Công việc bàn giấy trong môi trường kém thông thoáng cùng với nhịp sinh hoạt ít vận động đã gây ra khá nhiều vấn đề về sức khỏe cho các nhân viên văn phòng.
Mỗi ngày, phòng khám của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tiếp nhận vài bệnh nhân là nhân viên làm việc hành chính tại các văn phòng. Họ đến khám bệnh vì hàng tá những triệu chứng mà các bác sĩ hay gọi vui là “bệnh văn phòng”. Các triệu chứng này phần đa rất mơ hồ, thường là kết quả tích tụ của việc ngồi liên tục trong môi trường tương đối chật hẹp và đông người trong thời gian rất dài. Số lượng người gặp những vấn đề sức khỏe dạng này đang ngày càng đông thêm cùng với sự gia tăng về số lượng của các công ty, văn phòng trên địa bàn thành phố.
Mệt mỏi kinh niên
PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược cho biết, có rất nhiều nhân viên văn phòng đến khám bệnh tại bệnh viện với những triệu chứng đau chỗ này một chút, khó chịu chỗ kia một chút. Nhưng phần lớn họ đều có chung một triệu chứng là luôn cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung khi làm việc, dễ cáu gắt và khó ngủ. Bác sĩ Nam cho rằng sẽ rất khó khăn để chẩn đoán các bệnh nhân dạng này vì các triệu chứng không rõ ràng, lẫn lộn giưã bệnh này với bệnh khác.
Khi bác sĩ hỏi kỹ lại, phần lớn những bệnh nhân này đều phải làm việc quá sức, áp lực công việc nhiều, việc gì cũng đến tay. Sếp tin tưởng quá cũng khổ, việc gì sếp cũng sai bảo vì thủ trưởng luôn nghĩ rằng, việc này chỉ có anh A, chị B mới làm được còn người khác thì không thể. Nhân viên thì cố gắng làm vừa lòng sếp để được thăng tiến, để được lương cao… và thường phải thỏa hiệp với bản thân để gạt bỏ việc bảo vệ sức khỏe qua một bên. Chính vì vậy, đến một lúc nào đó cơ thể hết chịu nổi cường độ làm việc quá sức và việc gì đến sẽ phải đến. Mệt mỏi kinh niên, khó ngủ hay không ngủ được, đau chỗ này nhức mỏi chỗ kia thường xuyên. Triệu chứng đã rất mơ hồ rất khó điều trị lại càng khó có thể phục hồi sức khỏe để tiếp tục làm việc, bệnh nhân rơi vào vòng luẩn quẩn.
Lần tìm nguyên nhân
Theo BS. Nam, phần lớn nhân viên văn phòng đều có những vấn đề về sức khoẻ bắt nguồn từ môi trường làm việc. Triệu chứng thường gặp nhất là viêm mũi xoang do suốt ngày làm việc trong môi trường máy lạnh. Làm nhân viên văn phòng ngồi phòng lạnh nghe qua tưởng rằng bớt được vất vả nhưng thực tế thì không phải như vậy. Trong môi trường văn phòng, không khí bị lưu cữu vì máy lạnh thực chất chỉ làm lạnh mà không tạo ra sự thông thoáng. Nhiều văn phòng thuê tạm hoặc tiết kiệm chi phí nên gần như bỏ mặc yếu tố sức khỏe của nhân viên. Nguy hiểm hơn, chỉ cần một người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp là cả cơ quan có thể bị lây. Bởi vì hầu như tất cả hệ thống lạnh của văn phòng không được làm vệ sinh thường xuyên, môi trường lạnh và ẩm rất dễ dàng cho việc lây lan của vì trùng và các siêu vi trùng.
Để phòng ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp của các nhân viên văn phòng là phải thường xuyên vệ sinh hệ thống lạnh của văn phòng, chí ít là 4 tháng một lần. Nếu có điều kiện tài chính, công ty hoặc cơ quan cũng không nên tiết kiệm và cần nâng cấp hệ thống lạnh có đối lưu tốt, độ lạnh vừa phải và có khả năng sát khuẩn tốt.
Nhân viên văn phòng đa phần ngồi nhiều, ít vận động nên dễ bị suy tĩnh mạch chân sưng phù, chuột rút… Ngày nay, hầu hết các công việc văn phòng được thực hiện qua máy tính. Việc nhìn vào màn hình máy vi tính liên tục sẽ làm khô mắt, từ đó gây giảm thị lực. Các loại bàn ghế văn phòng thường chỉ cốt sao cho phù hợp với không gian, chưa hợp quy cách bảo vệ sức khỏe, gây đau vai, đau cổ tay và nhiều rối loạn khác cho người dùng... Ở Nhật Bản, các công ty thường có những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc. Những bài tập thể dục giữa giờ ngay tại bàn làm việc như vậy rất hữu ích cho việc lưu thông máu, co giãn cơ bắp, giảm khó chịu và hạn chế các ảnh hưởng xấu của việc ngồi nhiều, sử dụng máy vi tính liên tục.
Ngoài ra, các chuyên gia về y học cũng khẳng định yếu tố tinh thần là nguyên nhân gây ra sự sa sút về thể chất. Trong đó, trầm cảm là một hệ quả tất yếu của việc làm việc quá bị áp lực và cố gắng làm vừa lòng cấp trên. Tuy nhiên đây lại là vấn đề cá nhân và hướng giải quyết của mỗi người là một khác nhau. Ngoài ra, việc tìm chuyên gia tâm lý đủ kinh nghiệm để giúp tư vấn hướng dẫn cho bệnh nhân trầm cảm tại Việt Nam cũng là một chuyện không dễ làm, chưa nói đến việc điều trị là mất thời gian và khá tốn kém.
Nên giữ đủ ấm và vận động thường xuyên
Để phòng tránh các bệnh về văn phòng, BS. Nam thường khuyên những người đến khám bệnh nên giữ ấm khi làm việc trong môi trường lạnh thường xuyên như vậy. Nên tự bảo vệ phần ngực bụng và chân, có thể mặt thêm áo vest, đi tất để giữ chân cho ấm. Khi bị bệnh về đường hô hấp nên chủ động xin nghỉ vì sức khỏe bản thân cũng như để tránh lây lan cho đồng nghiệp.
Một việc cần nhiều sự tế nhị nhưng không nên bỏ qua là cố gắng không làm việc liên tục trong thời gian quá lâu, khoảng 30 phút nện nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách dời mắt khỏi màn hình, vận động tay chân. Nếu môi trường làm việc không quá khó khăn, có thể đứng lên và đi lại trong khoảng chừng 5 phút là đủ.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là nên trao đổi với thủ trưởng đơn vị về cường độ làm việc. Nên duy trì ở mức độ vưà phải hợp với đồng hồ sinh học của mỗi người và nhất là phải có kế hoạch làm việc hợp lý. Hãy lắng nghe và yêu quý cơ thể vì đó là vốn quý nhất để duy trì khả năng tập trung và hiệu quả công việc lâu dài.
Bình An