Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Phát triển du lịch gắn với cộng đồng là lợi thế của vùng Đông – Tây Bắc

(SGTT) - Khu vực Đông - Tây Bắc là nơi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Cả hai khu vực đều có thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng là tiềm năng du lịch vô cùng lớn.
dân tộc Tây Bắc
Với sự đa dạng về văn hóa các dân tộc, vùng Đông - Tây Bắc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.

Tây Bắc có địa hình núi non trùng điệp tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp và hệ sinh thái hết sức phong phú. Tiêu biểu như đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; Sa Pa – Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; đèo Ô Quy Hồ; cao nguyên Sìn Hồ, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải…

Trong khi đó, Đông Bắc có Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Quảng Ninh; bãi biển Trà Cổ - là bãi biển đẹp nhất phía Bắc Việt Nam; nhiều hồ nước lớn như hồ Ba Bể, hồ Núi Cốc với cảnh quan hấp dẫn; thác nước Bản Dốc, Đầu Đẳng, tỉnh Cao Bằng; các cánh rừng già nguyên sinh ở vườn quốc gia Ba Bể, Tam Đảo… đã trở thành điểm đến nổi tiếng trong và ngoài nước.

Đặc biệt, văn hóa truyền thống của các dân tộc ở hai vùng với phong tục, sinh hoạt, ẩm thực, truyền thống canh tác, lễ hội, âm nhạc cũng là điểm nổi bật, hấp dẫn du khách và là tài nguyên du lịch không thể thiếu trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng.

Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ Pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản…

du lịch cộng đồng
Cộng đồng bản địa với các sắc màu văn hóa dân tộc là điểm nhấn tuyệt vời để phát triển du lịch cộng đồng.

Vùng Đông Bắc cũng có gần 30 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời, trong quá trình lao động, sản xuất, đời sống, mỗi dân tộc đều có trang phục riêng rực rỡ sắc màu và đã sản sinh ra những nét văn hoá đặc sắc, sinh hoạt tín ngưỡng riêng được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, cộng đồng bản địa với các sắc màu văn hóa dân tộc là điểm nhấn tuyệt vời để phát triển du lịch cộng đồng các nơi khác khó so sánh được.

Ngoài ra, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng của hai vùng Đông và Tây Bắc không thể không nhắc đến là ẩm thực. Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… nên được mệnh danh là thiên đường ẩm thực vùng cao.

Còn các tỉnh khu vực Đông Bắc và trung du Bắc bộ lại là những điểm đến để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lòng du khách với ẩm thực độc đáo, truyền thống mà lại vô cùng sáng tạo như: khâu nhục, cơm lam, cá nướng, xôi ngũ sắc, xôi trám, bánh cóc mò, rau rừng, rượu ngô, bánh ngô, mèn mén…

Tây Bắc
Ẩm thực cũng là nét đặc biệt của các tỉnh du lịch vùng cao.

Khí hậu núi cao cũng tạo cho vùng miền núi phía Bắc nhiều giá trị sản vật và cảnh quan nông nghiệp như các mùa hoa đào, hoa mận, hoa tam giác mạch; vườn cam quýt, vườn hồng, vườn đào, vườn mận; ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, hấp dẫn du khách gần xa.

Nhưng tất cả các chất liệu đó chưa thể làm nên thương hiệu du lịch cộng đồng của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam như hiện nay, nếu họ không xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt.

Trong nhiều năm qua, các tỉnh Đông - Tây Bắc đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn...

Một góc chợ phiên vùng cao.

Các sản phẩm du lịch cộng đồng điển hình như tham quan, tìm hiểu bản làng dân tộc trải nghiệm cùng cuộc sống của cộng đồng; ngủ tại nhà dân, lên nương, làm bếp, dệt vải cùng dân; thưởng thức ẩm thực địa phương; check-in các mùa hoa; phục hồi sức khỏe với suối nước nóng và thảo dược; du lịch cộng đồng gắn với lịch sử; tham gia các hoạt động văn nghệ cùng dân bản; tour săn mây Y Tý; khám phá chợ phiên vùng cao…

Với những đặc trưng riêng về cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc, mỗi địa phương của các tỉnh Đông và Tây Bắc bộ Việt Nam đã lựa chọn những hướng đi khác nhau nhằm phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa.

Tây Bắc
Vùng Đông - Tây Bắc còn hút hồn du khách bởi những ruộng lúa bậc thang.

Ðể loại hình du lịch này ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách hơn nữa, các tỉnh cần có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan công ty truyền thông, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng của mỗi địa phương. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến phát triển du lịch, quảng bá điểm đến.

Phan Yến Ly

Du lịch cộng đồng ở Lai Châu: Lợi thế và khó khăn

Vào lúc 9:30 Thứ Năm, ngày 26-8-2021, Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn sẽ tổ chức chương trình Chat với doanh nhân du lịch xoay quanh chủ đề Du lịch cộng đồng ở Lai Châu. Chương trình được phát livestream trực tiếp trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị.

Chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage của Đài Truyền hình Hậu Giang.

Trong chương trình lần này, chị Phan Yến Ly, chuyên gia xây dựng và thiết kế sản phẩm du lịch sẽ làm người dẫn chuyện cùng hai khách mời đến từ Lai Châu là chị Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mai và Du lịch Lai Châu, và chị Hảng Thị Sú, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối