Ngọc Ánh-
Trong khi nhiều cá nhân, hộ gia đình đã biết sử dụng mạng xã hội để quảng cáo việc mua, bán hàng hóa thì có rất nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng công cụ này một cách hữu hiệu cho việc phát triển thương hiệu.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, thuộc Cục Xúc tiến thương mại, sẽ tổ chức chương trình tập huấn “Kỹ năng phát triển thương hiệu qua mạng xã hội” dành cho các doanh nghiệp vào ngày 15 và 16-6 tại Đà Nẵng. Chương trình tập huấn này được sự tài trợ của dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap). Ngoài ra, ban tổ chức cũng thực hiện buổi tập huấn về “Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin thị trường EU” cho các doanh nghiệp.
Thời đại làm nảy sinh nhu cầu
Ban tổ chức chương trình tập huấn cho biết chương trình sẽ tập trung vào bốn chuyên đề mang tính thời sự hiện nay đối với doanh nghiệp: tiếp cận hiện đại về thương hiệu, vấn đề bảo vệ thương hiệu, truyền thông thương hiệu và quảng bá thương hiệu qua mạng xã hội.
Trước khi đến Đà Nẵng, vào tháng 4 vừa qua, trung tâm này cũng đã phối hợp với trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức khóa tập huấn tương tự dành cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các nhóm khởi nghiệp tại thành phố Hà Nội.
Hiện nay trong kinh doanh, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có các giải pháp quảng bá thương hiệu của mình để mọi người biết đến. Một trong những phương pháp quảng bá phổ biến hiện nay là quảng cáo trực tuyến. Chính vì vậy, lớp tập huấn “Kỹ năng phát triển thương hiệu qua mạng xã hội” được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra với thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa biết về những tiện ích của mạng xã hội. Một trong những nguyên nhân là do kỹ năng và kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam còn yếu. Rất ít chủ doanh nghiệp quan tâm đến tính tiện ích của mạng xã hội trong hoạt động tiếp thị, phát triển thương hiệu.
Bên cạnh đó, trong nước vẫn chưa có các khóa đào tạo chính quy về tiếp thị trực tuyến như tiếp thị trên mạng xã hội, chỉ có các khóa học ngắn hạn về lĩnh vực này và kiến thức mà doanh nghiệp có được chủ yếu do tự học.
Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp băn khoăn trong việc lựa chọn mạng xã hội nào để việc truyền thông về hàng hóa, dịch vụ của họ một cách hiệu quả mà những rủi ro được hạn chế ở mức thấp nhất. Hiện tại, có khá nhiều mạng xã hội có sức lan tỏa trên toàn cầu như Facebook, Google+, YouTube, Twitter, Instagram, Pinterest, Tumblr, Flickr, Vimeo… nhưng những trường hợp tiêu cực và rủi ro từ việc sử dụng các công cụ này không đúng cách hoặc lạm dụng chúng cũng không ít.
Câu chuyện quản lý và phát triển
Theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2016 có 240 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động trong nước. Các mạng xã hội được thiết lập hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực giải trí như ca nhạc, thể thao, điện ảnh, khoa học và công nghệ, y tế, sức khỏe, xổ số, dịch vụ cưới hỏi, ẩm thực, tài chính kinh doanh…
Hơn 240 trang mạng xã hội nói trên, bao gồm những mạng có thương hiệu và được đầu tư một cách bài bản lẫn các mạng phát triển kiểu manh mún đang tranh giành một “mẩu bánh” quảng cáo trực tuyến với doanh thu chỉ hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Một chuyên gia ngành quảng cáo ước tính mỗi doanh nghiệp mạng xã hội có doanh thu trung bình vào khoảng 500 triệu đồng mỗi năm. Đây là một khoản tiền eo hẹp để nuôi bộ máy nhân sự và hệ thống hạ tầng kỹ thuật để vận hành một mạng xã hội.
Trên thực tế, sự thành công của Facebook đã kéo theo những giấc mơ làm giàu từ mạng xã hội của hàng loạt bản copy ở Việt Nam. Có thể kể đến những mô hình nội địa tương tự như mạng xã hội lớn nhất thế giới này như Tamtay.vn, Faceviet.com, Guongmat.com, ZoomBan.vn, YouSecond.com, Thegioiban.com, Anhyou.vn, Truongxua.vn, Noi.vn... Một số mạng đã sao chép chính xác bản gốc đến nỗi những nút bấm cũng giống hệt nút bấm của Facebook.
Thêm vào đó, các mạng xã hội thường nhắm vào nhóm người sử dụng thuộc thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ sinh từ năm 1980 đến 2000) và việc này làm mẩu bánh thị phần vốn nhỏ bé lại càng bị chia năm xẻ bảy. Điều này dẫn đến mô hình lợi nhuận của phần lớn mạng xã hội trong nước không thực tế, khó tìm nhà đầu tư để gọi vốn. Kết quả là cho đến thời điểm hiện tại rất nhiều mạng xã hội sống lay lắt sau một thời gian hoạt động hoặc dừng hẳn do không có đủ nguồn lực về tài chính hoặc không tìm được nhà đầu tư góp vốn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng mạng xã hội, chủ yếu là các mạng quốc tế như Facebook, YouTube hay Pinterest, đang lấy đi nhiều nguồn tiền trước đây từng dành cho các kênh quảng cáo truyền thống khác. Một bài viết trên tờ nhật báo Nikkei cho biết việc hợp tác với những “ngôi sao” trên mạng xã hội đang là một chiến lược kiếm tiền mới được các công ty quảng cáo ưa chuộng ở khu vực Đông Nam Á.
Quảng cáo thông qua tài khoản mạng xã hội của người có sức ảnh hưởng đến đám đông hiện đang chiếm 30-40% chi phí quảng cáo tại Thái Lan, cao hơn đáng kể so với con số chỉ 15% cách đây khoảng ba năm, theo ước tính của công ty quảng cáo Mỹ Ogilvy & Mather. Doanh nghiệp này cũng cho rằng kinh phí cho các kênh quảng cáo truyền thống đang giảm đi đáng kể khi mạng xã hội lên ngôi ở Đông Nam Á, khu vực mà người tiêu dùng thích sử dụng điện thoại di động và theo dõi tin tức trên đó cũng như sử dụng mạng xã hội nhiều. Một công ty quảng cáo của Anh ước tính tỷ lệ sử dụng mạng xã hội tại Brunei, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện lên đến trên 50%. Và chính xu hướng này đang thúc đẩy các doanh nghiệp phải học hỏi và chọn lựa đúng cách thức phát triển thương hiệu qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc duy trì uy tín thương hiệu trên mạng xã hội là một thách thức không nhỏ. Có không ít doanh nghiệp đã dùng chính nhân viên của mình giả làm khách hàng để quảng cáo về sản phẩm. Ngoài ra, từng có không ít người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng xã hội bị kiện vì nói xấu sản phẩm của đối thủ. Chính vì vậy, Chính phủ Singapore đã ra quy định rằng các dòng trạng thái quảng cáo phải được phân biệt rõ ràng với trạng thái thông thường trên mạng xã hội.