Đức Tâm thực hiện -
Hạt giống, dù tốt, cũng khó sinh trưởng mạnh mẽ trên mảnh đất cằn cỗi và môi trường khí hậu khắc nghiệt. Trong câu chuyện nông nghiệp cao cũng tương tự như vậy, nếu ví doanh nghiệp như những hạt giống thì Nhà nước chính là mảnh đất, là môi trường, là cái nền cho hạt giống phát triển.
Mảnh đất ấy, môi trường ấy, nên như thế nào? Sài Gòn Tiếp Thị trao đổi cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách nông nghiệp tại chương trình Sáng kiến chính sách công hạ lưu Mekong (LMPPI), Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP).
Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, đầu tháng 2-2017, Chính phủ có chủ trương đưa ra gói tín dụng 100.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp: Tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt nhưng nếu thực hiện, có thể nảy sinh nhiều nguy cơ. Tốt vì nó là tín hiệu cho thấy sự quan tâm từ phía Chính phủ dành cho nông nghiệp, là một sự động viên với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Mặc khác, nó bộc lộ những nguy cơ vì có thể có doanh nghiệp lấy danh nghĩa làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) để tiếp cận khoản vốn ưu đãi và đem đi đầu tư vào ngành nghề khác. Điều này dẫn đến sự bóp méo thị trường và thiếu công bằng trong cạnh tranh.
Thêm nữa, khi ngân hàng đưa ra lãi suất cho vay thấp như vậy, bản thân họ, rất có khả năng phải chịu lỗ vì thực tế lãi suất huy động vốn của họ cao hơn lãi suất cho vay. Điều này, đặt ngân hàng vào thế khó.
Cá nhân tôi nghĩ rằng muốn hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước nên làm gián tiếp thay vì hỗ trợ trực tiếp như vậy.
Hỗ trợ gián tiếp? Ông có thể nói rõ hơn về ý này?
- Theo những tài liệu mà tôi nghiên cứu, cộng với kinh nghiệm tư vấn tại một số địa phương, để phát triển NNCNC, chính phủ các quốc gia thường quan tâm đến ba yếu tố chính, bao gồm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về NNCNC, về hiệu quả thu được so với chi phí đầu tư khi áp dụng công nghệ vào nông nghiệp; quy mô nông nghiệp thích hợp để áp dụng NNCNC; và xây dựng chính quyền kiến tạo để tạo sự yên tâm nơi doanh nghiệp.
Đối với ý thứ hai, cần hiểu rằng, mỗi công nghệ, dù cao hay hiện đại đến đâu, cũng có một quy mô áp dụng phù hợp nhất định. Nếu quy mô trang trại nhỏ quá, hiệu quả thu về sẽ thấp hơn chi phí đầu tư áp dụng công nghệ, nếu quy mô trang trại quá lớn, vai trò của công nghệ chưa chắc phát huy tác dụng. Lấy ví dụ như việc nuôi tôm, khi diện tích đầm nuôi đủ lớn, thay vì nuôi thâm canh theo kiểu công nghiệp hóa, người dân/doanh nghiệp có thể đổi sang nuôi quảng canh. Như vậy Nhà nước cần áp dụng một chính sách đất linh hoạt để người dân và doanh nghiệp có thể tích tụ được các quy mô trang trại thích hợp với mình. Mặt khác, quyền sở hữu đất nông nghiệp cần phải được đảm bảo lâu dài thì mới khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC.
Trước khi phân tích ý thứ ba, tôi xin chia sẻ câu chuyện thú vị về ngành cá tra. Chúng ta biết rằng trong ngành cá tra, Đồng Tháp vốn đi sau An Giang và Cần Thơ. Thế nhưng đến nay, nơi đây lại có diện tích vùng nuôi lớn hơn, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tập trung và hình thành một chuỗi giá trị khá hoàn thiện và bổ sung cho nhau.
Cụ thể, khi có diện tích vùng nuôi lớn tự khắc nảy sinh nhu cầu về cá giống, và cầu sinh ra cung, một vùng sản xuất giống cá được hình thành ở Hồng Ngự. Nuôi cá thì cần thức ăn cho cá, và rồi, một cách tự nhiên, nhiều nhà máy thức ăn thủy hải sản cũng hình thành tại đây tạo thành một chuỗi mắt xích kết nối với nhau trong ngành.
Vậy tại sao Đồng Tháp lại có sự đột phá như vậy?
Dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó không thể không kể đến vai trò của chính quyền địa phương. Họ sâu sát đi cùng và hỗ trợ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp cảm thấy cam kết từ chính quyền, họ yên tâm đầu tư và gắn bó lâu dài.
Qua câu chuyện của ngành cá tra Đồng Tháp, ta thấy vai trò của chuỗi giá trị. Và đây là nơi chính quyền có thể chủ động xây dựng?
- Đúng vậy. Khi anh có một vùng nguyên liệu nuôi cá đủ lớn, việc anh mời các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn, kho lạnh… sẽ thuận tiện hơn. Khi thị trường có, doanh nghiệp sẽ đến mà không cần anh phải ưu đãi về vốn tín dụng.
Lấy ví dụ như câu chuyện tại Tây Ninh. Địa phương này trước đây nổi tiếng với cây mía và cao su, nhưng thị trường mía đường và cao su đã gần như bão hòa. Do vậy, chính quyền nơi đây chuyển hướng và định vị mình trở thành một trung tâm cung cấp rau củ quả cho TPHCM, vùng Đông Nam bộ và xuất khẩu sang các nước Bắc Á.
Họ nhìn thấy tiềm năng của rau củ quả. Và bắt đầu thực hiện từng bước để hình thành một cụm nông nghiệp gồm nhiều mắt xích liên kết với nhau từ sản xuất đến chế biến, vận chuyển và tiêu thụ. Cụ thể, họ tạo điều kiện cung cấp diện tích canh tác lớn để mời doanh nghiệp đến sản xuất; làm việc với Co.opMart để xây dựng trung tâm bán lẻ; mời các nhà bán lẻ từ nước ngoài đến để kết nối với doanh nghiệp địa phương; bản thân chính quyền địa phương cũng đã bắt tay hỗ trợ xây dựng khu chế biến nông sản và cụm chợ đầu mối.
Quay lại câu chuyện gói tín dụng ưu đãi. Giả sử tôi là doanh nghiệp NNCNC, được vay vốn tín dụng ưu đãi sẽ giúp tôi có lợi thế cạnh tranh?
- Điều này không sai nhưng cũng không hẳn cần thiết. Bởi, khi anh được vay ưu đãi, anh có nguồn vốn trong tay không mấy khó khăn, thế thì rất có thể anh sẽ chủ quan và dễ dãi hơn trong việc sử dụng nguồn vốn này. Như vậy rất mạo hiểm.
Quan trọng hơn, một doanh nghiệp đủ tốt, họ biết cách để tối ưu hóa sản xuất để có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với con số trung bình trong ngành. Và cái họ cần là sự minh bạch, công bằng trong thông tin thị trường, nơi họ có thể cạnh tranh sòng phẳng với những doanh nghiệp khác dựa trên chính năng lực của họ.
Vốn tín dụng ưu đãi luôn ngắn hạn và hữu hạn. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta cần một cái gốc thật tốt, bắt đầu từ những thông tin căn bản nhất của một nền nông nghiệp.
Những thông tin căn bản ấy được hiểu như thế nào?
- Nếu anh là một doanh nghiệp, khi đầu tư vào nông nghiệp, anh cần gì?
Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, tôi thấy họ gặp khó khăn khi tiếp cận những thông tin nền trong các ngành hàng nông nghiệp. Ví dụ, họ muốn trồng đậu bắp, họ cần biết nơi nào có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp, diện tích quy hoạch bao nhiêu, giống đậu bắp nào hiện nay có năng suất tốt nhất, tìm giống bắp này ở đâu, sản lượng đậu bắp hiện nay như thế nào, đâu là những doanh nghiệp lớn trong ngành?
Từ đậu bắp, chúng ta có thể nhìn rộng ra những giống cây trồng vật nuôi khác. Từ đó, có thể thấy nhu cầu thông tin trong nông nghiệp rất cần thiết. Đâu đó, ở các Viện trường, các sở nông nghiệp từng địa phương, ít nhiều có những thông tin liên quan như vậy, nhưng thông tin rất manh mún, phân tán, và thiếu tính hệ thống. Điều này làm doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian khi tiếp cận tìm hiểu về nông nghiệp.
Rõ ràng, họ gặp ngay rào cản đầu tiên là thông tin khi muốn làm NNCNC. Rào cản này, bàn tay Nhà nước hoàn toàn có thể giải quyết tốt và gỡ rào cản này chính là xây cái gốc để phát triển NNCNC.
Xin cảm ơn ông!
Caption: Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp