Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024

Phép màu cho bệnh nhân ung thư

Khánh Ngân -

Trước đây, trước mỗi đợt xạ trị, các bệnh nhân ung thư thường lo lắng, sợ hãi vì những biến chứng như đau họng, lở miệng, ăn uống khó khăn, người mỏi mệt, suy kiệt... Thế nhưng, với kỹ thuật xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy – IMRT) vừa được triển khai thành công ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã mang hy vọng cho bệnh nhân bị ung thư khi khắc phục phần nào những lo lắng khi xạ trị.

img_1123Một bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật xạ trị điều biến liều.

Chị Đinh Thu Q., 43 tuổi ở Tiền Giang bị ung thư amidan di căn hạch cổ được nên phải xạ trị nhiều lần. Chị từng là một giáo viên thể dục, người rất khỏe khoắn nhưng căn bệnh ung thư đã khiến chị trở nên gầy gò và từ khi bước vào đợt xạ trị đầu tiên bằng kỹ thuật truyền thống thì trông chị càng tiều tụy hơn. “Vừa bước ra khỏi phòng xạ trị là chân tôi bước không muốn nổi, miệng khô đắng, nuốt nước miếng cũng đau buốt và hầu như mỗi ngày tôi chỉ húp được vài muỗng cháo loãng và hoàn toàn không cảm nhận được chút mùi vị thức ăn. Có những lúc mệt mỏi, tôi ước thà chết còn khỏe hơn xạ trị. Vậy mà, từ đợt xạ trị thứ hai, tôi được chuyển qua xạ bằng kỹ thuật mới gì đó thì tôi thấy người bình thường, không còn đau họng, khô cổ, lở miệng nữa và đã biết ăn ngon miệng nên tôi mừng như sống lại”, chị kể lại.

Chị Q. là một trong những bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật mới xạ trị điều biến liều trong điều trị ung thư và hiện nay có nhiều bệnh nhân được áp dụng phương pháp điều trị hiện đại này. Sáng nào, trước khu xạ trị gia tốc Bệnh viện Ung bướu cũng có đông bệnh nhân đang chờ đợi đến lượt. Nhiều thân nhân ngồi đợi bên ngoài nói vui: “Nhìn ai đi ra nhăn nhó, cau có là biết xạ bằng máy cũ (người dân so sánh hai phương pháp bằng câu máy cũ-máy mới, dù gọi chính xác là kỹ thuật mới), còn ai đi ra vẫn nhanh nhẹn, tươi tỉnh và cười được thì chắc chắn xạ bằng phương pháp mới”.

Chị Võ Thị P., 29 tuổi ở Long An, bị ung thư vòm hầu vừa bước vào đợt xạ trị đầu tiên bằng kỹ thuật mới với tâm lý khá thoải mái. Và sau khi xạ liều đầu, chị cho biết: “Không khó chịu như tưởng tượng ban đầu, vì trước đó ai cũng nói xạ trị xong đau và mệt mỏi lắm, còn em hiện vẫn bình thường”.

Xưa nay, ung thư là nỗi ám ảnh, sợ hãi của nhân loại và nếu chẳng may mắc ung thư thì rất nhiều người xem như dính án tử. Thế nhưng, để đối phó với sự nguy hiểm của căn bệnh này thì y học cũng ngày càng phát triển để điều trị, khống chế bệnh – trong đó có kỹ thuật xạ trị điều biến liều là một điển hình. Bệnh viện Ung bướu TPHCM là đơn vị đầu tiên của phía Nam áp dụng kỹ thuật này và nó nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt là với ung thư vùng đầu cổ. TS.BS. Đặng Quốc Huy Thịnh,  Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh nhân ung thư thường phải đối diện với những tác dụng phụ của xạ trị như bị khô miệng, mệt mỏi, chán ăn… và điều đó khiến tinh thần, sức khỏe dễ giảm sút. Hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện, phương pháp xạ trị được áp dụng vẫn là kỹ thuật cổ điển (2D, 3D theo hình dạng khối u). Kỹ thuật cũ này có ưu điểm là tiến hành đơn giản, chi phí thấp nhưng có nhiều tác dụng phụ nặng nề cho người bệnh là chùm tia phóng xạ ảnh hưởng lên cả các mô lành xung quanh khối u, đồng thời kỹ thuật này không có khả năng nâng liều cao do liều chiếu của thể tích điều trị và mô lành xung quanh gần như tương đương nhau. Trong đó, tác dụng phụ rõ nhất là ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, làm cho bệnh nhân bị khô miệng, hư răng, sâu răng, thậm chí có thể hư xương hàm ăn uống khó khăn, không cảm nhận được vị giác…

Trong khi đó, kỹ thuật xạ trị điều biến liều đã khắc phục tất cả nhược điểm của xạ trị cổ điển. Bác sĩ Thịnh giải thích thêm: “Kỹ thuật xạ trị mới này rất đặc biệt, vì bệnh nhân bị u với kích thước, hình dáng như thế nào thì tia xạ chỉ tập trung vào hình dáng, kích thước đó. Ví dụ khối u hình quả lê thì liệu trình chiếu đúng theo hình đó, không lan ra bên ngoài. Còn kỹ thuật cũ là tia chiếu theo hình chữ nhật nên dù khối u nhỏ cũng phải chiếu trùm lên theo hình chữ nhật nên những mô lành cũng bị ảnh hưởng. Điểm ưu khác là kỹ thuật này cho phép nâng cao liều điều trị, giúp tăng khả năng tiêu diệt, cũng như kiểm soát khối u hiệu quả và giảm rõ rệt tác dụng phụ của xạ trị”.

Với những ưu điểm trên nên kỹ thuật xạ trị điều biến liều đặc biệt phù hợp, hữu ích với những bệnh nhân bị ung thư não, ung thư vùng đầu cổ, ung thư lồng ngực, vùng chậu – những nơi có nhiều cơ quan quan trọng dễ bị ảnh hưởng trong quá trình xạ trị ung thư. Tuy nhiên, phương pháp xạ trị này đòi hỏi thiết bị và kỹ thuật cao nên mỗi một lần xạ trị, bác sĩ và kỹ sư vật lý phải hội chẩn xác định phác đồ điều trị, lập kế hoạch xạ chi tiết như số lượng trường chiếu, góc chiếu, phân liều, tối ưu hóa liều lượng, thực hiện kiểm tra, kế hoạch điều trị trước khi xạ...

Do vậy khó khăn của phương pháp mới là trung bình mỗi ngày, bệnh viện chỉ xạ trị khoảng 15 ca, còn phương pháp xạ cũ đến hơn 400 ca.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối