(SGTTO) - Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật thành công u quái có kích thước 30cm, nặng 3,1kg cho một bé gái sơ sinh ở Sóc Trăng. Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết y văn thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào có u quái vùng cụng cụt ở trẻ sơ sinh to hơn trường hợp này.
Bé gái là con của một sản phụ người Sóc Trăng, được sinh mổ tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) vào ngày 20-3 khi bé mới được 35 tuần tuổi. Gia đình của bé cho biết khi mẹ bé siêu âm thai ở tuần tuổi thứ 21 thì phát hiện bé có bướu vùng cùng cụt. Sau đó, cả hai mẹ con được siêu âm và theo dõi liên tục trong suốt thai kỳ, đến tuần thứ 35 thì phải mổ theo sự chỉ định của bác sĩ. Sau đó, bé được chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bé nhập viện trong tình trạng có khối bướu quái khổng lồ ở vùng cùng cụt, lớn hơn cơ thể của bé. Kết quả siêu âm cho thấy khối bướu này phát triển từ mặt trước xương cùng cụt, gồm mô đặc, nang và vôi và được chẩn đoán là một loại u quái vùng cùng cụt cần được phẫu thuật ngay để bảo toàn tính mạng cho bé.
Ca mổ kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, bác sĩ đã cắt trọn khối bướu nặng 3,1kg ra khỏi cơ thể bé (trong khi bé chỉ cân nặng 2,1kg). Hiện bé đã tỉnh táo, tự thở, sinh hiệu ổn định. Ca phẫu thuật cho bé gặp rất nhiều khó khăn, thách thức từ công tác gây mê, phẫu thuật cho đến hồi sức. Bé có khối bướu quá khổng lồ không thể nằm sấp mà phải nằm nghiêng, nguy cơ chèn ép đường hô hấp rất lớn, do đó bác sĩ thực hiện gây mê phải đồng thời kiểm soát được hô hấp cho bệnh nhi.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết y văn thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào có u quái vùng cùng cụt ở trẻ sơ sinh to hơn trường hợp này. U quái cùng cụt là loại u phát triển từ vùng cùng cụt, thường gặp ở trẻ sơ sinh, tần suất 1/40.000 trẻ sinh sống và thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai. Với khối u có kích thước 30cm, nguy tử vong cao do tăng sinh mạch máu nhiều trong bướu và trẻ dễ bị suy tim.
Hoàng Nhung