thời điểm nhập cảnh, nhân viên y tế địa phương sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm và người nhập cảnh sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Những trường hợp tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 theo quy định, sẽ bắt buộc phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày. Trước khi cách ly, y tế địa phương sẽ thẩm định điều kiện của gia đình nếu không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết, người nhập cảnh sẽ phải cách ly tại khách sạn hoặc khu cách ly tập trung. Người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7. Nếu không có bất thường, ngày thứ 14 sẽ được kết thúc cách ly.

Trong 14 ngày, nếu cả hai nhóm đối tượng trên có kết quả xét nghiệm dương tính, sẽ được xử lý như trường hợp F0. Bệnh nhân sẽ được chuyển đến bệnh viện điều trị hoặc cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại nhà tùy tình trạng bệnh.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối