Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Phật thủ đâu chỉ để chưng trên bàn thờ

DS. MỸ NỮ -

Quả phật thủ có hình dáng nắm tay của Phật, còn gọi phật thủ phiến, phật thủ cam, có tên khoa học Citrus medica L var digitata Riss, thuộc họ cam quýt (Rutaceae). Phật thủ là giống cây ăn quả thuộc chi cam chanh. Tên gọi của loài cây này xuất phát từ hình dáng của quả chia nhánh trông như bàn tay Phật. Đây là giống cây bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản và ngày nay được trồng khá nhiều ở bên bờ sông Đáy (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

QUA-PHAT-THU-KHONG-CHI-DE-CHUNG(2)

Phật thủ là loại cây thân gỗ nhỏ, cao 2-2,5 m, ra hoa kết quả quanh năm. Quả phật thủ dùng ăn tươi, làm mứt… của người dân các tỉnh phía Bắc rồi sau đó lan ra cả nước. Vài năm gần đây đã rộ lên phong trào chưng phật thủ trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày tết, ngày rằm hay đầu tháng của người Việt với tâm linh “bàn tay” của đức Phật đang chắp ngón cầu nguyện che chở, phù hộ cho gia chủ được hưng thịnh, bình yên, tài lộc dồi dào… Ngoài ra, quả phật thủ có thời gian chưng khá lâu, có thể lên tới 4-5 tháng nên được nhiều người chọn lựa chưng trên bàn thờ của gia đình mình.

Tùy theo quả phật thủ có hình dáng đẹp hay không mà giá ở mức hàng chục ngàn đồng hay lên tới cả triệu đồng. Cá biệt có những quả phật thủ có giá trên 10 triệu đồng cũng không phải hiếm, bởi ngoài hình như bàn tay Phật có “chức năng” thờ cúng, quả phật thủ phải tỏa mùi thơm đặc trưng, quả to đặc biệt, màu đẹp, dáng càng giống bàn tay Phật, nhiều tầng, nhiều “ngón tay” đều, dài, mập vươn rộng, hoặc chỉa lên đầy đủ các quan niệm của nhà Phật. Nghĩa là số ngón vòng ngoài của quả phật thủ phải là số lẻ, để khi đếm ngón tay cuối cùng rơi vào chữ thịnh. Theo quan niệm, nếu rơi vào chữ thịnh thì năm mới sẽ tấn lộc, tấn tài, sung mãn.

Phật thủ trước đây chủ yếu bán ở phía Bắc nhưng những năm gần đây, đã xuất hiện ở các thành phố phía Nam, nhất là TPHCM.

Ngoài yếu tố chưng cúng trên bàn thờ, mâm quả, phật thủ còn chữa khá nhiều bệnh. Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau... Các nghiên cứu dược lý hiện đại ngày nay cho thấy, quả phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa.

Trong quả phật thủ có chứa nhiều vitamin C, đường, axit hữu cơ, dầu chanh, glucozit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí, bồi bổ dạ dày, có công hiệu giảm đau, hòa khí, làm dễ tiêu, tan đờm, khỏe tỳ vị, giảm ho, giúp dễ chịu trong ngực, chữa nôn mửa, giã rượu…

[box type="download"] Một số tác dụng của quả phật thủ Chữa ho nhiều đờm: nhai cùi (liền cả vỏ) phật thủ tươi, nuốt dần nước. Đờm sẽ tan dần và khí đỡ xông ngược lên, nhờ vậy mà hết ho. Chữa đau dạ dày do lạnh: phật thủ khô 15 g, gạo tẻ sao vàng 30 g, sắc nước uống ngày ba lần hoặc phật thủ tươi 15-20 g thái lát thật mỏng hoặc tán vụn, cho vào ấm, pha nước sôi vào, đậy nắp kín như pha trà, để 10-15 phút sau rót ra uống lúc nóng. Ngày uống một thang, uống nhiều lần trong ngày thay nước trà. Chữa say rượu: phật thủ tươi 30 g, sắc với nước để uống.[/box]

Để làm thuốc, người ta thu hái quả chín, thái (cắt) dọc thành từng miếng mỏng, phơi khô. Liều dùng mỗi ngày 4-8 g cùi quả phơi khô, sắc uống, làm trà thuốc hoặc lấy vỏ ngâm rượu uống. Ngoài ra, hoa phật thủ cũng là vị thuốc rất tốt có tính ấm, vị hơi đắng, có tác dụng lợi tỳ vị, trị nôn mửa và các chứng bệnh như quả phật thủ, lượng dùng cũng tương tự.

Chú ý nếu ăn nhiều phật thủ sẽ bị hao tổn khí, người hư nhược kiêng dùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối